[ad_1]

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021, khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166km, quy mô từ 4 đến 6 làn xe.

Chính phủ dồn lực phát triển hạ tầng giao thông Đồng Bằng Sông Cửu Long, loạt ông lớn Vingroup, T&T, Novaland, Sovico, Đất Xanh…nhập cuộc sôi động

Hạ tầng giao thông chưa xứng tầm

ĐBSCL có khoảng 20 triệu dân, cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây và 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước…Mặc dù tiềm năng kinh tế được đánh giá cao, tuy nhiên hệ thống hạ tầng giao thông khu vực này lại chưa thực sự phát triển so với các khu vực khác trên cả nước.

Tính tới thời điểm hiện tại, khu vực ĐBSCL có hai tuyến cao tốc đã được đưa vào sử dụng. Đó là dự án cao tốc Tp.HCM – Trung Lương, đi qua tỉnh Tiền Giang – Long An.

Cao tốc này có tổng chiều dài 61,9 km, được khởi công từ tháng 12/2004. Sau 5 năm thi công, đến thời điểm tháng 2/2010, dự án được thông xe và đi vào khai thác.

021(1).jpg
Hạ tầng giao thông ĐBSCL phát triển chưa xứng tầm. Ảnh minh hoạ. 

Sau hơn 10 năm, trong khi nhiều tuyến cao tốc trên cả nước dần được triển khai và khánh thành, vào đầu năm 2021, miền Tây mới có dự án cao tốc thứ hai là cao tốc Lộ Tẻ – Rạch Sỏi kết nối hai địa phương Cần Thơ – Kiên Giang. Dự án được khởi công ngày 17/1/2016 và thông xe kỹ thuật vào ngày 15/10/2020. Tuyến này có chiều dài 51 km.

Đầu năm 2022, người dân thuộc khu vực ĐBSCL đón nhận thêm tin vui khi dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận dài 51km chính thức khánh thành sau 13 năm khởi công và nhiều lần phải tạm dừng vì nhiều lý do. Dự án có tổng mức đầu tư 12.668 tỷ đồng, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 3.400 tỷ đồng, vốn ngân sách hỗ trợ 2.186 tỷ đồng và 7.082 tỷ đồng vốn tín dụng của các ngân hàng cho vay.

Mới đây, trong chuyến công tác đầu xuân Quý Mão 2023 tại các tỉnh ĐBSCL, Thủ tướng chính phủ Phạm Minh Chính đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương để kiểm điểm, đôn đốc tiến độ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án đường bộ cao tốc khu vực này.

020(1).jpg

Thủ tướng nhấn mạnh, ĐBSCL là khu vực có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, chiến lược, là vùng đất rất trù phú, giàu tiềm năng, nhưng cũng là khu vực chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dành nguồn lực lớn cho loạt dự án trọng điểm

Thủ tướng cho biết, Chính phủ dành nguồn lực tương đối lớn cho hệ thống đường cao tốc và các loại hình giao thông khác tại ĐBSCL. Quyết tâm trong nhiệm kỳ này làm thay đổi hệ thống giao thông tại miền Tây, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng biển, đường thủy nội địa.

Theo kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL lên đến 86.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 14% so với cả nước, tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 5 năm trước.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trong giai đoạn 2026 – 2030, dự kiến sẽ tiếp tục triển khai đầu tư các tuyến cao tốc còn lại theo Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và quy hoạch được duyệt.

Cụ thể, Bộ GTVT đang tiến hành thi công cầu Mỹ Thuận 2 (dài 7 km, tổng mức đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng) và đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ (dài 23 km, 4 làn xe, tổng vốn đầu tư 4.826 tỷ đồng). Đây là hai công trình thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, kế hoạch sẽ hoàn thành vào năm 2030, nối thông đường cao tốc từ Tp.HCM về Cần Thơ.

