[ad_1]

Hòa Phát, Vingroup, Novaland… đề xuất đầu tư, lập quy hoạch loạt dự án lớn ở nhiều địa phương. Tổng giám đốc Việt An Hòa cho rằng không nên coi việc các doanh nghiệp đề xuất đầu tư, lập quy hoạch tại địa phương là tạo ra những “cơn sốt” trên thị trường.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư loạt dự án tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước như Khánh Hòa, Lâm Đồng, Hà Tĩnh, Quảng Ninh…

Loạt đề xuất đầu tư

Đầu tháng 3, CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Trị, Hòa Phát đề xuất mong muốn đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển, cảng nước sâu, xây dựng nhà máy thép và sản phẩm sau thép và một số sản phẩm thế mạnh của Hòa Phát tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Tại Quảng Ngãi, CTCP Phát triển Bất động sản Hòa Phát, công ty con của Tập đoàn Hòa Phát cũng đề nghị tài trợ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị dịch vụ Nam Châu Ổ – Bình Long, huyện Bình Sơn. Ngoài các dự án nêu trên, tập đoàn này còn muốn tìm một vị trí phù hợp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế để đầu tư khu đô thị hiện đại, có quy mô lớn.

Tại Hà Tĩnh, CTCP Vinhomes (HoSE: VHM), công ty thành viên thuộc Tập đoàn Vingroup đề xuất được tài trợ lập quy hoạch chi tiết khu đô thị trung tâm khu kinh tế Vũng Áng. Vinhomes đề xuất tài trợ lập quy hoạch chi tiết tại khu vực phía Tây khu 2 – Khu đô thị trung tâm Khu kinh tế Vũng Áng, phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh.

Trước đó, tại khu kinh tế Vũng Áng, Vinhomes cũng đã có văn bản đề xuất dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại lô CN4, CN5 – khu công nghiệp trung tâm thuộc khu kinh tế Vũng Áng với tổng mức đầu tư dự kiến là hơn 9.300 tỷ đồng. Ngoài những dự án trên, từ đầu tháng 3 đến nay Vingroup còn đề xuất đầu tư hai cụm công nghiệp tại Quảng Ninh hơn 140 ha, đề xuất đầu tư xây dựng đại đô thị tại Khánh Hòa…

Chuyên gia nói gì khi nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư, lập quy hoạch loạt dự án lớn?

Ảnh minh họa: baoquangninh.gov.vn

Ở Quảng Ninh, CTCP Bamboo Capital (HoSE: BCG) đã có báo cáo đề xuất về vị trí, ranh giới và diện tích địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu phức hợp đô thị, du lịch nghỉ dưỡng The Coral. Trước đó, tập đoàn đã đề nghị tài trợ lập quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị dịch vụ hậu cần Nam sân bay Chu Lai, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi và dự án Khu đô thị sinh thái hồ Đạ Tẻh quy mô khoảng 800 ha, huyện Đạ Tẻh.

Tại Quảng Nam, CTCP Capella Group đã có văn bản đề nghị cho phép nghiên cứu, khảo sát, tài trợ kinh phí lập quy hoạch dự án Khu đô thị, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Tây Bà Nà. Vị trí nghiên cứu thuộc xã Ba, xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam với quy mô khoảng 4.333 ha.

Novaland (HoSE: NVL) đề xuất khảo sát, nghiên cứu, lập quy hoạch và báo cáo đề xuất đầu tư dự án hồ Đăk Long Thượng tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng. Quy mô nghiên cứu khoảng 30.000 ha với mục tiêu đầu tư xây dựng một khu đô thị phức hợp hoàn chỉnh với nhiều loại hình sản phẩm nhà ở, biệt thự du lịch, trung tâm thương mại, trường học, công viên cây xanh…

Không lo ngại tạo sốt đất

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng việc các địa phương lập quy hoạch và việc các doanh nghiệp đề xuất tài trợ lập quy hoạch là cả một quá trình theo một trình tự, thứ tự rõ ràng. Các địa phương, cơ quan quản lý Nhà nước có vai trò đưa ra quy hoạch, tổ chức đấu giá và mời các doanh nghiệp tham gia, trong khi đó các doanh nghiệp các nhà đầu tư có quyền đề xuất những vị trí đô thị nên quy hoạch.

Theo GS Đặng Hùng Võ, việc các doanh nghiệp đề xuất tài trợ lập quy hoạch nhiều dự án tại khắp các tỉnh thành khó tiềm ẩn rủi ro, bởi lẽ về nguyên tắc không phải bất cứ đề xuất nào của doanh nghiệp cũng được phê duyệt. Từ bước đề xuất lập quy hoạch cho đến bước thực hiện dự án, doanh nghiệp và Nhà nước sẽ trải qua rất nhiều bước từ xây dựng quy hoạch, lấy ý kiến cho đến phê duyệt theo đúng thẩm quyền.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch CLB Bất động sản Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp, các chủ đầu tư hiện muốn tìm kiếm cơ hội tại các địa phương. Tuy nhiên, mỗi đơn vị có một “khẩu vị” đầu tư khác nhau tùy theo từng khu vực, vị trí và lợi thế của từng tỉnh/thành phố. Theo ông Quốc Bảo, các doanh nghiệp hiện nay thường có xu hướng “dồn sức” tập trung đầu tư vào các dự án có quy mô lớn.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Đầu tư bất động sản Việt An Hòa đánh giá thị trường bất động sản là nơi có dòng chảy liên tục, do đó các doanh nghiệp luôn có nhu cầu tìm hiểu, khám phá và đầu tư vào những thị trường mới, thị trường tiềm năng. Đứng trước những thông tin liên quan đến các đơn vị đề xuất lập quy hoạch, đầu tư các dự án, vị giám đốc Việt An Hòa cho rằng không nên coi đây là việc tạo ra những “cơn sốt” trên thị trường.

Chuyên gia nói gì khi nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư, lập quy hoạch loạt dự án lớn?

Lượng lớn các doanh nghiệp đề xuất đầu tư với các dự án thuộc bất động sản công nghiệp, do tại các khu vực này thường có quỹ đất tương đối sạch và bằng phẳng. Ảnh minh họa: Báo Quảng Ngãi

Ngoài ra, ông Trần Khánh Quang chỉ ra ba hướng đầu tư chính của các doanh nghiệp, tùy thuộc vào lợi thế địa hình của từng địa phương. Thứ nhất, lượng lớn các doanh nghiệp đề xuất đầu tư với các dự án thuộc bất động sản công nghiệp, do tại các khu vực này thường có quỹ đất tương đối sạch và bằng phẳng, đi cùng với đó việc đầu tư tại các khu công nghiệp cũng mang lại tính khả thi và hiệu quả cao nhất so với các loại hình còn lại. Trong khi đó, các khu vực đồi núi, quỹ đất rộng, mặt bằng chập chùng do địa hình sẽ thu hút đầu tư các dự án liên quan đến du lịch, nghỉ dưỡng… Hướng đầu tư thứ ba là khu gần trung tâm đô thị, các doanh nghiệp lại quan tâm đến việc đầu tư khu dân cư, khu đô thị mới.

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/chuyen-gia-noi-gi-khi-nhieu-doanh-nghiep-de-xuat-dau-tu-lap-quy-hoach-loat-du-an-lon-108395.html

[ad_2]