[ad_1]
Văn hóa truyền thống luôn coi trọng việc tu tâm dưỡng tính, làm những điều tốt đẹp để đề cao đạo đức và thực hành nhẫn nhịn để tiêu trừ nghiệp lực.
Người xưa ví “Nhẫn” như một loài hoa quý, được nuôi dưỡng trong tâm của mỗi người, có thể thành tựu những điều lớn lao mỹ diệu cũng như có thể hóa giải thù hận. Nhẫn là biểu hiện của sự khoan dung, của tính kiên trì vượt lên tất cả để chiến thắng bản thân mình. Nhẫn cũng được coi là không động tâm, là một biểu hiện của cảnh giới tinh thần cao nhưng tuyệt đối không phải là nhu nhược.
Thực hành nhẫn nhịn sẽ giúp con người vượt qua nỗi oán giận với tâm trạng thản nhiên mà không có sự khổ đau, uất ức. Chỉ người nào có tâm nhẫn nhịn mới có thể khoan dung với người khác, mới có thể nâng cao đạo đức và trí huệ của mình. Trong mọi cách hành xử, người có “Nhẫn” luôn thể hiện thái độ bao dung, nhượng bộ; khi bị lăng nhục, oan ức, họ nhẫn nhịn để không động tâm. Chính vì như vậy mà họ đã đạt nhiều thành tựu mỹ diệu trong cuộc đời. Lịch sử xưa nay đã ghi nhận nhiều tấm gương về những người nhờ có tâm đại nhẫn mà làm nên những thành tựu vĩ đại, lưu truyền tiếng thơm muôn đời.
Người đại nhẫn có thể làm được những điều mà người thường không thể
Người thực hành chữ Nhẫn là người có dũng khí, có thể độ lượng bao dung với cả những việc người thường không thể chịu đựng được. Một người không nhịn được điều nhỏ nhặt thì sẽ làm hỏng chuyện đại sự. Người “hữu dũng vô mưu” khi bị vũ nhục, nhất định sẽ rút kiếm, còn dũng sĩ thực sự trong thiên hạ, khi gặp những sự tình bất ngờ đều không kinh hoảng, khi vô cớ bị người khác vũ nhục, cũng thấy bình thường, không phẫn nộ. Chỉ những người có ý chí, khát vọng vô cùng lớn, chí hướng cao xa phi thường, biết lễ nghĩa, biết đạo lý thì mới có thể kiềm chế bản thân, ước thúc lời nói và hành vi của mình, khiến cho lời nói và hành vi đều phù hợp với yêu cầu của Đạo Đức.
Ở Trung Quốc, mỗi khi nhắc đến người có tâm đại nhẫn là người ta nói tới Hàn Tín. Thuở thiếu niên, Hàn Tín thân thể cường tráng, võ nghệ cao cường, vì là người luyện võ nên thường khoác bảo kiếm đi trên đường. Một hôm, có một kẻ vô lại hỏi Hàn Tín: “Ngươi khoác bảo kiếm làm gì? Ngươi dám sát nhân không? Có can đảm thì giết ta đi!” Hàn Tín thầm nghĩ: “Ta giết hắn là việc quá dễ dàng, nhưng sát nhân là phải đền mạng, hơn nữa cũng là việc không đáng”. Người kia liền cười to và nói: “Ngươi không dám giết ta, vậy ngươi phải chui háng ta đi, nếu không thì đừng hòng đi qua!” Trong tiếng cười nhạo của cả đám đông, Hàn Tín đã thực sự chui qua háng của kẻ vô lại. Hàn Tín làm như vậy, không những không có người cho rằng ông nhu nhược mà nhiều người còn cho rằng ông có năng lực nhẫn nại và khả năng kiềm chế cao.
Nhẫn nhịn có thể hóa giải được tai ương
Văn hóa phương Đông luôn đề cao sự nhẫn nhịn trong mỗi hành xử. Người xưa dạy: một sự nhịn là chín sự lành, và, đừng hành động gì khi đang tức giận. Có câu chuyện rằng, ở nước Nhật, mỗi khi mùa vụ tới, vua cử người xuống các địa phương đi thu sưu thuế. Một làng chài nọ có ông lão đánh cá đứng khúm núm trước vị kiếm sĩ Samurai, người nhận nhiệm vụ thu tiền hộ. Ông lão nói:
– Thật xin lỗi, năm nay mùa vụ lại thất bát, mưa bão liên miên, tôi không giữ được đồng nào để trả cho ngài.