100.jpg
Ảnh thiết kế:  Vũ Nhật 

Mới đây, Quốc hội cũng đã thông qua chủ trương tiếp tục đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 dài 729 km các đoạn đi qua miền Trung và từ Cần Thơ đến Cà Mau.

Trong đó, có 109 km cao tốc 4 làn xe đi qua các địa phương gồm Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Cụ thể, dự án thành phần đầu tiên là cao tốc Cần Thơ – Hậu Giang có chiều dài 37 km, tổng mức đầu tư 9.768 tỷ đồng. Dự án thứ hai là cao tốc Hậu Giang – Cà Mau có chiều dài 72 km, với tổng mức đầu tư 17.485 tỷ đồng.

Theo kế hoạch của Chính phủ, các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 nói chung và hai dự án thành phần đi qua khu vực ĐBSCL nói riêng sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025, một số hạng mục sẽ hoàn thành trong năm 2026.

Ngoài ra, khu vực miền Tây cũng có hai dự án đường cao tốc được Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ đầu tư từ nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Đó là, cao tốc An Hữu – Cao Lãnh dài 27,43km, 4 làn xe qua địa phận tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 6.054 tỷ đồng (đã bố trí 1.864 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025), dự kiến khởi công cuối năm 2023, hoàn thành cuối năm 2025.

Cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài 188,2km, tổng mức đầu tư khoảng 49.745 tỷ đồng (đã bố trí 14.247 tỷ đồng vốn ngân sách đầu tư công trung hạn 2021-2025).

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng theo hình thức đầu tư công của Ban quản lý dự án Mỹ Thuận mới trình Bộ GTVT, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 khoảng 44.306 tỷ đồng.

Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện dự án, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu phân chia thành 7 dự án thành phần. Nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự án dự kiến khởi công năm 2023 và hoàn thành năm 2025.

Bên cạnh những dự án trên, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ĐBSCL còn có thêm dự án cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu dài 212 km, gồm bốn làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h.

Dự án được chia thành hai đoạn tuyến gồm đoạn Hà Tiên – Rạch Giá và Rạch Giá – Bạc Liêu. Trong đó đoạn Hà Tiên – Rạch Giá dự kiến được đầu tư trước năm 2030 và đoạn còn lại sẽ được đầu tư sau năm 2030.

Ngoài ra, tuyến cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh cũng được đưa vào quy hoạch với chiều dài 188 km gồm bốn làn xe. Dự án được chia thành ba đoạn tuyến, gồm: đoạn Cửa khẩu Dinh Bà (Đồng Tháp) – Cao Lãnh; đoạn Cao Lãnh (Đồng Tháp) – An Hữu (Tiền Giang); đoạn An Hữu (Tiền Giang) – Trà Vinh.

Trong đó, đoạn Cao Lãnh (Đồng Tháp) – An Hữu (Tiền Giang) dự kiến được đầu tư trước năm 2030. Còn hai đoạn tuyến còn lại sẽ được đầu tư sau năm 2030.

Về đường thủy, ĐBSCL nâng cấp các tuyến kênh Mương Khai – Đốc Phủ Hiền, tuyến Hà Tiên – Rạch Giá – Cà Mau, tuyến sông Hàm Luông, tiếp tục kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa các cảng thủy nội địa theo quy hoạch được duyệt.

“Chúng ta tin tưởng ĐBSCL sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Việc thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông cũng giúp đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, một trong những động lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhấn mạnh: Vùng ĐBSCL thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Theo đó, Chính phủ cần tập trung ưu tiên sớm hoàn thiện và ban hành Quy hoạch phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phải xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng.

“Sân chơi mới” của các ông lớn bất động sản

Trong khi thị trường BĐS Phú Quốc (Kiên Giang), Long An đã nhộn nhịp từ lâu thì Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang…đang là sân chơi mới của các ông lớn BĐS. Động thái lấn sân này không phải ngẫu nhiên khi mà loạt hạ tầng giao thông trọng điểm nơi đây đang được dồn lực để phát triển.

