[ad_1]

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc tháo gỡ khó khăn cũng như vướng mắc của các dự án “treo”; các quỹ đất nông, lâm trường hoang hóa để nhanh chóng đưa vào sử dụng là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai…

Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Bộ TN&MT mới đây đã đề xuất xây dựng “Đề án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải phóng nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế – xã hội” trình Chính phủ phê duyệt để tháo gỡ khó khăn và đẩy nhanh việc đưa vào khai thác những diện tích đất dự án không triển khai, chậm đưa đất vào sử dụng, hoang hóa…

Song song với đó, Bộ còn đề cập đến quỹ đất của các nông, lâm trường không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả; quỹ đất chưa sử dụng; đất đã giao, cho thuê có vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… trên phạm vi cả nước cũng cần phải nhanh chóng sử dụng với mục đích phục vụ phát triển kinh tế – xã hội đất nước.

Theo Bộ TN&MT, trong năm 2018 đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Qua đó góp phần khắc phục tình trạng các dự án, công trình không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ gây bức xúc dư luận xã hội.

Dựa trên cơ sở đó, Bộ TN&MT ban hành Văn bản số 1171/BTNMT- TCQLĐĐ ngày 03/3/2018 yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng. Tính đến hết năm 2020 có 60/63 tỉnh, thành phố báo cáo kết quả thực hiện, vì vậy Bộ tiếp tục gửi văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố còn lại khẩn trương hoàn thành rà soát.

Thực tế thời gian qua, Bộ TN&MT đã tích cực nghiên cứu và đưa ra các giải pháp xử lý tình trạng dự án treo. Một trong các giải pháp quan trọng mà Bộ thực hiện là chủ động đề xuất xây dựng những quy định mang tính quy phạm, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm xử lý triệt để vấn đề quy hoạch treo, bảo đảm tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Theo Bộ TN&MT, việc tháo gỡ khó khăn cũng như vướng mắc của các dự án còn bị “treo”; các quỹ đất nông, lâm trường còn để hoang hóa, lãng phí vào sử dụng là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Được biết đến thời điểm này, cả nước có 3.205 dự án với diện tích khoảng trên 85.163 hécta (chưa tính đến diện tích đất Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp) đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không sử dụng đất hoặc chậm đưa đất vào sử dụng mà không thể thu hồi được.

[ad_2]