[ad_1]

Sau chuỗi tăng nóng và sốc vừa qua, nhóm cổ phiếu (CP) bất động sản (BĐS) đang đứng trước áp lực điều chỉnh mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK). Đây cũng là thời điểm cực kỳ rủi ro với nhà đầu tư (NĐT) có ý định giải ngân vào BĐS với kỳ vọng giá CP sẽ còn tăng tính bằng lần.

Cổ phiếu bất động sản đang ở mức rủi ro

Ảnh minh họa.

Lỗ nhưng CP vẫn tăng

Sau phiên đấu giá thành công ngoài mong đợi 4 lô đất công tại Thủ Thiêm (TP Thủ Đức), nhóm CP BĐS đồng loạt kéo trần trong phiên giao dịch ngày 13-12. Đáng nói là ngay cả những doanh nghiệp không có quỹ đất tại khu vực này cũng ào ào tăng giá trong sự phấn khích của NĐT trên TTCK.

Sức nóng từ nhóm CP BĐS lan rộng ra các nhóm ngành có liên quan như xây dựng, thép, vật liệu xây dựng. Theo thống kê, trong phiên giao dịch ngày 13-12, có hàng trăm mã CP tăng trần, chủ yếu là các mã CK thuộc các nhóm ngành kể trên như: NLG, NTL, DIG, HBC, HTN, HAR, CII, SCR, NKG, HSG, SMC, TLH.

Thực ra với nhóm CP BĐS, đây chỉ là phiên tăng điểm nối dài cho chuỗi tăng giá “chóng mặt”, kể từ khi các tỉnh, thành phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19. Theo thống kê, trong khoảng 1 tháng trở lại, nhóm CP BĐS ghi nhận mức tăng trung bình từ 50-200%.

Nếu so với thời điểm đầu năm, nhiều mã còn ghi nhận mức tăng hàng chục lần. Thậm chí, trên TTCK hiện nay, bất cứ mã CK nào liên quan đến BĐS, dù đang làm ăn thua lỗ cũng trở thành “hàng nóng” được NĐT tranh mua bằng mọi giá, nhiều mã BĐS đang giao dịch ở mức giá chót vót từ 100.000-200.000 đồng/CP.

Cũng nhờ sức hút này, đến thời điểm hiện tại chỉ còn một vài mã CP BĐS đang giao dịch dưới mệnh giá 10.000 đồng/CP.

Điều đáng nói là sau phiên “đồng khởi” ngày 13-12, nhiều mã CP BĐS bất ngờ quay đầu giảm mạnh ở các phiên sau đó. Việc CP BĐS bất ngờ điều chỉnh khiến cho nhiều NĐT đua lệnh ở phiên sáng và các phiên giao dịch trước đó bị lỗ nặng. Chưa kịp vui vì đua lệnh mua thành công CP của doanh nghiệp BĐS trên sàn HNX, anh Hậu (TPHCM) đã suy sụp trong phiên chiều khi mã CP bất ngờ quay đầu giảm sàn.

Như vậy, chỉ trong một phiên giao dịch, tài khoản của anh Hậu đã “bốc hơi” gần 20%. Lý do khiến anh Hậu lo lắng sau phiên đảo chiều này là bởi trước đó nhiều mã CP sau chuỗi tăng giá mạnh đã tuột dốc không phanh, nhưng muốn cắt lỗ cũng không được. Đơn cử là các mã LIC, SDA, SJF, TNI hay SDA.

Cổ phiếu bất động sản đang ở mức rủi ro

Điểm đến của dòng tiền nóng

Thế nhưng, nỗi buồn của anh Hậu không kéo dài lâu khi số CP đu đỉnh bất ngờ hồi phục sau 2 phiên điều chỉnh. Ở phiên giao dịch ngày 16-12, nhóm CP BĐS lại đồng loạt tăng trần khi dòng tiền tiếp tục đổ dồn vào nhóm ngành này.

Diễn biến bất ngờ này càng tạo thêm động lực cho NĐT đổ thêm tiền vào CP BĐS, đặc biệt là những doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, từ lợi nhuận cho tới dòng tiền kinh doanh, như HQC, DLG, QCG, ITA, ROS, PTL.

