[ad_1]

Chiều nay (16/3) tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trả lời chất vấn của đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) về việc sử dụng đất đai để phát triển đô thị đang tự phát không theo quy hoạch có nguyên nhân do thị trường gây chệch hướng phát triển, giải pháp ngăn chặn tình trạng này ra sao?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng: “Phát triển đô thị phải dựa trên cơ sở khoa học như số dân cư, công việc thu hút dân cư tới đó và được thực hiện bằng luật nhà ở, luật xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn”.

Hiện nay, chúng ta mới chỉ có luật đất đai phân chỉ tiêu thôi, nhưng lộ trình từ năm này sang năm khác lại quy định tại luật nhà ở được tính toán một cách kỹ lưỡng và sẽ tính toán được cung cầu để làm sao đảm bảo đủ nhà ở.

Đại biểu truy trách nhiệm Bộ trưởng Trần Hồng Hà về hiện tượng thao túng đấu giá đất - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: VTV

“Tôi xin nhấn mạnh, phân khúc nhà ở, rất cần những phân khúc từ khu vực lõi quy hoạch trung tâm để tạo ra giá trị thu hút, đồng thời, phải tạo ra phân khúc với những người có thu nhập trung bình có thể chiếm tới 70 – 80% của xã hội để chúng ta có nhà, giá nhà phù hợp với điều kiện của người dân”, Bộ trưởng Hà nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Hà, vấn đề ở đây, chúng ta đang thiếu hụt quy hoạch, thiếu hụt trách nhiệm trong tính toán để làm thế nào đó đất đai được sử dụng hiệu quả.

Hiện nay, nói về vấn đề này thì quá sớm, nhưng xin phép rằng, chúng ta quản lý không phải bằng hành chính mà sẽ quản lý bằng thuế. Nếu thời gian sử dụng, đơn vị sử dụng để hoang hoá đất, hoặc đã xây thành nhà rồi, nhưng không có người ở, không kinh doanh, đất đã nhận dự án mà không triển khai, chúng ta sẽ tìm ra các loại thuế để đánh thuế.

Đại biểu truy trách nhiệm Bộ trưởng Trần Hồng Hà về hiện tượng thao túng đấu giá đất - Ảnh 2.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) chất vấn trực tuyến. Ảnh: Chụp màn hình

Tiếp tục chất vấn về vấn đề đấu giá đất, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (đoàn Bắc Giang) cho rằng, tình trạng đấu giá đất thời gian vừa qua cho thấy có hiện tượng thao túng giá để đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường để trục lợi dẫn đến tình trạng sau khi trúng đấu giá nhiều diện tích đất bị bỏ hoang chậm đầu tư gây lãng phí.

Cùng với đó là trúng đấu giá với giá cao, bỏ cọc, từ thực trạng này, một số cử tri đã đề xuất cần rà soát bổ sung quy định về xác định giá khởi điểm để đấu giá đất khách quan minh bạch phù hợp với giá thị trường.

Đây cũng là nhiệm vụ được Quốc hội giao Chính phủ tại nghị quyết 82 và Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện năng lực tài chính của người tham gia đấu giá. Để nghị Bộ trưởng cho biết, trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp thực hiện những vấn đề trên?

Trả lời chất vấn của đại biểu Đỗ Thị Việt Hà, Bộ trưởng Hà cho biết: Về các “điểm yếu” của pháp luật trong vấn đề đấu giá đất đai, Bộ TN-MT đã có báo cáo đầy đủ, sắp tới làm gì cũng đã có kiến nghị.

Cụ thể, ông Hà dẫn chứng, Bộ TN-MT đề xuất, khi ký hợp đồng xong phải trả tiền, thời gian trả tiền không chỉ 90 ngày mà chỉ 10 ngày. Tiền đặt trước hiện nay 5%, Bộ TN-MT đề nghị xem xét làm sao đưa giá lên bao nhiêu thì phải có tiền sẵn và chứng minh được và thẩm định của cơ quan có trách nhiệm…

Còn đối với việc vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm có dấu hiệu trục lợi hay không, ông Hà cho biết, các cơ quan điều tra sẽ khẳng định. “Chúng tôi không phải cơ quan được phân công kết luận vấn đề này. Sẽ có thời điểm khẳng định vấn đề đó”, ông Hà nói.

