[ad_1]

Chủ đầu tư lý giải thế nào về nguyên nhân sự cố tuyến metro số 1?

Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có báo cáo gửi UBND TP liên quan sự cố gối cầu trên tuyến metro số 1 (tuyến Bến Thành – Suối Tiên).

3 nguyên nhân chính

Theo báo cáo của MAUR, việc xác minh sự cố được chủ đầu tư phối hợp các bên tiến hành trong suốt hơn 1 năm qua, từ lúc phát hiện gối cầu đầu tiên bị rơi ra ngoài tại trụ P14-10, sau đó thêm 5 gối khác cũng bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu. Đây là 6 trong tổng 900 vị trí trụ cầu thuộc tuyến metro số 1.

Cho tới thới điểm hiện nay, căn cứ vào các kết quả quan trắc định kỳ, các báo cáo của Liên danh SCC (Gói thầu số 2), Nhà thầu Hitachi (Gói thầu số 3), báo cáo sơ bộ của Tư vấn độc lập bên thứ ba (của Liên danh SCC), MAUR đã có đánh giá sơ bộ nguyên nhân sự việc.

Chủ đầu tư lý giải thế nào về nguyên nhân sự cố tuyến metro số 1?

Gối cao su bản thép đầu tiên trên tuyến metro số 1 bị phát hiện mất ổn định rời khỏi đá kê gối mà không rõ lý do từ ngày 30.10.2020

Cụ thể, về phương diện kỹ thuật của giao diện giữa Gói thầu số 2 và Gói thầu số 3, Liên danh SCC cho rằng giá trị chuyển vị phụ thuộc vào khoảng cách của mối nối ray tạm thời với khe co giãn của cầu cạn. Tình trạng kẹp mối nối ray cộng với việc các thanh ray co giãn vì nhiệt khiến tổng co giãn vì nhiệt của dầm U vượt quá giới hạn thiết kế.

Trong khi phía nhà thầu Hitachi cho rằng ray dịch chuyển độc lập với cấu trúc cầu cạn thì Liên danh SCC vẫn chưa có đánh giá cuối cùng vì đang đợi các kết quả thí nghiệm khác (đang bị chậm trễ do ảnh hưởng của Covid), dự kiến hoàn thành vào 15.12.

Phía chủ đầu tư đồng ý để Liên danh SCC tiếp tục triển khai một số thí nghiệm có liên quan để các bên có sự đánh giá cuối cùng về nguyên nhân sự việc. Dự kiến các thí nghiệm này sẽ hoàn thành vào cuối tháng 11.

Về phương diện thiết kế: Cả Liên danh SCC, Nhà thầu Hitachi đều thống nhất rằng thiết kế kỹ thuật đáp ứng theo các yêu cầu của Chỉ dẫn kỹ thuật thiết kế (ODS). Hiện MAUR đang đợi báo cáo cuối cùng của các Nhà thầu là Liên danh SCC và Hitachi trình nộp (sau khi tiến hành các thí nghiệm) cũng như dựa trên ý kiến của NJPT về những báo cáo này, để đưa ra kết luận cuối cùng.

Đối với vật liệu, các chứng chỉ vật liệu và hồ sơ gốc của gối Mageba và Kawakin được đệ trình đều không chỉ ra bất kỳ yếu tố nào không phù hợp. Tuy nhiên, Tư vấn độc lập bên thứ ba cho rằng chưa có kết quả thí nghiệm hóa học để xác định hóa chất chống oxy hóa của gối bị trượt có ảnh hưởng tới ma sát của gối hay không, do đó chưa thể đánh giá kết quả.

Ngoài ra, biện pháp thi công sử dụng các loại dầm đúc sẵn dễ xảy ra các sai số trong thi công dẫn tới gối không được tiếp xúc hoàn toàn với đáy dầm cũng như đá kê gối, rủi ro góc hở giữa các bề mặt tiếp xúc cao… Trong số liệu quan trắc cũng ghi nhận một số gối có khe hở giữa gối và bề mặt tiếp xúc. Cũng theo kết quả quan trắc, nhận thấy một số gối bị trượt sau khi biến dạng nhỏ hơn nhiều so với khả năng chịu biến dạng của gối.

“Có thể kết luận sơ bộ rằng nguyên nhân rơi gối cầu xoay quanh các nguyên nhân giãn nở do chênh lệch nhiệt độ giữa các cấu kiện (dầm, ray); các sai số trong thi công dẫn đến ma sát không đảm bảo giữa bề mặt tiếp xúc (giữa gối cầu và bệ trụ) và chất lượng của gối cầu. Cần phải tiến hành thêm các công tác quan trắc, thí nghiệm về chất lượng gối để đưa ra kết luận cuối cùng” – đại diện MAUR thông tin.

