[ad_1]

Thông tin các dự án bất động sản đang mời đầu tư và được các doanh nghiệp lớn rót vốn, xin làm trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã khiến lượng lớn người đổ xô về săn đất.

Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía nam Tây Nguyên, là đầu mối giao thương giữa các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía nam và khu vực duyên hải Nam Trung bộ.

Từ một khu vực ảm đạm về thị trường nhà đất, đến đầu năm 2022, Đắk Nông trở thành điểm “nóng” BĐS khi ghi nhận cơn sốt đất cục bộ. Thông tin các dự án “chớm nở”, đang được đầu tư đã khiến các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đổ xô về săn đất. 

Giá đất giáp khu vực ven sông, hồ, đặc biệt là khu vực ven hồ Tà Đùng, huyện Đắk Glong và ven đường QL14 tăng chóng mặt. Có những lô đất nông nghiệp được đẩy lên hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục tỷ đồng/ha. 

Đắk Nông và 'cú hích' từ những dự án bất động sản tỷ USD

Tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Báo Đắk Nông).

Hiện diện loạt dự án hàng tỷ USD 

Cuối tháng 4, UBND tỉnh Đắk Nông ban hành danh mục 22 dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2022 với tổng mức đầu tư 67.804 tỷ đồng.

Chỉ riêng 10 dự án bất động sản và thương mại trong danh sách này đã có quy mô gần 67.000 tỷ đồng (khoảng 3 tỷ USD). 

Đáng chú ý nhất có dự án Khu đô thị Lửa và Nước Đắk Rtik, TP Gia Nghĩa, diện tích hơn 752 ha có tổng vốn hơn 53.000 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có Khu đô thị Thung lũng xanh Nghĩa Phú TP Gia Nghĩa tổng vốn hơn 1.600 tỷ đồng; Khu đô thị cửa ngõ Nghĩa Phú, TP Gia Nghĩa với hơn 8.662 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái thác Liêng Nung, TP Gia Nghĩa tổng vốn dự kiến 500 – 700 tỷ đồng;

Khu đô thị mới tổ dân phố 2, phường Nghĩa Tân, TP Gia Nghĩa 7,08 ha, tổng mức đầu tư 840 tỷ đồng; Khu du lịch sinh thái Hồ Trúc, huyện Cư Jút tổng vốn đầu tư dự kiến là 500 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị trung tâm thị trấn, huyện Cư Jút, tổng vốn đầu tư hơn 750 tỷ đồng;…

Trước đó, hồi tháng 1, tỉnh này đã công bố các khu vực được thực hiện dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trên địa bàn tỉnh (đợt 1) năm 2021.

Theo đó, 5 khu vực được thực hiện dự án phân lô, bán nền tại các huyện Đắk R’lấp, Đắk Mil, Cư Jút, tổng diện tích 270,9 ha.

Cụ thể gồm: Khu nhà ở xã hội tổ 7, 8 thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút) diện tích 9 ha; khu dân cư số 1, thôn Đắk Kim, xã Đắk Lao (huyện Đắk Mil) quy mô 104 ha; khu dân cư số 2, thôn Thuận Hòa, xã Thuận An (huyện Đắk Mil) rộng 59,8 ha; Khu dân cư số 3 giai đoạn 2, tổ dân phố 5, thị trấn Kiến Đức và thôn 6, 7 xã Kiến Thành (huyện Đắk R’lấp) 82,5 ha; hạ tầng kỹ thuật khu dân cư số 3, thị trấn Kiến Đức (huyện Đắk R’lấp) 15,6 ha.

Trong năm 2022, Đắk Nông có 235 dự án cần thu hồi đất đăng ký thực hiện. Trong đó, có 65 dự án đăng ký mới với tổng diện tích hơn 1.380 ha và 170 dự án chuyển tiếp từ năm 2021 với tổng diện tích hơn 3.150 ha.

