[ad_1]
Chiếc rương kính vụn – Câu chuyện là bài học sâu sắc thức tỉnh tất cả mọi người phải biết hiếu thảo, biết tôn kính cha mẹ, người đã dành cả cuộc đời để nuôi nấng, chăm sóc ta nên người.
Câu chuyện “Chiếc rương kính vụn”
Ngày xưa, có một người đàn ông góa vợ làm nghề khâu vá và sống trong một túp lều nhỏ. Dù cả đời làm việc chăm chỉ, thế nhưng về già ông cũng chẳng tích lũy được bao nhiêu. Càng ngày, đôi bàn tay của ông càng run rẩy, mắt thì kèm nhèm nên không sao khâu được thẳng thớm.
Ông lão có 3 người con trai, cả 3 người đều đã khôn lớn và có gia đình riêng cho mình. Người nào cũng bận rộn với công việc, cuộc sống riêng nên chẳng mấy quan tâm đến người cha già của mình. Mỗi tuần, họ chỉ ghé qua nhà ông lão một lần.
Ông lão ngày càng già yếu, thế nhưng số lần ghé thăm của các con ông cũng ngày một thưa thớt. Ông tự nhủ rằng: “Các con không còn muốn ở bên cạnh mình nữa, chắc chúng sợ mình sẽ là gánh nặng”, ông thức suốt mấy đêm, trằn trọc suy nghĩ và cuối cùng nảy ra một kế hoạch.
Sáng hôm sau, ông lão đến thăm người bạn làm nghề thợ mộc của mình về đề nghị bạn đóng cho mình một chiếc rương thật lớn. Kế đến, ông đến nhà một người thợ rèn rồi nhờ làm hộ một cái ổ khóa cũ kỹ. Cuối cùng, ông ghé đến chỗ người thợ làm nghề thổi thủy tinh và xin tất cả những mảnh kính vụn.
Sau đó, ông lão mang chiếc rương về nhà, bỏ đầy những mảnh thủy tinh vụn vào bên trong rồi khóa lại, đem đặt dưới bàn ăn. Một buổi tối nọ, cả ba người con trai đến nhà ông dùng bữa tối. Họ đụn phải chiếc rương dưới gầm bàn.
“Trong này có gì thế cha” – Họ cúi xuống xem xét
“Ồ, có gì đâu các con” – Người bố trả lời, đó chỉ là một ít tiền bố dành dụm được thôi.
Cả ba nghe thế liền nhìn nhau, rồi lắc chiếc rương xem nặng nhẹ thế nào thì nghe thấy trong rương tiếng kêu “lẻng xẻng” vang lên. “Chắc cha để dành được nhiều tiền lắm” – Cả ba nói thầm với nhau.
Sau bữa ăn, cả ba ngồi nói chuyện và thống nhất với nhau rằng họ cần phải canh chừng giai tài khổng lồ đó. Thế là, họ quyết định sẽ thay phiên nhau đến ở với cha mỗi ngày để vừa trông nom cả cha lẫn “chiếc rương kính vụn” đó.
Tuần đầu tiên, người con út dọn đến nhà ông lão, coi sóc mọi thứ và nấu ăn cho ông. Tuần thứ hai, đến lượt người con kế và tuần kế tiếp là người anh cả. Mọi chuyện cứ đều đặn diễn ra như thế cho đến ngày ông lão lâm bệnh nặng và qua đời. Họ đã tổ chức tang lễ cho ông lão một cách trịnh trọng, vì họ nghĩ rằng với gia tài kếch xù trong rương thì việc phung phí đôi chút cho đám tang không đáng là bao.
Khi hoàn thành xong mọi thủ tục ma chay thì cả ba anh em vội vã lục tìm chìa khóa để mở chiếc rương. Lúc cả ba đang háo hức thì chiếc rương mở ra. Họ kinh ngạt mở tròn mắt khi nhìn thấy bên trong chiếc rương toàn là kính vụn.
“Thật là một trò bịp đáng khinh, cha sao có thể đối xử như thế với con cái mình cơ chứ!” – Người anh cả hét lên
“Nhưng liệu cha còn có thể làm gì khác chứ? Chúng ta phải thành thật đối diện với chính mình, nếu không vì chiếc rương này có lẽ ba anh em mình chẳng ai thèm để ý đến cha” – Người con kế buồn bã đáp lại
“Em thấy hổ thẹn quá” – Người con út rơm rớm nước mắt – “Chính chúng ta đã ép bố hành xử như vậy, bởi vì chúng ta chẳng ai thèm nhớ đến lời dạy của bố thời thơ ấu cả”.
Nhưng người anh cả vẫn không tin, anh ta vẫn cố lục lọi chiếc rương kính vụn đó, xem có thứ gì giá trị nằm lẫn giữa đống thủy tinh này không. Cho đến khi đôi tay chảy máu thì anh ta vẫn không tìm được gì. Thế là cả ba cùng đổ tất cả thủy tinh bên trong ra ngoài.
Cả ba người im lặng nhìn vào chiếc rương kính vụn, nơi người cha đã khắc một dòng chữ dưới đáy rương “Hãy biết tôn kính cha mẹ của mình”.
Lời bình câu chuyện “Chiếc rương kính vụn”
Câu chuyện là bài học sâu sắc thức tỉnh tất cả mọi người phải biết hiếu thảo, biết tôn kính cha mẹ, người đã dành cả cuộc đời để nuôi nấng, chăm sóc ta nên người.
Đừng như ba anh em trên câu chuyện tôn kính, chăm sóc người cha già chỉ vì tài sản. Điều kiện duy nhất để chúng ta tôn kính cha mẹ là vì họ là cha mẹ của chúng ta, chỉ có vậy mà thôi.
Có những người con xem cha mẹ của mình là gánh nặng khi họ già yếu đi, anh em trong cùng một gia đình đùn đẩy trách nhiệm nuôi cha mẹ hết cho người này rồi đến người khác. Cha mẹ cả một đời vất vả vì con cái, chỉ mong lúc về già được an nhàn, sum họp bên con cháu, vậy mà những người con nỡ nhẫn tâm bỏ mặc cha mẹ trong sự cô đơn.
“Công cha nặng lắm ai ơi
Nghĩa mẹ bằng trời chín tháng cưu mang”
Một lần nữa chúng ta phải luôn tự nhắc nhở rằng, công lao, ơn nghĩa của cha mẹ là không gì có thể sánh nổi. Những người làm con phải luôn ghi nhớ công lao ấy và phải làm tròn trách nhiệm của mình đối với cha mẹ, đừng để khi cha mẹ mãi mãi không còn trên thế gian này nữa thì mọi sự báo đáp cũng đã muộn rồi.
[ad_2]