Quan sát diễn biến của thị trường có thể dễ dàng nhận thấy dòng tiền đổ vào những doanh nghiệp yếu kém là dòng tiền đầu cơ của các NĐT cá nhân. Và nhu cầu tìm kiếm lợi nhuận sẽ hướng NĐT đến những nhóm CP vừa và nhỏ như BĐS hay xây dựng.

Với NĐT cá nhân, đặc biệt là NĐT F0, họ thường có tâm lý kỳ vọng sẽ đạt được tỷ suất lợi nhuận cao trong ngắn hạn, hấp dẫn bởi mức lợi nhuận quá lớn từ những người tham gia TTCK trước. Với lượng vốn ban đầu không cao cộng với “khẩu vị” chấp nhận rủi ro là lý do thúc đẩy dòng vốn đầu cơ có xu hướng tìm kiếm những mã CK đạt mức sinh lời nhanh như BĐS.

Sẽ sớm về giá trị thật

Theo lý giải của CTCK bất thường ở đây chính là nhiều doanh nghiệp làm ăn bết bát nhưng CP vẫn tăng giá tính bằng lần. Điều này tạo sự mất cân đối cho TTCK khi những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả không bị “bỏ rơi”.

Bản thân NĐT cũng chịu rủi ro, một khi thị trường có thể có nhịp điều chỉnh mạnh để cơ cấu lại dòng tiền. Khi đó, các nhóm CP đầu cơ, vốn chỉ hấp dẫn bởi khả năng sinh lời cao, sẽ là mục tiêu bị bán tháo đầu tiên. Sau đó, dòng tiền có thể trở lại với CP tốt để tìm điểm cân bằng.

Cùng quan điểm này, một chuyên gia CK, cho rằng rủi ro ở đây chính là nhiều mã CP đang cao ở mức không tưởng nếu so với tình hình nội tại của doanh nghiệp. Vấn đề phát triển của thị trường hiện đang phụ thuộc vào dòng tiền.

Một khi tiền còn mạnh, NĐT sẽ bán CP này mua CP khác, hoặc luân chuyển từ nhóm này sang nhóm khác. Do đó, câu chuyện sụp đổ của thị trường sẽ không bao giờ xảy ra khi dòng tiền dù suy giảm nhưng vẫn đứng ở mức cao so với trước.

Thậm chí, nếu nhìn ở góc độ tích cực thì dòng tiền thường có xu hướng chớp thời cơ. Sau khi rút ra khỏi nhóm CP BĐS, họ sẽ chuyển hóa sang nhóm ngành khác có yếu tố cơ bản tốt hơn. Khi đó rủi ro của thị trường sẽ giảm dần.

Vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay là khi nào dòng tiền rút ra khỏi các doanh nghiệp BĐS yếu kém để chuyển sang nhóm CP có nền tảng cơ bản?

Theo nhận định của những NĐT có kinh nghiệm, những phiên điều chỉnh trong tuần vừa qua chính là tín hiệu cho thấy dòng tiền đang dần rút ra khỏi những mã CP BĐS tăng nóng nhưng không dựa trên tình hình nội tại. Những phiên hồi phục sau đó nhiều khả năng là dòng tiền của các “đội lái”. Họ tự sang tay CP ở mức giá cao để tạo thanh khoản và kích thích lòng tham của NĐT cá nhân.

Một khi giá CP đạt được mục tiêu thì họ sẽ xả hàng và khi đó những NĐT mua vào cuối cùng sẽ là người lãnh đủ. Nói cách khác, thị trường về cơ bản cuối cùng vẫn là: “Dòng tiền đầu cơ thông minh sống nhờ dòng tiền đầu cơ non nớt”.

Hiện có rất nhiều nhóm “phím” hàng từ công khai đến bí mật để dẫn dụ những NĐT cá nhân thiếu kinh nghiệm. Nếu không tỉnh táo, NĐT dễ dàng bị rơi vào tình cảnh “mua đỉnh, bán đáy”.

[ad_2]