Lão đánh cá đã khất nợ mấy năm liền, cứ như thế này, khó mà hoàn thành nhiệm vụ thu thuế trong dân. Vị Samurai nổi nóng, tuốt kiếm định giết người đánh cá để làm gương cho dân chúng trong làng. Ông lão trông lo âu nhưng lấy một chút bình tĩnh, chậm rãi nói:
– Lão thời trai tráng cũng từng được học võ, sư phụ có dạy đừng hành động gì khi đang giận dữ.
Nghe thấy cũng có lý, võ sĩ Samurai nhìn ông lão một hồi như dò xét, từ từ thu kiếm vào vỏ, rồi nói:
– Sư phụ của ngươi chắc hẳn là người tốt. Thầy của ta cũng nói mấy lời này, ta đây làm mãi vẫn chưa được, đôi lúc giận dữ lên là khó kiềm chế được tay kiếm. Hôm nay xem như ngươi còn chút may mắn, ta kỳ hạn một năm trả nợ mới lẫn cũ, thiếu một xu thôi ngươi cũng khó mà yên thân.
Vị Samurai sau đó rời đi, thu tiền các gia đình còn lại, lúc về nhà thì trời đã vào khuya. Không muốn đánh thức vợ đang yên giấc, ông nhẹ lẻn vào nhà nơi cửa sau, qua ánh đèn hắt ra ông giật mình thoáng thấy một người lạ mặc giáp trụ Samurai đang nằm kế bên vợ. Cơn ghen tức bùng phát, lòng tự tôn bị xúc phạm dữ dội, trong cơn nóng giận ông tuốt kiếm định xông vào giết cả hai rồi cũng sẽ tự kết liễu mình.
Đột nhiên lời lão đánh cá ban chiều vọng bên tai: “Ðừng hành động gì khi đang giận dữ.” Câu nói giúp ông có thêm hòa hoãn, bèn vung kiếm nghe rít “xoạt” một tiếng trút giận vào không khí. Có tiếng động lạ, hai người đang ngủ choàng dậy ra xem, hóa ra trên giường là vợ và mẹ vợ. Lại một phen thất kinh, võ sĩ Samurai gào lên: “Trời ơi, chuyện gì nữa đây. Suýt nữa ta đã giết cả hai người rồi!”
Người vợ bối rối giải thích: Chàng xa nhà, đêm khuya một mình thiếp sợ kẻ gian, nên đã nhờ mẹ đến ở cùng, lại giả đàn ông mặc giáp trụ, nằm ngủ chung cho thêm phần yên tâm.
Bẵng đi một thời gian, mùa hoa anh đào lại nở, vị kiếm sĩ Samurai lại có dịp ghé qua ngôi làng chài để thu thuế của dân. Chưa kịp tiến vào sân, ông lão đánh cá ngày nào đã chạy ra chào đón và hớn hở mời kiếm sĩ vào để trả tiền. Vị võ sĩ Samurai lại nhìn ông lão như suy nghĩ một lúc rồi nói: Thôi ngươi hãy giữ tiền đó lại đi, món nợ mấy năm nay coi như đã được trả rồi.
Nhờ thực hành nhẫn nhịn, làm theo lời lão ngư dân “không hành động gì trong lúc đang tức giận” mà vị Samurai này đã tránh được tai họa. Nhiều chuyện về tấm gương đại nhẫn như thế này đã được lưu truyền trong dân gian nhằm nhắn nhủ người đời sau rằng nhẫn nhịn có thể ước chế được các hành vi của con người, nhờ đó mà phù hợp với tiêu chuẩn của đạo đức, và do vậy nó có thể hóa giải được tai ương.
Người đại nhẫn không động tâm trước những biến cố của cuộc đời
Chuyện kể rằng, ngay khi còn là một cậu bé mới lên 8 tuổi, Hakuin (sinh năm 1684 ở thời kỳ Edo Nhật Bản) đã xuất gia. Là một vị thiền sư quan trọng nhất của dòng thiền Lâm Tế, người đã có công phục hưng lại thiền phái vốn đã bị tàn lụi trước đó nhiều thế kỷ, thiền sư Hakuin Ekaku còn được nhắc tới như một họa sĩ xuất chúng.
Chuyện kể rằng, thời bấy giờ, ở một nhà bán vải cách thiền viện của Hakuin không xa có cô con gái chửa hoang. Sợ nói ra tên người bạn trai thì anh ta sẽ bị cha mình đánh cho tới chết nên cô gái nhất định không chịu nói nửa lời. Sau đó, không chịu được sự tra hỏi bức ép của cha, cô gái bèn nghĩ tới thiền sư Hakuin, người mà cha cô rất sùng kính nên nói rằng: “Đứa trẻ trong bụng con chính là của thiền sư Hakuin đấy!”.
