[ad_1]

Theo chuyên gia, trước khi quyết định phương án ga ngầm C9 nên lường trước khó khăn của cả tuyến ngầm qua phố cổ.

Cần xem xét lại tổng thể cả tuyến đường sắt Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo

UBND TP Hà Nội vừa họp với các bộ, ngành và quyết định lựa chọn phương án mới về quy hoạch vị trí ga gầm C9 của tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Theo đó, vị trí ga C9 được chuyển ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và trụ sở HĐND-UBND TP Hà Nội.

Hà Nội sẽ đề xuất quy hoạch ga ngầm C9 tại vị trí theo phương án 1

Trao đổi với PV Báo Giao thông, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc Hà Nội cho rằng, phương án mới là hợp lý nếu xét từ nhiều phương diện kinh tế, mục tiêu giao thông trước mắt và đảm bảo bảo vệ di sản thì giải pháp trên là hợp lý, nhưng vẫn cần tính toán, cân nhắc thận trọng.

Bối cảnh hiện nay có nhiều thay đổi so với thời điểm khảo sát lập dự án đường sắt Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo cách đây hơn chục năm. Do đó, vấn đề đặt ra không chỉ là thay đổi tịnh tiến vị trí ga mà nên chăng cần xem xét lại quy hoạch của cả tuyến đường sắt này.

“Chỉ riêng ga C9 mà chúng ta đã phân vân một thời gian. Vậy toàn tuyến đi qua ngầm qua khu phố cổ thì đã lường hết khó khăn chưa? Người ta sẽ cảm nhận là sau ga C9 sẽ có bất cập khác khi hoàn thiện tuyến đường ngầm dưới khu phố cổ”, KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – kiến trúc Hà Nội.”

“Hà Nội vừa phê duyệt quy hoạch không gian ngầm và cũng là đô thị đầu tiên có quy hoạch không gian ngầm. Trong quy hoạch có nêu là hạn chế không gian ngầm đi qua khu phố cổ, nhưng tuyến đường này lại đi ngầm qua phố cổ như Hàng Ngang, Hàng Đào.

Vì thế, chúng ta nên mở rộng tầm nhìn, xem xét cả tuyến đường sắt này chứ không chỉ riêng ga C9. Và phải chăng, theo tôi, nên suy nghĩ đồng bộ về các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đi ngầm”, ông Nghiêm nêu vấn đề.

“Giờ mới ở bước lập dự án nên cần tiếp cận quy hoạch không gian ngầm để xác định lại cả tuyến. Tôi cho rằng nên mở rộng lấy ý kiến của cộng đồng, đặc biệt là chuyên gia nhiều ngành về phương án mới ga C9 và toàn tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo”, theo ông Nghiêm.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, dự án tuyến Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo bị bế tắc vì đặt ga ngầm vào khu vực cấm. Bây giờ việc thay đổi vị trí ga C9 theo phương án mới đắt tiền hơn vừa gây nguy hiểm vừa đắt tiền hơn nhưng cũng chỉ mang tính “chắp vá”.

“Năm 2018, Hà Nội nói rằng không thể thay đổi được vị trí ga C9, nhưng đến giờ lại nói thay đổi được. Cách tiếp cận như trên là chắp vá, không ổn. Câu chuyện không gian đô thị Hà Nội không chỉ ở hồ Gươm nữa mà cả hồ Gươm và sông Hồng. Cần nhìn ga C9 trong cả tuyến đường Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo và cả tuyến trong quy hoạch đô thị Hà Nội. Tuyến đường sắt này đi giữa sông Hồng và hồ Gươm sẽ tốt hơn là đi sát vào hồ Gươm”, ông Ánh nói, đồng thời nhắc tới việc quy hoạch không gian ngầm Hà Nội đã chỉ ra phố cổ là “khu vực hạn chế xây dựng công trình ngầm”.

Nhìn từ góc độ so sánh với phương án cũ, TS.Phạm Văn Ký, giảng viên Đại học GTVT và một số chuyên gia khác cho rằng, quy hoạch ga C9 phương án mới là giải pháp phù hợp nhất, đảm bảo khoảng cách giữa các ga trước và kế tiếp.