Tranh luận với Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về việc trốn thuế trong giao dịch đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng, cần xử lý nghiêm, cần hình sự hóa hành vi gây lũng loạn thị trường để đảm bảo tính răn đe. Nhắc tới vụ việc bỏ cọc của Công ty Tân Hoàng Minh khi đấu giá đất tại Thủ Thiêm, bà Xuân cho rằng, số tiền nhà đầu tư bỏ cọc không đáng gì so với việc đẩy giá đất khu vực xung quanh. Số tiền Nhà nước đang bị thiệt hại thế nào khi doanh nghiệp bỏ cọc và chỉ bị phạt hơn 500 triệu đồng? 

 Đáp lại những vấn đề mà bà Xuân nêu ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: “Quan điểm là cần xử lý nghiêm hành vi liên quan tới việc gây lũng loạn thị trường đất đai”. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp chính sách đưa ra để thị trường vận hành hiệu quả thì công cụ hành chính, kể cả hình sự lại chưa hợp lý. 

Theo Bộ trưởng Hà, trong vụ bỏ cọc đấu giá đất Thủ Thiêm cần điều tra, nếu có hành vi rõ mới có thể hình sự hóa. Đối với việc xử lý tình trạng trốn thuế trong giao dịch đất đai, Bộ trưởng Hà cho hay, có trường hợp quyết định giao đất nhưng tiền thu thì vẫn nợ, chưa thực hiện trách nhiệm tài chính một phần. Hoặc đất đáng lẽ giao làm dự án khu công nghiệp nhưng găm lại không làm thì đất vẫn lên giá. 

Việc chậm thời gian đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng cũng là hiện tượng trốn thuế. Do đó, khi dự án đấu thầu, đấu giá cần xác định thời gian bao lâu được hưởng chính sách ưu đãi, nếu không làm thì phải tăng thuế lũy tiến để bổ sung nguồn thuế. 

“Người đầu cơ đất đai thì cần đánh thuế cao hơn vì đầu cơ, lướt sóng không làm phát sinh giá trị kinh tế cho xã hội”, ông Hà nhấn mạnh. 

 Ngoài ra, một số đại biểu cũng băn khoăn về vấn đề đầu cơ đất đai đã được nhận diện nhiều năm nhưng hiện vẫn còn phức tạp. Quốc hội từng giao Chính phủ khắc phục đầu cơ đất đai qua chính sách thuế. Người có nhiều nhà, đất bỏ hoang bị đánh thuế cao. 

Theo Bộ trưởng Hà, cần sửa theo Luật Thuế và Luật Đất đai. Vấn đề thuế sử dụng đất, khi đấu giá, đấu thầu phải đưa ra lộ trình sử dụng, coi là quy định bắt buộc. Nếu kéo dài thì phải có biện pháp đánh thuế để tránh đầu cơ, trục lợi. Kể cả đất ở, dự án không đầu tư, đất nông nghiệp không sử dụng thì vẫn phải đánh thuế. 

Còn người có 5-6 nhà mà không mang lại hiệu quả cho xã hội như cho thuê, kinh doanh, thương mại… thì phải đánh thuế. Phải đánh thuế lũy tiến để nhà đầu tư phải tính toán lợi ích của họ. 

Tham gia trả lời chất vấn về giải pháp thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: “Đã chỉ đạo cơ quan thuế thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng”. Bộ trưởng Phớc tiết lộ, qua rà soát 85.000 bộ hồ sơ chuyển nhượng bất động sản trong nửa đầu tháng 1, số thuế tăng thu được là 222 tỷ đồng. “Chúng tôi đang thanh tra những hồ sơ thuế có nghi vấn về chuyển nhượng mà kê khai thuế”, Bộ trưởng Phớc khẳng định. 

Về giải pháp cần siết chặt các quy định về đấu giá đất để đảm bảo đấu giá chặt chẽ hơn, Bộ trưởng Phớc cho rằng: Phải xác định năng lực nhà đầu tư, tăng tiền đặt cọc và gửi ở tài khoản của Hội đồng đấu giá quản lý, để nếu trường hợp doanh nghiệp bỏ cọc thì tiền này không được rút lại. Hoặc thời gian nộp tiền đặt cọc cần ngắn hơn. Cam kết thực hiện mục tiêu đấu giá cũng cần quy định chặt chẽ hơn, tránh việc đấu giá xong rồi nhà đầu tư “om” đất không đầu tư sử dụng, lãng phí…

[ad_2]