Cha cô gái nghe xong sững cả người, thiền sư Hakuin là người mà ông ta tôn kính, làm sao lại có thể có chuyện đó được. Nghĩ vậy, nhưng không còn cách nào khác, người cha mang con gái tới gặp thiền sư Hakuin.
Thiền sư nghe xong, chỉ nhẹ nhàng nói một câu: “Thế à?”. Cha mẹ cô gái thấy thái độ của Hakuin rất bình thản, cũng không làm lớn chuyện nữa. Đến khi cô gái sinh con ra, họ liền mang đứa trẻ tới thiền viện của Hakuin nói: “Đây là nghiệt chủng của ông, trả lại cho ông đấy!”. Sự việc sau đó được truyền ra bên ngoài, những người trong vùng ai cũng chê bai dè bỉu thiền sư Hakuin. Mặc dù bị người đời dè bỉu, song Hakuin vẫn không cố thanh minh, ngược lại âm thầm nuôi dưỡng đứa bé.
Hơn một năm sau, cô gái nọ không chịu được sự cắn rứt của lương tâm nên nói ra toàn bộ sự thực. Cha mẹ cô nghe xong, vô cùng hối hận, cả nhà từ lớn tới nhỏ kéo lên chùa xin lỗi Hakuin. Thiền sư nghe xong, cũng chỉ nói có một câu: “Thế à?”. Thế rồi đưa trả đứa bé về với mẹ của nó.
Các bạn thấy đấy, thiền sư Hakuin chỉ nói có 1 câu thôi nhưng cũng đủ thấy mức độ nhẫn nhịn và sự giác ngộ của ông cao tới mức nào.
Thực hành nhẫn nhịn trong cuộc sống hàng ngày
Người xưa dạy rằng: nhịn được cái tức một lúc, tránh được mối lo trăm ngày; một sự nhịn là chín sự lành… Muốn hoà thuận trên dưới, nhẫn nhịn đứng hàng đầu. Sống trong xã hội với nhiều mối quan hệ phức tạp, nếu như chúng ta không biết thực hành nhẫn nhịn thì chính bản thân chúng ta sẽ chiêu mời những rắc rối, chuốc lấy sự thiệt thòi, tạo nghiệp và hối hận mai sau. Có rất nhiều người, đặc biệt là những người tu luyện, khi áp dụng phương pháp quán chiếu nội tâm là một thực hành liên quan đến Nhẫn, đã nhận được kết quả hết sức tốt đẹp. Nhẫn nhịn đã giúp họ có sức sáng tạo mạnh hơn, có khả năng giải quyết vấn đề bình tĩnh, sáng suốt hơn, đạt được những thành tựu cao hơn, tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Nhưng thực tế cũng có nhiều người cho rằng khó có thể thực hành “Nhẫn” ở trong thời buổi ngày nay, thời buổi của sự ganh đua, cạnh tranh gay gắt. Trước cuộc sống đầy rẫy khó khăn và biến cố, họ cho rằng con người cần phải đấu tranh, phải giành giật để có cuộc sống thoải mái, đầy đủ tiện nghi, hơn người; càng đạt được nhiều lợi lộc, tiền tài hay nổi danh hơn người thì càng tốt… Thật đáng tiếc cho những người này bởi họ không biết rằng đời người chỉ là một giấc mộng, và những sự việc xảy ra trong cõi tạm này cũng chỉ như làn khói hư ảo không thể đoán trước. Nếu như con người không biết bảo trì một cảnh giới tâm trí bao dung và nhẫn nại thì họ không thể lĩnh hội được ý nghĩa chân thực và mục đích sống của đời người, và do vậy, họ mãi chìm trong cảnh chấp mê bất ngộ và cuối cùng sẽ bị tiêu vong.
Thời gian như nước trôi qua cầu và sự chịu đựng thầm lặng của Nhẫn luôn lưu lại dấu ấn mỹ diệu trong lịch sử của nhân loại. Bất luận là bạn đang ở đâu, đang làm gì, chỉ cần tĩnh tại và bao dung, bạn sẽ đạt được cảnh giới của trí huệ và sự nhẫn nại. Vẻ đẹp của chữ “Nhẫn” cần được bảo trì và làm sáng lại trong văn hóa ứng xử hàng ngày của chúng ta. Để góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, xin hãy nuôi trồng, chăm sóc, thực hành nhẫn nhịn, để loại mỹ đức này luôn nở hoa trong tâm của mỗi người…
[ad_2]