[ad_1]

Cổ nhân- Người “lười” có cái phúc của người “lười”, người càng lười 3 điều sau càng có phúc khí-1
Nguồn ảnh: DKN

Người xưa có câu: “Người ngốc có cái phúc của người ngốc, người lười có cái phúc của người lười”. Trong cuộc sống, nếu lười đúng lúc đúng chỗ, thì càng lười lại càng có phúc khí.

Nếu có ai đó nói với bạn: Hãy lười biếng! Thoạt nghe ba từ này, bạn có thể sẽ nghĩ ra những điều không được tích cực cho lắm. Nhiều người nghe nói đến “lười”, thường nảy sinh ra những ý nghĩ tiêu cực.

“Lười” ở đây không phải là không động tay động chân, không làm gì cả, hoặc là chuyện gì cũng không quản, mà là thái độ thờ ơ, không để ý đến một vài khía cạnh trong cuộc sống. “Lười” đúng lúc đúng chỗ, cũng là một loại trí huệ, một tâm thái thản đãng, cũng là một kiểu tu dưỡng của đời người.

Nếu như “lười” để tâm những chuyện vặt vảnh trong cuộc sống, “lười” so đo tính toán, “lười” để bụng những sai sót và oán hận người khác, bạn sẽ thấy thế giới trong tâm ngày càng trở nên rộng lớn.

“Lười” động khẩu – Ít nghị luận

Hãy ngồi tĩnh lại và suy nghĩ, rằng trong cuộc sống, bản thân có thường hay dị nghị về người khác hay không.

Rất nhiều lúc, những lời dị nghị và bàn luận của bản thân về người khác sẽ mang lại những mâu thuẫn cũng như hậu quả nghiêm trọng, rất nhiều mâu thuẫn và xung đột là do những lời thị phi thêu dệt nên.

Người xưa nói, khẩu nghiệp là một trong những nghiệp nặng nhất, bởi vậy “trước khi nói thì hãy động não suy nghĩ thật kĩ, uốn lưỡi 7 lần”, bởi rất có thể lời bạn buông ra lúc nóng giận sẽ vô tình làm ai đó tổn thương, thậm chí là vết thương khó lành nổi. Bởi vậy, hãy quản tốt cái miệng của mình.

Nói chuyện cũng là một môn nghệ thuật, bởi cũng cần phải có đối tượng nghe thích hợp, ngữ khí phải phù hợp với hoàn cảnh, không được tùy tiện nói xấu hoặc bàn tán, nghị dị sau lưng người khác. Lời nói sáo rỗng, dị nghị và tầm xàm, thể hiện rằng, bản thân là người thiếu tu dưỡng.

Trong “Luận Ngữ” của Khổng Tử có viết rằng: “Cung tự hậu, nhi bạc trách ư nhân, tắc viễn hoán hỹ“, ý tứ rằng: Tự mình nhận lấy nhiều mà ít trách người, thì sẽ tránh xa được nhiều oán hận.

Ít nghị luận và bàn tán sau lưng người khác, bạn sẽ tránh khỏi những oán hận và rắc rối không đáng có, sẽ giảm thiểu đối thủ trong cuộc sống. Đối thủ trong cuộc sống ngày càng ít đi, thì bạn bè sẽ ngày càng nhiều lên, khi gặp chuyện phiền phức thì tự nhiên sẽ có quý nhân giúp đỡ, phúc khí tự nhiên sẽ đến bên bạn.

“Lười” động não – Ít so đo, tính toán

Mọi sự phiền não trong quá khứ, cứ để gió cuốn đi, đừng so đo tính toán làm gì để lòng thêm nặng nề.

Cuộc sống còn biết bao nhiêu lo toan và phiền não, suy nghĩ và tính toán quá nhiều sẽ khiến cuộc sống trở nên mệt mỏi.

Thường thì, phiền não đều tự bản thân tìm đến, nó giống như một cái cây đứng sừng sững ở sa mạc, rất nổi bật, khi bạn quá để tâm về những rắc rối, những chuyện không vui đó, vậy thì cuộc sống của bạn sẽ phải xoay quanh nó.

Nhưng nếu đặt nó vào một rừng cây thì sẽ không thể nhìn thấy, không gây được sự chú ý, cũng giống như chúng ta để nỗi muộn phiền hòa lẫn vào trong gió, để gió cuốn đi, bạn sẽ thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.

