[ad_1]
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh các trụ cột tăng trưởng như xuất khẩu, FDI đang suy giảm và nằm ngoài khả năng can thiệp của Chính phủ thì cần phải kích hoạt kênh tài khóa, tạo động lực cho tăng trưởng…
Tại Tọa đàm Kinh tế vĩ mô giữa năm 2023 với chủ đề: “Phục hồi tổng cầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mới”, do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp tổ chức sáng ngày 11/7/2023.
CẨN TRỌNG VỚI LẠM PHÁT
Qua buổi tọa đàm, các chuyên gia chỉ ra 4 trọng tâm mà chính sách tiền tệ cần tập trung hướng tới trong 6 tháng cuối năm 2023.
Thứ nhất, đảm bảo an toàn và ổn định hệ thống, kiểm soát nợ xấu trong bối cảnh rủi ro toàn nền kinh tế gia tăng. Thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhiều chính sách như giãn nợ, cơ cấu thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Do đó, những khó khăn và rủi ro của nền kinh tế dường như đang dồn lên hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, lạm phát còn tiềm ẩn nhiều biến số khó lường, đặc biệt là lạm phát cơ bản. Các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới như PBOC (Trung Quốc) và Fed vẫn duy trì lãi suất cao và tiếp tục tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Ở trong nước, mặt hàng xăng dầu có thể tăng giá vào cuối năm. Ngoài ra, nhiều mặt hàng do nhà nước quản lý giá đã kìm giữ giá suốt 4-5 năm qua nên đứng trước sức ép tăng giá để bù chi phí.
Thứ ba, về lãi suất, sau 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành trong nửa đầu năm, đến nay, lãi suất huy động đã giảm mạnh và lãi suất cho vay cũng đang theo chiều hướng giảm. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất ở mức nào thì cũng phải tuân theo nguyên tắc thị trường: rủi ro cao thì lãi suất cao và ngược lại, thay vì cào bằng một mức như nhau, ngoại trừ các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ thì được hưởng mức lãi suất thấp hơn như xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ cao…
Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục duy trì tỷ giá ổn định để tránh nhập khẩu lạm phát và thu hút các FDI lớn.
Đồng tình với ý kiến của nhiều chuyên gia tại toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho rằng chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa, thay vào đó nên tập trung đẩy mạnh chính sách tài khoá, đầu tư công phải đúng chỗ, đúng điểm và khả thi.
Sản xuất công nghiệp đối mặt với một năm đầy khó khăn trong bối cảnh giảm nhu cầu tiêu dùng tại nhiều nước đối tác thương mại lớn giảm do chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát. Giá trị tăng thêm toàn ngành 6 tháng đầu năm chỉ ở mức 0,44%, là mức tăng thấp nhất cùng kỳ các năm 2011-2023, và chỉ đóng góp 0,15 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.
Ông Trung đề xuất tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực TP. Hồ Chí Minh bởi đây là đầu tàu kinh tế, năng động nhất cả nước. Về nguồn vốn, nên cho phép địa phương này giữ lại ngân sách để chủ động đầu tư, với tỷ lệ bằng Hà Nội hiện nay. Nghĩa là, tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách cho TP. Hồ Chí Minh từ 21% lên 31%.
Theo ông Trung, mỗi năm thành phố này đóng góp cho ngân sách khoảng 500 ngàn tỷ, nếu tăng tỷ lệ giữ lại ngân sách thêm 11% nghĩa là thành phố có thêm 55 ngàn tỷ đồng phục vụ đầu tư công.
Liên quan đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhóm nghiên cứu Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh đưa ra 2 kịch bản.
Kịch bản 1, GDP cả năm dự kiến tăng 6%, thì tăng trưởng quý 3 phải đạt 6,8%, quý 4 là 9%, cao hơn lần lượt 0,3 và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản đưa ra hồi đầu năm. Với kịch bản này, tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8%.
Kịch bản 2, GDP năm 2023 tăng 6,5%. Tức là, hai quý cuối năm phải đạt tăng trưởng 7,4% và 10,3%. Các mức tăng này lần lượt cao hơn kịch bản đưa ra đầu năm là 0,9 và 3,2 điểm phần trăm. Tính chung, tăng trưởng nửa cuối năm phải đạt 8,9%.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia cho biết, đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm 2023 đạt 1.367,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2018-2023.
Trong cơ cấu vốn đầu tư, vốn đầu tư thực hiện của khu vực Nhà nước dẫn đầu về tốc độ tăng do tác động bởi kích cầu từ chính sách tài khoá.
KHÔNG LẠM DỤNG TĂNG CUNG TIỀN
Theo đại diện WB, Việt Nam cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thông qua (i) cải thiện quy trình thủ tục, (ii) xác định mục tiêu và chất lượng thực hiện, (iii) chiến lược phát triển không gian quốc gia đã được thông qua để ưu tiên những hoạt động đầu tư quan trọng/xương sống vào các vùng quan trọng/khu vực tăng trưởng.
Đơn cử, Việt Nam cũng nên lưu tâm việc đầu tư cơ sở hạ tầng truyền tải điện và lưới điện.
Đặc biệt, đại diện WB cũng nhấn mạnh bối cảnh hiện nay nhu cầu tín dụng yếu, trong khi cứ gia tăng cung, chẳng hạn như tiếp tục nới lỏng và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, có thể sẽ kém hiệu quả hơn và rủi ro hơn bởi lẽ, lãi suất toàn cầu có khả năng duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn và chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam/thế giới có thể tăng lên, gây áp lực lên tỷ giá.
“Nên ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khoá để thúc đẩy tổng cầu. Cụ thể, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công; tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực; bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.
Ngoài ra, có thể kích cầu thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc;nâng mức thu nhập chịu thuế”.
PGS. TS Phạm Thế Anh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đưa ra một số nguyên tắc cần lưu ý khi thúc đẩy tổng cầu: (i) cần ưu tiên các biện pháp kích cầu tạm thời nhưng cải thiện được năng suất trong dài hạn; (ii) các chính sách kích cầu phải hướng vào đối tượng có nhu cầu/cần chi tiêu cao; hướng vào hàng hóa nội địa. Hiện nay, một số chính sách giảm VAT, phí trước bạ chưa thực sự đúng đối tượng.
Ngoài ra, PGS. TS Phạm Thế Anh gợi ý nên ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khoá để thúc đẩy tổng cầu. Cụ thể, tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công; tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực; bổ sung/xây dựng mới các trường học công đáp ứng đủ nhu cầu xã hội.
Ngoài ra, có thể kích cầu thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc;nâng mức thu nhập chịu thuế.
Đối với chính sách tiền tệ, PGS.TS Phạm Thế Anh cho rằng có thể tiếp tục hạ lãi suất cho vay (giảm chi phí vốn; tăng khả năng tiếp cận vốn trên thị trường chứng khoán; kích thích được tiêu dùng nhờ sự hồi phục của thị trường tài sản); sử dụng tín dụng thuế đầu tư (Investment Tax Credit) ngắn hạn. Tuy nhiên, vị chuyên gia lưu ý cần kiểm soát tăng trưởng cung tiền quanh 10% và tránh nôn nóng hạ lãi suất chính sách dồn dập.
Nguồn: https://vneconomy.vn/chinh-sach-tien-te-can-du-dia-can-day-manh-chinh-sach-tai-khoa-de-phuc-hoi-tong-cau.htm
[ad_2]