Cũng theo chủ đầu tư, hiện nay giám sát Liên danh SCC đã triển khai công tác khắc phục hiện trường. Cùng với 6 vị trí xảy ra sự việc rơi, chuyển vị gối cầu (chiếm 0,67% trên tổng số gối cầu di động) đã được khắc phục, SCC đã lắp đặt hệ thống chống chuyển vị (kết cấu thép cường độ cao) cho khoảng 30 vị trí. Hệ thống bảo vệ này đảm bảo giữ ổn định từng nhịp cầu.

Đồng thời, lắp camera và quan trắc liên tục sự dịch chuyển của gối cầu và sự thay đổi bề rộng khe hở tại vị trí khe co giãn, đảm bảo nếu có bất cứ sự thay đổi bất thường nào xảy ra thì sẽ có biện pháp can thiệt kịp thời… Các biện pháp tạm thời trên đã đảm bảo hiện nay chưa có thêm bất cứ vị trí gối cao su dịch chuyển bất thường vượt quá giá trị giới hạn cho phép.

Chủ đầu tư lý giải thế nào về nguyên nhân sự cố tuyến metro số 1?

Chật vật hơn 15 năm, tàu metro số 1 vẫn chưa hẹn ngày lăn bánh. ĐỘC LẬP

Ai chịu trách nhiệm cho sự chậm trễ?

Gối cao su bản thép đầu tiên trên tuyến metro số 1 bị phát hiện mất ổn định rời khỏi đá kê gối mà không rõ lý do từ ngày 30.10.2020. Sự cố lệch dầm cầu cạn, đường ray bị hư hỏng ngay trong giai đoạn nước rút khiến người dân TP.HCM vô cùng lo lắng cho tiến độ dự án. Thế nhưng đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, nguyên nhân sự cố và phương án giải quyết, khắc phục vẫn chỉ dừng ở mức đánh giá sơ bộ, chưa được chỉ rõ.

Ban Quản lý đường sắt đô thị thừa nhận việc giải quyết sự việc rơi, chuyển vị gối cầu tại Gói thầu số 2 chưa đảm bảo tiến độ như kỳ vọng. Nguyên nhân chính do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và giãn cách xã hội trong một thời gian dài, một số thí nghiệm cần thiết chưa thể tiến hành hoặc tiến hành chậm trễ. Các công tác khác như quan trắc, theo dõi chuyển vị hiện cũng bị gián đoạn rất nhiều thời gian. Nhân lực của các Nhà thầu và Tư vấn NJPT thì cắt giảm, đình trệ công việc.

Bên cạnh đó, trong thời gian đầu, Liên danh SCC của Gói thầu số 2 đã chậm trễ trong phối hợp, thực hiện các yêu cầu của chủ đầu tư, Cơ quan thường trực – Hội đồng nghiệm thu nhà nước, các ý kiến góp ý của các chuyên gia và các cơ quan chuyên môn nhằm tìm nguyên nhân, giải pháp giải quyết sự việc.

Việc chậm trễ xuất phát từ việc Tổng thầu đã giảm bớt nhân sự, thay đổi cơ cấu tổ chức so với quy định của hợp đồng đã dẫn đến không đảm bảo việc quản lý chất lượng, tiến độ công việc, tuần thủ nội dung Hợp đồng.

“Do sự việc xảy ra thuộc phạm vi công trình đang thi công theo Hợp đồng số 61 ngày 16.5.2012 và chưa được bàn giao cho Chủ đầu tư nên Liên danh SCC hoàn toàn chịu trách nhiệm đối với các chậm trễ nêu trên và chất lượng công trình (theo yêu cầu của Hợp đồng FIDIC sách bạc)” – báo cáo của MAUR chỉ rõ.

Theo báo cáo của UBND TP, lũy kế khối lượng tổng thể của toàn dự án metro số 1 đạt 87,5%, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt khoảng 91%. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thiện trong quý 3/2021, khai thác thương mại từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, các gói thầu của dự án đều đang chậm tiến độ do gặp nhiều vướng mắc. Dự kiến thời gian hoàn thành thực hiện và thi công dự án vào khoảng cuối năm 2023, đầu năm 2024 như các nhà thầu đã tính toán.

Hà Mai

[ad_2]