[ad_1]

Sáng 10/1, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư,… Một trong những sửa đổi nhận được nhiều ý kiến liên quan là đề xuất của Chính phủ sửa đổi Điều 75 Luật Đầu tư – sửa đổi bổ sung khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở quy định hình thức sử dụng đất để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại.

Ảnh minh họa.

Theo đề xuất của Chính phủ, việc sửa đổi Điều 75 Luật đầu tư theo hướng, ngoài đất ở hợp pháp, nhà đầu tư có quyền sử dụng các loại đất khác để đầu tư xây dự án nhà ở thương mại. Điều kiện là các dự án đất này đã được quy hoạch, có trong kế hoạch sử dụng đất của cơ quan chức năng theo luật về đất đai, trừ trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Điều này sẽ giải quyết được việc các doanh nghiệp chỉ vì diện tích dự án không có m2 nào là đất ở nên không thể triển khai xây dựng nhà ở thương mại.

Một số đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ nhận diện vướng mắc, tuy nhiên đề nghị cần xem xét và cân nhắc rất kỹ bởi đây là vấn đề phức tạp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho biết, việc sửa đổi này sẽ mở rộng quyền cho các chủ sử dụng đất hợp pháp, giải quyết nhanh việc công nhận chủ đầu tư nhưng hậu quả có thể gây ra thất thoát. Khi được công nhận chủ đầu tư và được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người sử dụng đất chỉ cần trả tiền theo quy định của luật hiện nay là lấy giá đất quy định trong bảng giá nhân với hệ số K.

Đại biểu Ngô Trung Thành – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước cho phép chuyển đổi làm cho giá trị đất tăng lên rất lớn thì chênh lệch địa tô cơ bản phải thuộc Nhà nước, thuộc về nhân dân. Sửa theo hướng trên có thể giải thoát cho dự án nhưng lợi cho chủ dự án, cho người gom đất, còn Nhà nước sẽ “chảy máu” nguồn lực đất đai.

Giải trình về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sửa đổi tại Điều 75 của Luật đầu tư thực chất vẫn chưa giải quyết được những bất cập, đang tạo ra những phân biệt với các trường hợp nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở hoặc không phải một phần đất ở dù chỉ là 1m2 thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư, gây lãng phí rất nhiều các nguồn lực hiện nay và thiếu hụt cung cầu về nhà ở, làm cho giá nhà ở tăng lên.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã gửi phương án sửa đổi của Chính phủ và những ý kiến của các địa phương. Tính đến 31/12 đã có 20 địa phương đồng ý với phương án sửa đổi của Chính phủ. Một số địa phương còn đề nghị sửa đổi mạnh mẽ hơn để tháo gỡ những vướng mắc đối với cả dự án chuyển nhượng sử dụng đất nông nghiệp để xây dựng nhà ở thương mại.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu 2 phương án đề nghị Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét:

Phương án 1 như tờ trình của Chính phủ: Rà soát chặt chẽ quy định chuyển mục đích sử dụng đất; định giá tiền phải nộp cho ngân sách khi chuyển.

Phương án 2 theo Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Xây dựng đề án thí điểm riêng để áp dụng, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 vào tháng 5/2022.

[ad_2]