Loạt “ông lớn” BĐS về khảo sát và xin làm dự án 

Ngoài những dự án mời gọi đầu tư, Đắk Nông thời gian gần đây ghi nhận bóng dáng của loạt ông lớn bất động sản.

Gần đây nhất, tỉnh này thông tin POLY VN ENTERTAINMENT – doanh nghiệp Singapore đang trong quá trình tìm hiểu về dự án cao tốc Chơn Thành – Đắk Nông. 

Trước đó vào 10/5, Tập đoàn Vingroup và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đề xuất thực hiện dự án đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước) theo hình thức PPP.

Đắk Nông và 'cú hích' từ những dự án bất động sản tỷ USD

 (Ảnh: Người làm báo).

Ngày 21/4, CTCP Tập đoàn Việt Phương đã đề xuất khảo sát, xin chủ trương đầu tư 4 dự án. Cụ thể là tổ hợp Boxit – Alumin – Nhôm Đắk Glong; dự án điện gió thuộc huyện Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong; Khu công nghiệp Nhân Cơ 2; tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại TP Gia Nghĩa. 

Theo đó, Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, diện tích 400 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 4.200 tỷ đồng tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp. Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, quy mô 30 lô biệt thự, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại có vị trí tại TP Gia Nghĩa.

Tháng 1, Novaland đã báo cáo ý tưởng quy hoạch khu vực Huyện Đắk Glong và Vườn quốc gia Tà Đùng. Doanh nghiệp muốn làm dự án khu du lịch quy mô 23.500 ha với 7 phân khu tượng trưng cho 7 vị thần huyền thoại cùng cụm sân golf trên núi.

CTCP Tập đoàn FLC cũng từng ký kết biên bản cam kết đầu tư dự án Khu đô thị mới bờ Đông hồ Gia Nghĩa; dự án Tổ hợp khách sạn, trung tâm thương mại, dịch vụ Nhà phố FLC Center Point Đắk Nông; dự án Quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp FLC Tà Đùng….

Tập đoàn T&T có ý tưởng đầu tư quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch sinh thái hồ Đắk R’tíh, TP Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông). Dự án này có tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, diện tích gần 2.000 ha.

Cơn sốt đất chưa từng có nhưng dần hạ nhiệt

Trước thông tin nhiều dự án mời gọi đầu tư và được doanh nghiệp xin làm dự án, thị trường BĐS Đắk Nông ghi nhận “cơn sốt” chưa từng thấy trong vài tháng qua. 

Một khảo sát của báo Đắk Nông cho thấy, tình trạng mua bán, san nhượng đất ở tỉnh diễn ra sôi nổi. Giá đất nhiều nơi tăng cao so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. 

Mỗi lần có chủ đầu tư xin khảo sát, lập quy hoạch ở một khu vực nào đó là người ta đổ xô đến mua đất, và các “cò đất” cũng tập trung về. Nhiều người đi học để có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS. 

Giá bán đất ở vùng ven tăng khoảng 10 – 15% và đất trung tâm tăng khoảng 18 – 20% so với năm 2020. Trước đây, một sào đất nông nghiệp ở TP Gia Nghĩa có giá chỉ từ 150 – 300 triệu đồng, nay được thổi lên 1 – 2 tỷ đồng.

Trong cơn sốt, trên địa bàn tỉnh xảy ra tình trạng các hộ dân tự ý san ủi mặt bằng, mở đường giao thông, phân lô bán nền gây bất ổn thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến quy hoạch. 

Về vấn đề này, UBND tỉnh này đã ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng. Cùng với việc siết tín dụng BĐS, điều kiện vay vốn, lượng giao dịch nhà đất tại địa phương đã giảm, lượng nhà đầu tư nhỏ lẻ và cò đất đổ về cũng thưa dần. Cơn sốt đất dần dịu đi.

[ad_2]

Nguồn: https://vietnammoi.vn/dak-nong-va-cu-hich-tu-nhung-du-an-bat-dong-san-ty-usd-202251915360434.htm