[ad_1]

Chính phủ muốn dùng tiền phục hồi kinh tế để xây cao tốc Bắc – Nam

Chính phủ tính toán tổng mức đầu tư 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam theo phân kỳ khoảng 146.990 tỷ, riêng giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung gần 72.500 tỷ cho dự án.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận tại phiên họp thứ 6 diễn ra sáng 10/12.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đây là hành lang vận tải quan trọng nhất trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cả nước, được quy hoạch dài 2.063 km, đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư.

Kiến nghị dùng tiền phục hồi kinh tế xây cao tốc Bắc – Nam

Theo Bộ trưởng GTVT, tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông có quy mô 6 làn xe, khu vực cửa ngõ các trung tâm kinh tế – chính trị lớn là 8-10 làn xe, đoạn Cần Thơ – Cà Mau 4 làn xe.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn phân kỳ khoảng 146.990 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 được bố trí khoảng 119.666 tỷ đồng (chiếm 81,4%). Giai đoạn 2026-2030 sẽ bố trí phần còn lại khoảng 27.324 tỷ đồng (chiếm 18,6%).

báo cáo tiến độ cao tốc Bắc - Nam ảnh 1

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Quốc hội.

Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 7, dự kiến có 47.169 tỷ đồng được bố trí cho dự án này. Như vậy, giai đoạn 2021-2025 cần bổ sung 72.497 tỷ đồng cho dự án. Chính phủ kiến nghị cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư dự án, xác định “đến năm 2025, cơ bản hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông”.

Song theo ông Thanh, việc Chính phủ dự kiến phần vốn Nhà nước bổ sung cho dự án cân đối từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ông đề nghị Chính phủ cần tính toán kỹ, đề xuất danh mục chi tiết những dự án nào đáp ứng các tiêu chí, nguyên tắc và bảo đảm điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

“Ưu tiên các dự án đang triển khai giải ngân tốt, có khả năng đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành, vừa phát huy hiệu quả của chính sách kích thích kinh tế trong giai đoạn 2022-2023, vừa bảo đảm nguồn vốn để triển khai các dự án thành phần trong Dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021-2025”, ông Thanh nêu quan điểm.

Mất 4 năm chỉ vì thay đổi phương thức đầu tư

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đây là dự án đặc biệt quan trọng cần được triển khai nhanh, đề xuất Chính phủ giao Bộ GTVT làm chủ đầu tư.

báo cáo tiến độ cao tốc Bắc - Nam ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Quốc hội.

Để triển khai nhanh, Chủ tịch Quốc hội lưu ý cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng. Ông nhắc không để kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư trong giai đoạn 2 lặp lại như giai đoạn 1 dẫn đến việc mất nhiều thời gian chuẩn bị.

Theo Chủ tịch Quốc hội, ban đầu công bố đấu thầu quốc tế, xong hồi kết lại cho rằng rủi ro nên trình lại để đấu thầu trong nước. Hay lúc đầu trình 8 gói PPP và 3 gói đầu tư công, nhưng sau đó trình lại 3 gói PPP và 8 gói đầu tư công.

“Ta cứ nói chậm, vướng pháp luật nhưng không hẳn như vậy. Vướng gì trong Luật đầu tư công và Luật PPP đã sửa, nhưng thay đổi đấu thầu, đầu tư mất 3-4 năm, nên đừng để giai đoạn 2 rơi vào trình trạng như vậy”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết luận phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp bất thường tới đây việc đầu tư toàn bộ dự án bằng vốn đầu tư công.

Chính phủ muốn dùng tiền phục hồi kinh tế để xây cao tốc Bắc - Nam

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên thảo luận về dự án cao tốc Bắc – Nam. Ảnh: Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát, điều hòa nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để ưu tiên cho các dự án trọng điểm có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong 2 năm 2022-2023.

Theo ông Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Bộ GTVT quản lý đầu tư toàn bộ dự án, không giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần mà chỉ giao kinh phí và việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho các địa phương.

Lý do, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu giao địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần sẽ không phù hợp với quy định của các luật liên quan và cũng khó đảm bảo chất lượng, tiến độ, tính thống nhất trong quá trình thực hiện.

Hoài Thu

[ad_2]