[ad_1]

Ngày 23.2, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức tọa đàm góp ý cho UBND TP.HCM trước khi tổ chức đấu giá lại đất Thủ Thiêm.

Chế tài mạnh hơn khi đấu giá lại đất Thủ Thiêm  - ảnh 1

Nhiều doanh nghiệp trúng đấu giá khu đất Thủ Thiêm xong lại hủy giao dịch, bỏ cọc

Ngọc dương

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, pháp luật liên quan đến việc đấu giá đất còn nhiều kẽ hở, từ đó để cho một số doanh nghiệp lợi dụng để thao túng. Thế nên, Nhà nước cần hoàn thiện các quy định luật pháp liên quan đến đấu giá đất. Những tài sản đem ra đấu giá như cây mai, bức tranh, bình cổ, căn nhà phải khác với tài sản là 10.000 m2 đất. Cơ quan chức năng cần đánh giá dự án nhà đầu tư để xét duyệt trước khi đấu giá, tránh tình trạng như ở Thủ Thiêm là một doanh nghiệp mới thành lập 2 tháng đã tham gia đấu giá.

Ông Châu nhấn mạnh: Vừa rồi Sở Tư pháp báo cáo và khẳng định TP.HCM làm đúng luật Đấu giá khi căn cứ điều 41 của luật này để tổ chức đấu giá đất ở Thủ Thiêm. Việc này không sai nhưng chưa đủ. Tại sao TP.HCM và các tỉnh đều lựa chọn điều 41? Phương thức này nên áp dụng cho tài sản đơn lẻ chứ không phải dành cho phát triển dự án.

Cục Thuế TP.HCM nhắc 2 doanh nghiệp trúng thầu đất Thủ Thiêm nộp tiền sử dụng đất

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên – Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam, cho rằng cuộc đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm không thành công thời gian qua là một bài học lớn và cần rút ra kinh nghiệm. Vấn đề quan trọng nhất là tiền ở đâu mà các nhà đầu tư tham gia đấu giá? Theo ông Nguyên, ai cũng hiểu thuận mua vừa bán. Mua được thì bán ra phải có lời, chẳng ai mua cái gì đó rồi bán ra lỗ vốn cả. Ngay cả người bán ve chai cũng tính toán mua đi bán lại có lời. Vậy các nhà đầu tư đưa ra giá khủng thì phải đi tìm mục đích của người đưa giá thật cao để làm gì? Chắc chắn là không thể để bán có lời. Mục đích của họ phải chăng là kích hoạt giá đất các nơi xung quanh và họ thu lời ở đó chứ không phải đất đấu giá ở Thủ Thiêm.

Cùng chung quan điểm, tiến sĩ Nguyễn Thanh Hải – Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam, phân tích: Việc tham gia đấu thầu với giá cao và sau đó bỏ cọc có thể là một kế hoạch đã được nhà đầu tư tính toán trước. Có những kẽ hở trong quy định như mức đặt cọc quá thấp, nếu bỏ cọc thì chỉ bị mất cọc thôi chứ chưa có hình thức chế tài nào khác. Chính vì vậy đã dẫn đến nhiều hệ lụy đối với thị trường bất động sản, đẩy giá đất cả nước lên cao để trục lợi. Nhà nước cần sửa đổi quy định để vá các lỗ hổng này, đừng để nhà đầu tư đưa cơ quan quản lý vào tình thế bất ngờ.

Tại buổi tọa đàm, đa số ý kiến của các nhà khoa học, nghiên cứu, các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản đồng ý với đề xuất phải sửa lại quy định tỷ lệ đặt cọc và phải bị phạt gấp đôi nếu hủy giao dịch theo thông lệ giao kết hợp đồng.

PGS-TS Lê Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu để báo cáo đề xuất tham mưu cho UBND TP.HCM trước khi tổ chức đấu giá lại khu đất Thủ Thiêm.

[ad_2]