[ad_1]

Sáng ngày 4/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022, tập trung thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, việc triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, ngân sách nhà nước trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm…

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 - Ảnh: VGP Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2022 – Ảnh: VGP

Phân tích một số nét chính về bối cảnh, tình hình tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay cạnh tranh chiến lược giữa các nước diễn biến phức tạp, chiến sự ở Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định, tác động tới kinh tế toàn cầu. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại.

Cùng với đó, rủi ro lạm phát, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá dầu. Các vấn đề về an ninh phi truyền thống, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu… diễn biến phức tạp.

Trong nước, tình hình dịch Covid-19 tiếp tục được kiểm soát. Nhiều sự kiện lớn, quan trọng diễn ra. Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII kết thúc tốt đẹp, thảo luận và quyết định nhiều nội dung quan trọng về đất đai, kinh tế tập thể và nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc và đang diễn ra sôi nổi, chất lượng. SEA Games 31 thành công tốt đẹp, tiếp tục khẳng định và quảng bá hình ảnh đất nước, con người và nền thể thao Việt Nam. Các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao được triển khai sôi động, nhịp nhàng, hiệu quả.

Cũng trong tháng 5, Chính phủ tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng như: các dự án thua lỗ, các tổ chức tín dụng yếu kém, một số dự án đầu tư công kéo dài, chậm tiến độ từ nhiều năm. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 chính thức phát điện sau nhiều năm “đóng băng”.

“Chúng ta cũng tiếp tục xử lý một số vấn đề phát sinh trong bối cảnh mới như một số vấn đề liên quan thị trường vốn, lạm phát, tăng giá xăng dầu, tăng giá nguyên liệu đầu vào…”, Thủ tướng đánh giá.

Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, tình hình kinh tế-xã hội trên các lĩnh vực đều khởi sắc. Nông, lâm, ngư nghiệp, công nghiệp tăng trưởng tốt, dịch vụ du lịch khởi sắc nhanh.

Dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát. Mới nhất, Việt Nam tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng Chỉ số Phục hồi Covid-19 của Nikkei Asia, nhờ các kết quả kiểm soát dịch bệnh, bao phủ vaccine và mở cửa nền kinh tế.

Toàn cảnh cuộc họp - Ảnh: VGPToàn cảnh cuộc họp – Ảnh: VGP

Chính phủ đã ban hành 6 nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 4 quyết định để triển khai chương trình phục hồi và phát triển.

Theo Thủ tướng, chúng ta tiếp tục giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Công tác phòng, chống tham nhũng, việc điều tra, xử lý các vụ án được triển khai rất tích cực. Công tác đàm phán phân giới cắm mốc biên giới được đẩy mạnh. Đời sống nhân dân được cải thiện.

Tuy nhiên, đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Việc giải ngân đầu tư công cần cố gắng hơn. Cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn các thủ tục triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Một số vấn đề liên quan tới sách giáo khoa, thuốc chữa bệnh cần có giải pháp tích cực, hiệu quả hơn để đáp ứng mong muốn, yêu cầu của người dân.

Nguồn: https://vneconomy.vn/chinh-phu-hop-thuong-ky-thao-luan-nhieu-noi-dung-quan-trong.htm

[ad_2]