[ad_1]

(TN&MT) – Từ tháng 9/2022, các quy định liên quan đến việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất trong năm 2022 hay những quy định về Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Hạn cuối nộp giấy gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất là 30/9

Đây là nội dung được hướng dẫn bởi Nghị định 34/2022/NĐ-CP về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022.

Cụ thể, theo Điều 5 Nghị định 34, tổ chức, cá nhân được gia hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2022 phải trực tiếp kê khai, gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo mẫu quy định cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp thông phương thức điện tử; gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện.

Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất không nộp cùng thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tháng (hoặc quý) thì hạn nộp chậm nhất là ngày 30/9/2022. Còn nếu gửi Giấy đề nghị gia hạn cho cơ quan thuế sau ngày 30/9/2022, người nộp thuế sẽ không được gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất.

Đối tượng gia hạn là các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân hoạt động sản xuất trong các ngành kinh tế: Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; Xây dựng; Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên (không gia hạn đối với thuế thu nhập doanh nghiệp của dầu thô, condensate, khí thiên nhiên thu theo hiệp định, hợp đồng); Thoát nước và xử lý nước thải…

gia-han-tien-thue-dat.jpeg
Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2022

Thành viên Hội đồng quản lý lĩnh vực tài nguyên môi trường phải có trình độ đại học trở lên

Từ ngày 20/9, Thông tư 09/2022/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực tài nguyên và môi trường bắt đầu có hiệu lực.

Theo đó, Hội đồng quản lý là đại diện của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tại đơn vị sự nghiệp công lập. Hội đồng quản lý có số lượng thành viên từ 5 đến 11 người gồm Chủ tịch và các thành viên khác.

Bên cạnh đó, thành viên Hội đồng quản lý phải đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện sau: Là công chức hoặc viên chức thuộc quản lý của cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý có đủ năng lực hành vi dân sự; Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao; Không đang trong thời gian xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật; Có trình độ từ đại học trở lên; Có kinh nghiệm trong công tác quản lý, công tác chuyên môn;…

Ngoài ra, Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ tập thể, công khai, dân chủ, tôn trọng ý kiến các thành viên, quyết định theo đa số bằng hình thức bỏ phiếu kín. Hội đồng quản lý họp định kỳ ít nhất 3 tháng một lần và họp đột xuất khi cần thiết theo yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng quản lý hoặc người có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý. Các cuộc họp của Hội đồng quản lý được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự.

Miễn kiểm dịch đối với sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.

Cụ thể, theo quy định mới, sản phẩm động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch gồm: sản phẩm động vật thủy sản (bao gồm cả phôi, trứng, tinh dịch và ấu trùng của các loài thủy sản) ở dạng tươi sống, ướp lạnh, đông lạnh; các đối tượng sản phẩm động vật thủy sản khác thuộc diện phải kiểm dịch theo yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc theo quy định của các Điều ước quốc tế mà Việt nam ký kết hoặc gia nhập.

Ngoài ra, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch, cụ thể, danh mục động vật, sản phẩm động vật thủy sản miễn kiểm dịch gồm: động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu thuộc diện ngoại giao; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu; sản phẩm động vật thủy sản làm hàng mẫu thử nghiệm; sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu để trưng bày hội chợ, triển lãm; sản phẩm động vật thủy sản làm thực phẩm xuất khẩu bị triệu hồi hoặc trả về.

Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/9/2022.

[ad_2]