Đặt nặng những chuyện không vui, phiền não cũng tự nhiên kéo đến. Coi nhẹ những muộn phiền, rắc rối trong cuộc sống cũng tự nhiên biến mất kèm theo nụ cười, tâm trở nên rộng mở và tròn đầy hơn.

“Lười” phải động não, cũng không đồng nghĩa là bản thân không suy nghĩ để sáng tạo gì cả, mà là bớt suy nghĩ về những chuyện không vui trong quá khứ, bớt vướng bận về những bộn bề ngổn ngang của cuộc sống xung quanh.

Thay vào đó, là đặt tâm và hướng mắt về những chuyện lớn lao hơn, vĩ đại hơn, không suy nghĩ và để tâm vào những việc nhỏ bé, tầm thường, không phải nhất thiết là đụng phải chuyện gì cũng nghĩ đông nghĩ tây, suy nghĩ viễn vông, từ đó mà tự làm bản thân trở nên mệt mỏi.

“Lười” động não, nghĩa là đừng gặp chuyện gì cũng cứ để trong tâm, đừng gặp phải chuyện gì cũng giống như đối đãi với kẻ thù vậy, hãy thả lỏng bản thân, sống với tâm thái bình thản, tường hòa. Làm người, không nên gò bó hay bó buộc bản thân, cũng đừng quá nghiêm khắc với bản thân mình, đôi khi cũng cần những khoảng tĩnh lặng, để cơ thể và tâm trí được thư giãn, thoải mái.

“Lười” so đo, tính toán và bớt suy nghĩ về những điều không hay trong cuộc sống, sẽ khiến cho chúng ta sống một cuộc sống thoải mái, thư thái, đối mặt với mọi điều trong cuộc sống với thái độ lạc quan. Bất luận gặp phải khó nạn hay phong ba bão táp, chúng ta mới có thể từ trong khổ não mà tìm được những niềm vui, vượt qua bão dông cuộc đời mà tìm thấy ý nghĩa kiếp nhân sinh.

“Lười” động tay – Ít chỉ huy người khác

Có người nói rằng: Trên đời này chỉ có 2 chuyện – Một liên quan đến bạn, một liên quan đến tôi. Làm người thì đôi khi cũng cần “lười” để tâm vào chuyện của người khác một chút, hãy quản cho tốt việc của bản thân, và bớt ra tay chỉ huy việc của người khác.

Tùy tiện chỉ trỏ và chỉ huy người khác là điều khiến những người xung quanh cảm thấy khó chịu nhất, chúng ta là người ngoài, không có quyền “chỉ huy” và can thiệp quá sâu vào cuộc sống của người khác, chỉ có thể khuyến thiện và khuyên bảo họ làm những việc tốt.

Trong cuộc sống, mỗi người đều có một vai diễn riêng của mình, bởi vậy hãy sống tốt cuộc đời của mình, đừng cố gắng sống thay người khác, ngay cả vận mệnh của người thân, vợ chồng và con cái, bạn cũng không thể quyết định. Bởi vậy, hãy tôn trọng người khác cũng như cuộc sống của họ. Đôi khi, bản thân chúng ta không ở trong hoàn cảnh của người khác thì sẽ khó có thể cảm nhận được vị trí của họ.

Trong cuộc sống hôn nhân gia đình, đừng nên lún sâu vào cuộc sống của con cái và vợ/chồng, bởi ai cũng cần phải có không gian riêng, cuộc sống gia đình như vậy mới có thể ngày càng hòa thuận, dung hòa hơn.

Đôi khi, khoảng cách sẽ tạo nên sự mỹ hảo và nhung nhớ, giữa người với người là những cá thể độc lập. Đôi khi, xa nhau một chút mới có thể ít xảy ra va chạm, xung đột, không thể tạo nên những tổn thương lớn.

“Lười” là một kiểu trí huệ, cũng là một kiểu sống đạm bạc, cũng là sự tu dưỡng của kiếp nhân sinh.

“Lười”, đôi khi không phải là điều gì đó quá xấu, làm người lười một chút, ít tính toán một chút, ít nghị luận một chút, ít chỉ huy người khác một chút,… Bạn sẽ nhận ra một điều thật kì diệu: Phúc khí của bạn sẽ ngày một tăng lên nhiều hơn.

 

Lan Hòa biên dịch

Nguồn: Alobuowang

Xem thêm

[ad_2]