[ad_1]
(Dân trí) – Hết thời tăng giá từ 30 lên 100 tỷ đồng, biệt thự bỏ hoang lại “ngủ đông”?; giá nhà liền kề bỏ hoang, không sổ đỏ vẫn tăng gấp đôi trong 3 năm… là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Hết thời tăng giá từ 30 lên 100 tỷ đồng, biệt thự bỏ hoang lại “ngủ đông”?
Chia sẻ tại một diễn đàn bất động sản mới diễn ra, ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch BHS Group – dự báo, xu hướng thị trường sẽ là phòng thủ sẽ lên ngôi, các bất động sản phục vụ nhu cầu thực như chung cư, khu công nghiệp, phụ trợ khu công nghiệp có nhiều tiềm năng phát triển.
Bên cạnh đó, ông Tuyển cảnh báo đầu cơ sẽ “hết đất diễn”. Bởi những loại hình hiến đất làm đường, phân lô tách sổ, những dự án chưa đủ điều kiện pháp lý, những dự án đã tăng giá quá cao trong thời gian ngắn do đầu cơ thổi giá sẽ “hết đất diễn”. Khi dòng tiền không dễ dãi thì sẽ không dễ chảy vào các thị trường dễ dãi, không tiềm năng.
Vị này nhận định, bất động sản triệu đô sẽ ngủ thêm một thời gian nữa đặc biệt là những bất động sản nghỉ dưỡng có tổng giá trị cao, hoặc các siêu biệt thự nội đô có giá vài triệu đô. Nếu như 6 tháng trước, các biệt thự 30-60 tỷ đồng tăng lên 100 tỷ đồng/căn, chỉ sau vài tháng thì rõ ràng bây giờ sẽ không có chuyện tăng giá như vậy, thanh khoản sẽ chậm lại, nhà đầu tư không dễ xuống tiền.
Giá nhà liền kề bỏ hoang, không sổ đỏ vẫn tăng gấp đôi trong 3 năm
Những tháng gần đây, giao dịch trên thị trường bất động sản diễn ra khá chậm. Trong khi đó giá bất động sản vẫn không có dấu hiệu giảm, khiến việc tiếp cận mua nhà ở thực của người dân gặp nhiều khó khăn.
Dù đang có nguồn tài chính gần 10 tỷ đồng, nhưng anh Khoa vẫn không thể mua được một căn nhà liền kề nào trong các khu đô thị tại khu vực quận Hoàng Mai. Theo anh Khoa, giá nhà liền kề ở đây đang dao động 130-200 triệu đồng/m2.
“Do nhu cầu ở của gia đình tăng lên, vợ chồng tôi đã đi tìm mua một căn nhà liền kề cho ổn định. Tuy nhiên, đi tìm hiểu và hỏi giá, gia đình tôi thấy bất ngờ vì tầm 10 tỷ đồng vẫn không thể mua được một căn liền kề đủ pháp lý, trong một khu đô thị quy mô”, anh Khoa nói.
Điều anh Khoa thấy bất ngờ nhất chính là giá nhà liền kề tại dự án thiếu đồng bộ, thiếu pháp lý và còn đang bỏ hoang nhưng cũng có giá cao ngất ngưởng.
Bất động sản lao dốc nhưng vì sao vẫn không có bán tháo?
Thị trường bất động sản trầm lắng, hạ nhiệt sau một thời gian dài “tăng nóng”. Tuy nhiên, nhiều báo cáo của các đơn vị nghiên cứu thị trường, cơ quan quản lý Nhà nước đều chỉ ra giá bất động sản vẫn tiếp tục tăng, dù không mạnh như trước. Nhiều người gọi đây là “nghịch lý” thị trường.
Trong ChatToday số 4 ngày 16/8, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn – đã đưa ra một số số liệu cho thấy thị trường đã giảm mức độ quan tâm so với thời điểm 2021. Ông lý giải rõ hơn về nguyên nhân khiến giá bất động sản vẫn cứ cao dù thanh khoản kém, khó bán.
“Kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư là dài và trung hạn. Do vậy, người ta không bị yếu tố ngắn hạn ảnh hưởng khiến phải bán tháo tài sản. Ví dụ, tôi xác định đầu tư một bất động sản giá 10 tỷ đồng trong 5 năm, không có nghĩa khi thấy thị trường xấu là tôi bán ngay 7 tỷ đồng. Điều đó lý giải rất nhiều cho việc từ Covid-19 đến nay giá bất động sản vẫn cứ tăng mạnh”, ông Nguyễn Quốc Anh nói.
Cũng theo vị này, thị trường không phải cứ khó khăn hoặc xấu đi là có hiện tượng cắt lỗ ồ ạt, bởi việc bán tháo tài sản còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
Nhà giá rẻ gần như “tuyệt chủng”, chuyên gia bóc lý do
Tại Diễn đàn bất động sản mới đây tại Hà Nội, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Vietnam, đã có những chia sẻ đáng chú ý về xu hướng trên thị trường bất động sản nhìn từ phân khúc nhà ở.
Theo bà Dung, thống kê từ đơn vị này cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản đã có sự phục hồi nhất định sau 2 năm chậm phát triển vì dịch Covid-19.
Trong đó, thị trường chứng kiến sự nổi lên nhanh chóng của căn hộ cao cấp, trung cấp, còn căn hộ bình dân gần như biến mất. Đi cùng với sự thay đổi đó, giá bán bất động sản cũng liên tiếp lập đỉnh mới.
Bà Dung cho biết sự xuất hiện của căn hộ bình dân ngày càng thưa thớt. Tại Hà Nội năm nay không còn căn hộ bình dân. Còn tại TPHCM, căn hộ bình dân đã biến mất trong 3 năm trở lại đây và CBRE dự báo trong 3 năm tới cũng không xuất hiện trở lại.
Bị nợ cả trăm, nghìn tỷ đồng, nhà thầu muốn bêu tên các chủ đầu tư chây ỳ
“Có tiền không trả, chây ỳ. Vậy xử lý thế nào, chế tài gì”, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nói về tình trạng nợ đọng ngành xây dựng.
Về lâu dài, ông cho biết đã bàn bạc và thống nhất với các hội viên, sắp tới đề xuất các cơ quan chức năng thống kê những chủ đầu tư nào chây ỳ, không nghiêm chỉnh thì công bố, công khai trên trang website của các Sở Kế hoạch và Đầu tư…
“Công bố ra để các ông chây ỳ hết cửa quay lại tỉnh đó. Đó là biện pháp tháo gỡ, làm chủ đầu tư nghiêm túc hơn”, ông Hiệp nói và cho rằng, nếu kiến nghị này được chấp thuận, chủ đầu tư chắc chắn sẽ rất “ngại” chây ỳ.
Mặc dù đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị song ông Hiệp vẫn nhấn mạnh cần phải có phương án “bêu tên” chủ đầu tư chây ỳ. “Nếu cơ quan chức năng không làm, Hiệp hội nhà thầu sẽ cân nhắc tự làm. Có danh sách đen của nhà thầu thì cũng cần công bằng là có danh sách đen chủ đầu tư chây ỳ”, ông nói.
Công ty cổ phần Địa Tín phân phối độc quyền dự án: Khu đô thị Từ Sơn Garden City
Nguồn: https://dantri.com.vn/bat-dong-san/chuyen-gia-du-bao-ve-phan-khuc-biet-thu-khong-co-chuyen-tang-gia-bang-lan-20220821075810095.htm
[ad_2]