Những năm gần đây, thị trường BĐS khu vực ĐBSCL chứng kiến sự đổ bộ của Vingroup, T&T, Novaland, Đất Xanh…

Trong đó, Cần Thơ đang thu hút nhiều sự quan tâm nhất. Từ đầu năm 2021 tới nay, hàng loạt “đại gia” BĐS đã đổ về đây tìm quỹ đất và phát triển dự án. Phải kể đến Tập đoàn T&T đề xuất nhiều dự án lớn tại đây như: Xây dựng khu đô thị nông nghiệp công nghệ cao theo mô hình thành phố công nghiệp với diện tích lên đến 7.500ha; Đầu tư Trung tâm công nghiệp tại quận Ô Môn với đề xuất đưa diện tích công nghiệp lên đến 2.300ha.

Hay, Tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo được UBND TP Cần Thơ chấp thuận cho tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đề xuất 2 dự án lớn là Khu Logistics và Công nghiệp Hàng không, sửa chữa tàu bay Cần Thơ quy mô khoảng 1.650ha và Khu đô thị du lịch sinh thái Phong Điền quy mô khoảng 1.000ha.

1nnn(1).jpg

Tập đoàn Hòa Phát cũng dồn lực phát triển mảng BĐS với đề xuất khảo sát, nghiên cứu 2 dự án ở Cần Thơ. Đó là Khu đô thị thương mại – dịch vụ quy mô hơn 88 ha tại quận Cái Răng và dự án Khu đô thị thương mại – dịch vụ 6,24 ha tại khu đất vàng – Trung tâm hội chợ – triển lãm hiện hữu thuộc quận trung tâm Ninh Kiều.

Trước đó, Cần Thơ đã thu hút được 2 “anh cả” làng bất động sản là Vingroup và Novaland với các dự án hàng chục ha.

Ngoài Cần Thơ, quỹ đất của các công ty địa ốc cũng đang có xu hướng dịch chuyển tới các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ khác. Chẳng hạn, Vingroup đã rót hàng chục tỷ đồng vào loạt dự án tại Kiên Giang, Vincom Plaza Cao Lãnh tại Đồng Tháp. Novaland đề xuất dự án Mekong Smart City tại Đồng Tháp và Long An, với kỳ vọng trở thành điểm đến thu hút du lịch tiểu vùng sông Mekong. Phát Đạt cũng cũng đề xuất đầu tư ba dự án khu công nghiệp 14.726 tỷ đồng tại Đồng Tháp, dự kiến khởi công vào năm 2024.

T&T Group trúng thầu dự án Khu đô thị mới nhóm 5 (TP Cà Mau) với diện tích gần 23 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.

Cũng tại Hậu Giang, Tập đoàn Đất Xanh được phê duyệt triển khai dự án Khu đô thị mới Mái Dầm với tổng diện tích quy hoạch dự kiến 96,79 ha, tổng mức đầu tư 4.000 tỷ đồng.

Theo số liệu của Sở Xây dựng tỉnh Hậu Giang, tính tới thời điểm năm 2021, toàn tỉnh có 62 dự án BĐS được tỉnh chấp thuận cho doanh nghiệp tiếp cận và phát triển. Có thể kể đến các tên tuổi như: Tập đoàn DIC, Tập đoàn Vingroup, TNR Holdings…

Như vậy có thể thấy, các “đại gia” BĐS đều đã nhận thấy tiềm năng tại khu vực ĐBSCL. Cuộc dịch chuyển quỹ đất hứa hẹn sẽ còn tiếp tục sôi động trong thời gian tới.

[ad_2]

Nguồn: https://markettimes.vn/chinh-phu-don-luc-phat-trien-ha-tang-giao-thong-dong-bang-song-cuu-long-loat-ong-lon-vingroup-t-t-novaland-sovico-dat-xanh-nhap-cuoc-soi-dong-15755.html