[ad_1]

Điểm tựa nào cho doanh nghiệp logistics trong năm 2022?

Một số chuyên gia dự báo đà tăng của nhóm doanh nghiệp ngành logistics sẽ chững lại trong năm 2022 khi mà các yếu tố liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 dự báo phai nhạt dần và giá cước có thể giảm trở lại sau đà tăng nóng trong năm 2021.

Theo ông Hoàng Công Tuấn – Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Vĩ mô MBS, ngành logistics sẽ chia làm 2 nhóm chính, thứ nhất là nhóm doanh nghiệp cảng biển và nhóm vận chuyển, vận tải biển. Trong năm 2021, các công ty cảng biển kinh doanh ấn tượng bởi vì giá bốc dỡ hàng hóa tăng lên rất mạnh. Dựa trên yếu tố đó, biên lợi nhuận các công ty tăng trưởng rất mạnh. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn cầu, Trung Quốc áp dụng chính sách quá chặt chẽ liên quan đến chống dịch Covid-19 nên mặt bằng giá tăng biên độ rất nhiều. Lĩnh vực vận tải biển cũng tương tự.

Điểm tựa nào cho doanh nghiệp logistics trong năm 2022?

Với các yếu tố đó, mặc dù năng lực bốc dỡ không tăng nhiều nhưng kết quả kinh doanh tăng rất ấn tượng.

“Trong năm 2022, yếu tố liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 sẽ phai nhạt dần khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin trên toàn cầu được bao phủ kèm theo đó là thuốc trị Covid-19 được sử dụng rộng rãi. Giá cước vẫn có thể neo cao ở giai đoạn cuối quý 1/2022 đến giữa 2/2022 trước khi giảm trở lại. Do đó, lợi nhuận của nhóm doanh nghiệp này có thể sẽ suy giảm”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Đối với nhóm các công ty vận tải biển, giá vận chuyển hàng hóa 2021 có xu hướng tăng lên rất đáng kể đã giúp các công ty này tăng trưởng tốt. Nếu trong năm 2022 giá vận tải biển giảm thì sẽ ảnh hưởng khiến kết quả kinh doanh kém ấn tượng hơn, phai nhạt dần so với năm 2021 và trở lại trạng thái bình thường.

Còn ông Trần Trương Mạnh Hiếu – Trưởng phòng Phân tích CTCK KIS: “Việc hạn chế đi lại và vận chuyển hàng hóa giữa các quận huyện ở Việt Nam không còn quá khắt khe so với giai đoạn trước, tuy nhiên việc lưu thông hàng hóa vẫn bị ảnh hưởng nhiều. Trên thế giới cũng vậy, đặc biệt hơn khi biến chủng mới xuất hiện, một số nước sẽ siết lại vấn đề đi lại, nên có thể chi phí logistics sẽ tiếp tục tăng cao. Câu chuyện của ngành logistics vẫn chưa có gì rõ ràng, khi mà giá dầu đang ở mức cao, các biện pháp phong tỏa, đi lại tại một số nước vẫn còn dè chừng…”.

Điểm tựa nào cho doanh nghiệp logistics trong năm 2022?

Nói về chi phí logistics ở mức cao, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam chia sẻ, không phải doanh nghiệp logistics nào cũng được hưởng lợi từ việc chi phí logistics cao. Hiện nay, cảng biển của Việt Nam rất nhiều nhưng không có quá nhiều cảng biển đáp ứng được nhu cầu của lĩnh vực logistics quốc tế, tức là cảng nước sâu, cảng hiện đại không có nhiều. Như vậy, trong cuộc chơi này, doanh nghiệp logistics được hưởng lợi tích cực từ chi phí logistics cao. Dù vậy, câu chuyện cạnh tranh trong ngành và năng lực đáp ứng không có quá nhiều sự lựa chọn với các doanh nghiệp ngành cảng biển.

Liệu còn tiềm năng tăng trưởng?

Theo Báo cáo triển vọng ngành cảng biển 2022, Mirae Asset dự báo động lực tăng trưởng của nhóm cảng biển đến từ 4 yếu tố chính.

Thứ nhất, thu hút FDI sẽ tiếp tục tăng trưởng. Kế hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp mới là nền tảng tốt để thu hút FDI trong 2022, từ đó hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu và sản lượng của ngành cảng biển.

Thứ hai, hoạt động sản xuất sẽ hồi phục và thích ứng với dịch Covid-19. Sau khi giảm mạnh trong tháng 8 và tháng 9/2021 do các biện pháp phong tỏa, chỉ số IIP ngành sản xuất tháng 10 đã cho thấy tín hiệu hồi phục khi mức giảm chỉ còn giảm 1.59% so với cùng kỳ và chỉ số PMI cũng phục hồi lên trên mức 50.

Yếu tố thứ ba là vận tải thủy tăng trưởng. Hoạt động vận tải đường biển và thủy nội địa 10 tháng đầu năm 2021 ghi nhận hồi phục so với cùng kỳ 2020.

Cuối cùng, tình hình kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đang dần hồi phục. GDP các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới như Mỹ, EU, Nhật, Trung Quốc được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022 và 2023.

Cũng theo Mirae Asset, yếu tố rủi ro chính mà doanh nghiệp logistics phải đối mặt là dịch Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động cảng biển trên thế giới.

Với chiến lược “Zero-Covid”, Trung Quốc vào tháng 8/2021 tạm dừng hoạt động tại ga Mi Sơn – cảng Ninh Ba. Tương tự, hoạt động ở các cảng biển lớn trên thế giới bên cạnh việc ghi nhận mức tăng trưởng cao cũng xảy ra tình trạng ùn ứ do các biện pháp phòng dịch làm tăng thời gian thông quan. Theo đó, hoạt động vận tải biển trên toàn thế giới có nguy cơ bị xáo trộn và kém hiệu quả nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn. Điều này ảnh hưởng xấu đến các tuyến hàng hải đến Việt Nam cũng như hoạt động xuất nhập khẩu.

Tiên Tiên

[ad_2]