[ad_1]

Từ giám đốc đến kỹ sư đều lần lượt rời Facebook và nhiều người lo ngại uy tín cá nhân bị giảm sút nếu tiếp tục ở lại.

Business Insider dẫn lời các công ty tuyển dụng nhân sự và nguồn tin trong ngành cho biết ngày càng nhiều nhân viên Facebook bỏ việc hoặc tìm cách rời công ty. Họ chuyển sang tìm kiếm cơ hội mới trong thị trường việc làm cạnh tranh của ngành công nghệ. Các đối thủ và công ty khởi nghiệp sẵn sàng đưa ra mức đãi ngộ tốt hơn với những công việc ít gây tranh cãi hơn ở Facebook.

Greg Selker, đại diện công ty tuyển dụng Stanton Chase, cho biết: “Trong nhiều năm, những email, cuộc gọi và tin nhắn mà nhà tuyển dụng gửi tới nhân viên Facebook đều bị bỏ qua. Nhưng năm nay, họ không những phản hồi nhiệt tình mà còn sẵn sàng nói chuyện để tìm cơ hội”.

Selker cho biết đã trò chuyện với nhân viên của mạng xã hội lớn nhất thế giới hàng tuần và nhận được sự quan tâm từ các phó chủ tịch, giám đốc đến kỹ sư. “Một cuộc di cư đều đặn đang diễn ra ở Facebook”, ông nói.

Jose Guardado, nhà tuyển dụng công nghệ kiêm sáng lập Build Talent, cho biết: “Trong một thời gian dài, rất khó thuyết phục các nhân viên Facebook rời bỏ tổ chức. Còn bây giờ, mối liên kết giữa họ đã trở nên lỏng lẻo hơn”.

Các nhà tuyển dụng khác cũng xác nhận tình trạng tương tự.

Trụ sở cũ của Facebook tại Menlo Park, California. Ảnh: AFP

Trụ sở của Facebook ở Menlo Park, California. Ảnh: AFP

Trong khi đó, người phát ngôn của Facebook cho biết nhân sự của công ty tăng 20% so với năm ngoái và tiếp tục “cam kết mở rộng việc tuyển dụng trên toàn cầu”.

Theo Business Insider, việc suy tàn của một công ty công nghệ có thể nhìn thấy từ khả năng tuyển dụng kỹ sư và lao động tài năng. Nếu không có nguồn nhân viên mới với kiến thức ổn định, các kế hoạch tăng trưởng có thể bị đình trệ, các dự án mới có thể thất bại và các bản cập nhật sản phẩm quan trọng có thể bị trì hoãn. Đây là lợi thế quan trọng cho các đối thủ cạnh tranh.

Trong suốt 17 năm, Facebook thường được đánh giá là một trong những nơi làm việc tốt nhất tại Mỹ. Nhân viên được hưởng nhiều phúc lợi, đặc quyền và khoản thưởng cao. Mạng xã hội được coi là cuộc cách mạng trong “kết nối thế giới”. Vì vậy, công ty luôn cố gắng để nhân viên cảm thấy thoải mái ngay cả khi khối lượng công việc căng thẳng.

Nhưng vài năm gần đây, đánh giá về môi trường làm việc của công ty ngày càng xấu đi. Năm 2018, Glassdoor xếp Facebook đầu bảng xếp hạng những nơi làm việc tốt nhất tại Mỹ. Còn năm nay, họ rơi xuống vị trí thứ 11. Trong khi đó, bảng xếp hạng Interbrand đưa định vị thương hiệu Facebook xuống vị trí thứ 15, giảm 7 bậc so với năm 2017.

Trên Workplace – hệ thống nội bộ dành cho nhân viên Facebook, số lượng bài viết về tình trạng kiệt sức xuất hiện ngày một nhiều. Đặc biệt, trong năm 2020, công ty thiết lập một số đợt “làm việc tăng cường”. Một nhân viên đã viết rằng “văn hóa tăng ca là một thất bại. Những khoảng thời gian bận rộn quá mức này có thể khiến nhân viên suy kiệt”.

Một nhà tuyển dụng giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ nói: “Có một cảm giác khó chịu chưa từng xuất hiện trước đây về Facebook mà các nhân viên đang trải qua”. Dù được trả lương cao, nhiều người vẫn rời đi. Đôi khi, họ lo lắng về uy tín sẽ bị tổn hại nếu ở lại.

Một cựu kỹ sư đã nghỉ việc năm ngoái nói với Business Insider, lý do đơn giản là ông cảm thấy mệt mỏi với công ty và “Facebook có vẻ như đã cũ”. Một kỹ sư khác đề cập đến sự thất vọng trên mạng xã hội Blind và tạo một cuộc thăm dò với nội dung: “Tôi không thích công việc của mình tại Facebook nữa, tôi muốn ra đi. Stripe hay Netflix tốt hơn?”. Trong số hơn 1.100 phiếu bầu, Netflix được nhiều người lựa chọn.

Andy Price, nhà tuyển dụng công nghệ lâu năm kiêm sáng lập Artisanal Talent, cho biết: “Chúng tôi đang có thể tuyển bất kỳ vị trí nào mong muốn. Các kỹ sư trong bộ phận kỹ thuật của Facebook đang rời đi hàng loạt. Có thể họ vẫn kiếm được nhiều tiền hơn nếu ở lại, nhưng các nơi khác mang đến công việc và cơ hội hấp dẫn”. Những người rời Facebook nói họ cũng từng làm nhiều điều thú vị tại Facebook, nhưng giờ đây tất cả chỉ nhằm phục vụ công việc kinh doanh quảng cáo.

Hồi tháng 9, Mike Schroepfer thông báo từ chức Giám đốc công nghệ Facebook vào năm tới sau 13 năm gắn bó, ngay trước khi cựu quản lý Frances Haugen “thổi còi công ty”. Sau đó, nhiều nhân viên cấp cao cũng tuyên bố nghỉ việc.

Trong một chủ đề trên Twitter về kế hoạch xây dựng metaverse, cựu nhân viên Chakrabarti cho rằng kế hoạch xoay trục của Facebook sang VR, AR mang lại cho công ty cơ hội khác để xây dựng công nghệ có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, Facebook cũng cần điều chỉnh toàn bộ văn hóa làm việc của mình.

Chakrabarti nhận định việc sử dụng tên Meta có thể tiếp thêm năng lượng cho các nhân viên ở lại trong dự án mới. Một khảo sát gần đây do Blind thực hiện với gần 1.200 nhân viên Facebook cho thấy, 84% ủng hộ việc đổi tên như một “quyết định kinh doanh tốt”. “Điều này sẽ không giúp Facebook tránh được chỉ trích của dư luận, nhưng ít nhất giúp ích công ty trong việc tuyển dụng. Đây có thể là một trong những mục đích thực sự của việc đổi tên”, Chakrabarti nói.

Khương Nha (theo Business Insider)

[ad_2]