[ad_1]

Chứng khoán năm 2022: Dư địa còn, thận trọng với nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ

Dòng tiền vẫn sẽ thúc đẩy nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (smallcaps) tăng trưởng và dành được sự quan tâm của nhà đầu tư trong năm 2022. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên thận trọng bởi tính đầu cơ cao.

Trong nửa sau của năm 2021, dòng tiền chảy mạnh vào nhóm vốn hóa nhỏ và trung bình, giúp VNSML Index và VNMID Index vượt qua chỉ số VN-30 và VN-Index để trở thành những chỉ số tăng trưởng tốt nhất, lần lượt tăng 82,4% và 52,4% so với thời điểm đầu năm.

Nhà đầu tư cần thận trọng khi lựa chọn cổ phiếu vốn hóa nhỏ. (Ảnh: Nguyễn Long).

Thận trọng với nhóm smallcaps

Với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là mặt bằng lãi suất nhiều khả năng tiếp tục duy trì ở mức thấp cho đến hết quý 2/2022 thì dòng tiền của nhà đầu tư nội vào thị trường vẫn duy trì ở mức tích cực, nên yếu tố dòng tiền vẫn sẽ thúc đẩy nhóm smallcaps tăng trưởng và dành được sự quan tâm của nhà đầu tư.

Nhóm vốn hóa vừa và nhỏ luôn luôn tồn tại rủi ro nhất là yếu tố đầu cơ, cùng với đó tính thanh khoản, yếu tố nội tại của doanh nghiệp cũng không tốt bằng nhóm bluechips, nhóm đã được được sàng lọc và kiểm định. Do vậy, khi nhóm smallcaps tăng thì lực đẩy từ yếu tố kỳ vọng là chính. Rủi ro lớn nhất của nhóm này là tính đầu cơ quá cao, giá của nó đã vượt xa kỳ vọng và giá trị nội tại của doanh nghiệp, tạo ra gap (vùng trống) giữa giá trị nội tại và giá thị trường để lại rủi ro rất lớn.

Sóng tăng của nhóm smallcap sẽ là những sóng tăng ngắn hạn do bản chất của nó có tính đầu cơ cao và nó sẽ biến động theo những nhịp sóng trong ngắn hạn. Nó khác tính chất của nhóm bluechips, nhóm có nhiều cổ phiếu tăng trưởng dài, đều đặn hàng năm.

Ông Trần Xuân Bách.

Biến động của nhóm smallcap theo từng đợt sóng, sau đợt tăng nóng có thể sang đầu năm sau sẽ có biến động. Chỉ số VNsmallcap đã gần vượt mức định giá trung bình 10 năm, tức là mức định giá P/E của nhóm VNsmallcap +-2,3 lần độ lệch chuẩn. Như vậy mức định giá hiện tại đã vượt qua mức định giá +3 lần độ lệch chuẩn, nên đây là mức định giá khá cao do vậy khi nó tiếp tục tăng thì mức hấp dẫn của nó sẽ giảm.

Nhưng cần lưu ý khi thị trường đến một ngưỡng nào đấy nhóm này đảo chiều và nhà đầu tư sẽ thấy được sự hấp dẫn của nhóm vốn hóa lớn (bluechips). Hiện mặt bằng định giá của nhóm bluechips đang ở dưới mức định giá trung bình 10 năm với ngưỡng -1 độ lệch chuẩn nên tạo ra sự hấp dẫn trở lại và đặc biệt với tăng trưởng lợi nhuận dự kiến cho năm sau.

Nếu giá không tăng và tiếp tục giảm nó sẽ còn hấp dẫn nữa nhất là với mặt bằng giá hiện tại với mục tiêu tăng trưởng năm sau 20% thì mức định giá của nó rất hấp dẫn.

Đến một thời điểm nào đó, nhà đầu tư chốt lời nhóm smallcap sẽ chuyển về nhóm bluechips, những nhà đầu tư đến sau tiếp tục đu trần, mua giá cao có thể lãi ở một thời điểm nhất định nhưng nếu không cụ thể hóa được lợi nhuận đấy nếu như nhóm này đảo chiều, dòng tiền rút khỏi sẽ khiến nhiều nhà đầu tư bị bỏ lại, tạo ra thua lỗ rất lớn.

Thị trường kẹt lại ở vùng 1.500 điểm

Về mặt định giá, tăng trưởng lợi nhuận của các cổ phiếu trong năm nay tăng khoảng 30-35% tính trung bình ra mức định giá của VN-Index xoay quanh ngưỡng 1.500 điểm. Về mặt kỹ thuật, mô hình sóng các vùng cản của VN-Index cũng đưa ra ngưỡng khoảng 1.480-1.530 điểm, và nhiều công ty chứng khoán cũng đưa ra nhận định vùng điểm như vậy khiến những yếu tố này khiến vô hình  chung tạo cho thị trường một vùng cản. Bản thân thị trường khi đến ngưỡng 1.500 điểm với các cổ phiếu nhóm bluechips cũng không còn sức hấp dẫn đến một ngưỡng nó phải đợi tăng trưởng lợi nhuận cho năm sau để giảm định giá, đẩy định giá xuống thấp hơn để tạo ra sự hấp dẫn thì mới có khả năng vượt qua vùng 1.500 điểm.

Nhìn chung trong năm 2021, vùng 1.500 điểm đã fair value (giá trị hợp lý) của thị trường và các cổ phiếu bluechip. Do vậy vùng bán khi ở vùng này không chỉ nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mà cả nhà đầu tư trong nước, tổ chức tự doanh lớn cũng bán ròng.

Dòng tiền nhà đầu tư trong nước đã chuyển sang nhóm smallcaps và nhóm này cũng không có trong danh mục đầu tư của các tổ chức lớn nên nó không ảnh hưởng nhiều, ngược lại vốn hóa nhỏ quá cũng không ảnh hưởng đến thị trường. Như vậy thị trường đang rơi vào trạng thái mặc dù rất sôi động nhưng bản chất thực tế thị trường đang rơi vào trạng thái “kẹt”.

TRẦN XUÂN BÁCH – Trưởng nhóm chiến lược thị trường (BVSC)

[ad_2]