Ga ngầm C9 theo phương án mới sẽ có 4 tầng, có chiều sâu 30m

Tăng chi phí khoảng 800 tỷ đồng, nhiều khó khăn kỹ thuật

Theo ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), việc thay đổi vị trí ga C9 để tháo gỡ vướng mắc của dự án song phát sinh nhiều vấn đề về thiết kế, kỹ thuật, phức tạp và tăng chi phí. Cụ thể, nhà ga ngầm được xây dựng trên đường cong và 4 tầng nên đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật thi công đặc biệt. Chiều sâu thi công 30m nên việc xử lý nền đất phức tạp, phát sinh chi phí xây dựng, khó khăn và rủi ro khi thi công.

So với phương án ban đầu, số lượng cửa lên xuống ga giảm từ 4 còn 2, đặt sâu hơn nên kém an toàn, giảm chất lượng phục vụ hành khách. Quá trình vận hành hệ thống, bảo trì cũng gặp nhiều hạn chế và tăng chi phí. Phương án mới sẽ được đơn vị tư vấn thiết kế để trình UBND thành phố thẩm định, là cơ sở để UBND TP Hà Nội trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

“Dự án sẽ phải điều chỉnh và trình lại phương án kỹ thuật đoạn hầm từ ga C8 đến C9 và C9 đến C10. Đồng thời, bổ sung như gói thầu tư vấn, thiết kế; nghiên cứu lại yếu tố địa chất, thủy văn, tính toán độ lún và biện pháp thi công sau này. Đơn giá của gói thầu xây dựng từ ga C7 đến C10 sẽ được thay đổi. Phương án mới có thể khiến dự án tăng vốn 800 tỷ đồng”, theo ông Hiếu.

Đại diện MRB cho biết, tuyến hầm đường sắt Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo sẽ được thi công bằng máy khiên đào TBM, cân bằng áp lực đất, triệt tiêu toàn bộ rung lắc, độ lún bề mặt rất nhỏ. Kết cấu vỏ hầm bê tông cốt thép, chống thấm, chịu lực cường độ cao sẽ không gây ra biến động, thay đổi cấu trúc địa chất và thủy hệ khu vực. Ga ngầm được thi công theo phương pháp đào từ trên xuống, kết hợp tường vây chống thấm, ngăn ngừa sụt giảm mực nước ngầm, làm ảnh hưởng đến hồ Gươm.

Theo chuyên gia đường sắt Nguyễn Ân, việc Hà Nội lựa chọn quy hoạch nhà ga theo phương án mới thể hiện việc chấp nhận những ý kiến quan ngại về nguy cơ gây ảnh hưởng đến di tích hồ Hoàn Kiếm. “Đối với phương án mới, khi thiết kế cụ thể nên làm rõ lý do tăng số tầng nhà ga lên 4 tầng và phải dùng 2 ống hầm để chạy tàu. Lớp đất phủ mỏng nên cũng cần làm rõ giải pháp xây dựng cũng cần được làm rõ để đảm bảo không gây lún, ảnh hưởng đến an toàn”, ông Ân nói.

Theo phương án mới,ga ngầm C9 được đưa ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích hồ Hoàn Kiếm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và trụ sở HĐND-UBND TP Hà Nội. Ga C9 dài 202,4 m, rộng 15m, sâu 31m và có 2 cửa lên xuống. Kết cấu ga cách tòa nhà gần nhất khoảng 3m.

Điểm đầu nhà C9 cách Tháp Bút khoảng 97m và hình chiếu cách Tháp Bút khoảng 30m. Nhà ga được thiết kế thành 4 tầng, sảnh chờ, hệ thống bán vé ở tầng 1; tầng 2 và 4 phục vụ đón trả khách; tầng 3 chứa thiết bị. Lối lên xuống ga không nằm trong vùng bảo vệ II của di tích danh thắng hồ Hoàn Kiếm.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/chuyen-gia-noi-gi-ve-vi-tri-moi-cua-ga-ngam-c9-gan-ho-guom-107843.html

[ad_2]