“Có thể xuất hiện tâm lý tranh thủ xuống tiền để đón chu kì tăng trưởng mới của BĐS”

Đó là khẳng định của ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam khi chia sẻ về câu chuyện sốt đất râm ran gần đây.

Khó xảy ra sốt đất diện rộng

Theo chuyên gia Colliers Việt Nam, có một số lý do để tin rằng hiện tượng trong thời gian tới sẽ khó xảy ra hơn.

Thứ nhất, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 kéo dài nên có thể không ít nhà đầu tư sẽ tỏ ra đặc biệt thận trọng với dòng tiền và các quyết định đầu tư của họ trong năm mới 2022. Có thể có nhiều nhà đầu tiên sẽ ưu tiên chiến lược “đánh chắc, thắng chắc” thay vì “đánh nhanh, thắng nhanh”.

Thêm vào đó, các cơ quan chức năng và nhiều tỉnh thành cũng đã và đang có những biện pháp cụ thể, phù hợp để chấn chỉnh tình trạng này. Chẳng hạn như mới đây, Thanh tra tỉnh Đắk Nông đã tổ chức thanh tra đột xuất công tác quản lý nhà nước về đất đai, quản lý xây dựng trên địa bàn xã Đắk Som, huyện Đắk Glong sau khi có những dấu hiệu “sốt đất” tại tại khu vực hồ Tà Đùng. Hay việc tỉnh Bắc Giang công khai danh sách 40 dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị chưa đủ điều kiện được phép bán giúp cho thông tin được minh bạch, góp phần ngăn chặn đầu cơ.

Một số địa phương như Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Quảng Trị hay Đắk Nông cũng đã ban hành các văn bản tạm dừng tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, chấn chỉnh tình trạng phân lô, bán nền trái phép, cấp sổ đỏ chồng lấn, sai đối tượng, siết chặt hơn nữa điều kiện tham gia đấu giá đất…

“Có thể xuất hiện tâm lý tranh thủ xuống tiền để đón chu kì tăng trưởng mới của BĐS” - Ảnh 1.

Ngoài ra, thông tin về BĐS nhìn chung ngày càng được trở nên công khai, minh bạch hơn. Nhà đầu tư cũng dễ dàng hơn để kiểm tra, đối chiếu thông tin thông qua nhiều kênh khác nhau. Các hội, nhóm đầu tư BĐS trên mạng xã hội giúp các nhà đầu tư hỗ trợ nhau rất tốt trong việc tìm kiếm, xác minh các thông tin liên quan.

Các nhà đầu tư cũng ngày càng “dày dạn”, nhiều kinh nghiệm và tỉnh táo hơn trên thị trường. Qúa trình đầu tư đã giúp họ có thêm các kỹ năng phân tích thông tin, bình tĩnh hơn trước tin tức về quy hoạch cầu càng, đường xá hay khu đô thị.

Có thể xuất hiện tâm lý “tranh thủ xuống tiền” trước khi giá lên quá cao, đón chu kì mới BĐS

Theo ông David Jackson, trong năm mới 2022, trong trường hợp đại dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, không gây nên những tác động tiêu cực đáng kể thì thị trường sẽ tiếp đà hồi phục mạnh mẽ. Khi đó, có khả năng nhiều nhà đầu tư sẽ tìm cách “tranh thủ”, cố gắng tìm ra dự án phù hợp để đầu tư nhanh nhất có thể do tin rằng một chu kỳ tăng trưởng mới sẽ bắt đầu, cần phải “xuống tiền” trước khi giá lên quá cao so với khả năng của họ. Đó cũng có thể là điều kiện để hiện tượng “sốt đất” ở một vài khu vực xuất hiện.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc đẩy mạnh “số hóa” các thông tin liên quan là cách nhanh chóng và hiệu quả nhất hiện nay để giúp mức độ minh bạch của thị trường tiếp tục được nâng cao.

Hiện tượng “sốt đất” xảy ra cũng là do một số người môi giới lợi dụng tin tức về quy hoạch để gây “nhiễu” thông tin, đưa ra các thông tin không chính xác trong khi người mua đôi khi rất khó khăn để kiểm chứng.

Việc lưu trữ dữ liệu BĐS và công bố thông tin công khai, thống nhất, minh bạch cũng đã giúp một số quốc gia quản lý thị trường một cách hiệu quả hơn. Đây cũng là nền tảng để các hoạt động mua bán BĐS trực tuyến được diễn ra nhiều hơn, đảm bảo sự nhanh chóng, chính xác và tiện lợi cho cả bên bán lẫn bên mua, giúp thị trường năng động hơn nữa.

“Thực tế thì đại dịch Covid-19 cũng đã khiến chúng ta tin tưởng mạnh mẽ hơn rằng “số hóa” sẽ giúp hoạt động của thị trường hạn chế được nhiều tác động từ dịch bệnh, gia tăng mức độ tự động hóa và giúp các giao dịch vẫn có thể được tiến hành như bình thường và hiệu quả. Đây chính là xu hướng của tương lai và chúng ta cần phải nỗ lực để đẩy nhanh quá trình này”, chuyên gia Colliers Việt Nam nhấn mạnh.

Hạ Vy

Theo Trí thức trẻ



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: