Một số công ty phải sản xuất thiết bị theo công nghệ cũ, thậm chí không sử dụng chip trong lúc chờ thị trường bán dẫn bình ổn.

Boss Products, công ty chuyên sản xuất bộ điều khiển cầm tay dùng cho xe chở tuyết, không thể đặt hàng đủ chip cho dòng thiết bị mới. Ban lãnh đạo công ty sau đó quyết định làm bộ điều khiển cơ khí không chip.

“Hãy quay về thiết kế cũ. Chúng vẫn thực hiện được công việc, chỉ là cách thức này đã tồn tại trên 30 năm. Nó vẫn đáng tin cậy dù việc lắp ráp và vận hành hơi cồng kềnh”, Rick Rodier, CEO Toro, công ty mẹ Boss Products, nói.

Bộ điều khiển cũ không dùng chip (trái) và bộ điều khiển mới cho xe chở tuyết của Boss Products. Ảnh: Boss Products

Bộ điều khiển cũ không dùng chip (trái) và bộ điều khiển mới cho xe chở tuyết của Boss Products. Ảnh: Boss Products

Boss Products chỉ là một trong nhiều công ty phải dùng các chiến lược ngắn hạn để đối phó với tình trạng thiếu chip toàn cầu. Một số chọn cách thiết kế lại sản phẩm cũ, thay đổi dây chuyền sản xuất để thích ứng trong bối cảnh chuỗi cung ứng bị tê liệt.

“Thiếu chip sẽ không nhanh chóng biến mất trong một sớm một chiều”, Marc Bitzer, CEO của Whirlpool Corp, dự đoán.

Đại dịch khiến linh kiện bán dẫn thiếu hụt nghiêm trọng từ năm ngoái. Ban đầu, chúng ảnh hưởng đến lĩnh vực ôtô, nhưng sau đó lan dần sang các mảng khác. T3 Motion, công ty chuyên về xe điện cho nhân viên an ninh sân bay và trường học, đang điều chỉnh sản phẩm để sử dụng ít chip và thiết bị điện tử hơn.

Theo William Tsumpes, CEO của T3 Motion, thay vì dùng nhiều chip để điều khiển từng tính năng như pin, đèn chiếu sáng, còi báo động…, xe được thiết kế với một bo mạch tích hợp chứa chip duy nhất để điều khiển tất cả các bộ phận. “Cách làm mới sẽ loại bỏ 5 mạch riêng lẻ khác, nhờ đó tiết kiệm chip và phần nào thúc đẩy sự đổi mới”, Tsumpes nói.

Công ty sản xuất phương tiện giải trí Polaris cũng tạm bán một số xe trượt tuyết không trang bị màn hình và GPS. “Giờ đây, đơn giản là điều quan trọng nhất”, Robert Gott, đại diện Polaris, cho biết.

Một số người tiêu dùng đã nhận được các sản phẩm thiếu đi tính năng vốn nằm trong danh mục đặt hàng ban đầu. Năm ngoái, Milton Beaver, làm trong ngành hàng không ở Alaska, chi 16.000 USD để đặt xe trượt tuyết Ski-Doo Expedition Xtreme.

Tuy nhiên, khi nhận hàng gần đây, xe thiếu hệ thống an ninh điện tử. “Nhân viên kỹ thuật nói sẽ lắp hệ thống sau, khi bộ phận có sẵn”, Beaver cho hay. “Buồn cười là giờ chiếc xe giá hàng nghìn USD của tôi có thể khởi động dễ dàng bằng một chìa khóa nhựa bất kỳ”.

Chiếc xe trượt tuyết của Milton Beaver. Ảnh: Milton Beaver

Xe trượt tuyết của Milton Beaver. Ảnh: Milton Beaver

Dù vậy, Beaver vẫn hài lòng vì ít nhất ông còn được sở hữu sản phẩm. Đại diện BRP, công ty sản xuất Ski-Doo Expedition Xtreme, cho biết đã trễ hẹn với nhiều khách hàng khác. Một số đơn hàng được lùi tới mùa đông năm sau.

Ed Werning, chủ cửa hàng điện máy ở Litchfield, bang Illinois, nói nhà sản xuất máy giặt Alliance Laundry mà ông hợp tác đang thay đổi kế hoạch vì tình trạng thiếu chip. Trong email gửi khách hàng vào tháng 10, công ty này thừa nhận đã ngừng sản xuất mẫu máy giặt cao cấp Speed Queen để tập trung tăng sản lượng của các mẫu rẻ hơn.

“Họ thông báo với tôi sẽ vẫn tiếp tục sản xuất hai mẫu, một bản cao cấp và một bản thường có ít linh kiện hơn”, Werning cho biết. Ông mô tả bản thường hoạt động “giống như máy giặt cổ điển của bà vậy”.

Bảo Lâm (theo WSJ)



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: