[ad_1]

Để ngăn họa phân lô bán nền, chiêu lừa có dự án, quy hoạch để nâng giá đất, kiếm lợi bất lương, tỉnh Đắk Lắk đã phải đưa ra nhiều biện pháp cứng rắn.

Khắp nơi tại Buôn Ma Thuột xảy ra việc san gạt, tạo mặt bằng để phân lô bán nền. Một cá nhân múc đất, tạo mặt bằng bên đường vành đai TP Buôn Ma Thuột, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột. Quanh khu vực này, có hàng chục điểm đã làm đường rồi khoanh, phân lô đất nông nghiệp

Liên quan đến vụ lừa có dự án, quy hoạch để nâng giá đất, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra văn bản để chấn chỉnh, ngăn chặn.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ Online, ông Y Giang Gry Niê Knơng, phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho rằng tình trạng sang nhượng đất, xây dựng trái phép, phân lô, tách thửa không theo quy hoạch đã tạo ra các hệ lụy, tiêu cực như gây khó khăn trong quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch xây dựng, nông thôn mới.

Họa phân lô bán nền còn tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sang nhượng đất rồi sử dụng tiền không hiệu quả, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội…

Để ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng sốt đất, phân lô, bán nền, tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại và ban hành hệ số giá đất hằng năm cho phù hợp theo khu vực, tuyến đường, thực tế; chỉ đạo quản lý chặt chẽ công tác công chứng, giám sát giá mua – bán…

“Các địa phương chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư hiện hữu đã có kết cấu hạ tầng, giải quyết cho cá nhân hộ gia đình có nhu cầu nhà ở thực tế.

Quản lý chặt chẽ khu vực đất nông nghiệp đã được quy hoạch (hoặc dự kiến quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030). Việc chuyển mục đích sử dụng đất chỉ được thực hiện theo dự án được duyệt và theo quy định của pháp luật”, ông Y Giang Gry Niê Knơng chỉ đạo.

Đất nông nghiệp bị bà Hồ Thị Phương làm đường, có dấu hiệu phân lô, đẩy giá tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột

Nói thêm về vấn đề này, ông Trần Đình Nhuận, giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đắk Lắk, cho biết đơn vị này đã kiến nghị UBND tỉnh nghiên cứu, tăng hạn mức tách thửa đối với đất nông nghiệp ở thành phố lên 1.000m2, cấp huyện là 2.000m2 để ngăn chặn tình trạng tách nhỏ các thửa đất nông nghiệp để phân lô bán nền.

Bên cạnh đó, tỉnh yêu cầu Cục Thuế và các địa phương có giải pháp siết chặt việc thực hiện giá đất ghi trong hợp đồng, chứng thực sát với giá thị trường để tránh thất thu thuế thu nhập cá nhân, chặn giá ảo.

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo công an rà soát, xử lý nghiêm việc tung tin đồn, đẩy giá đất lên cao tạo sốt đất nhằm trục lợi bất hợp pháp, gây bất ổn cho thị trường.

Tại thôn 7, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột, hàng chục khu vực, các nhóm, công ty bất động sản đã ‘quy hoạch khu dân cư’ bằng cách tự mở đường, phân lô trên đất nông nghiệp

Công an sẽ xử lý nghiêm đối với tổ chức môi giới, mua bán bất động sản, cá nhân sử dụng file số dự thảo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 của các huyện, thị xã, thành phố để tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất lên cao để kiếm lợi bất lương.

Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, dịch vụ bất động sản (môi giới, tư vấn, hoạt động sàn giao dịch bất động sản…) trên địa bàn tỉnh.

Dù chưa có bất cứ phê duyệt nào, giới đầu cơ đã đồn thổi quanh hồ Ea Nhái (Krông Pắk, Đắk Lắk) đã triển khai sân golf, khu nghỉ dưỡng khiến giá đất ở đây bị đẩy lên nhiều lần

Rộn tin đồn cụm công nghiệp thành khu đô thị

Mới đây, trên các hội nhóm bất động sản tràn ngập thông tin việc Cụm công nghiệp Tân An (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) sẽ di dời, nhường chỗ cho dự án bất động sản.

Việc này bắt nguồn từ việc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk mới ban hành thông báo kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy tại buổi làm việc với Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland vào ngày 14-4.

Thông báo thể hiện, Ban thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk thống nhất về mặt chủ trương sẽ di dời Cụm công nghiệp Tân An ra khỏi trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột và đồng ý để doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai thực hiện các thủ tục để đưa vào quy hoạch chung của thành phố thành khu đô thị Đông Bắc Tân An.

Đất bên cạnh Cụm công nghiệp Tân An đã rầm rộ phân lô, rao bán

Thông tin này ngay lập tức trở thành ‘miếng bánh quết mật’ để các nhóm mua bán nhà đất ăn theo, quảng cáo bán nhà, đất dọc khu vực tỉnh lộ 8, gần cụm công nghiệp này.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy cho biết việc di dời cụm công nghiệp ra khỏi trung tâm mới chỉ là chủ trương chung. Hiện nay tỉnh và các huyện, thị, thành đang làm quy hoạch sử dụng đất 2021-2030, tầm nhìn 2045, chưa có thông tin chính thức.

“Thành phố Buôn Ma Thuột đang hướng đến là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, nên về lâu dài cần phải tính tới việc xem xét có phù hợp hay không khi để cụm công nghiệp ở giữa thành phố nữa hay không.

Nếu không phù hợp thì phải có quy hoạch và bước đi cụ thể để di dời và cũng sẽ cần lộ trình cụ thể là di dời đi đâu, khi nào?… Hơn nữa, quy hoạch đó cũng phải được Thủ tướng phê duyệt, chứ không thể mới có kết luận cuộc họp hôm nay, mai đã trở thành khu đô thị như đồn thổi”, vị này nói.

Hiện, trên tuyến tỉnh lộ 8 có 2 dự án bất động sản đang xây dựng nên giá đất các vùng phụ cận đã được đẩy lên. Khi thông tin cụm công nghiệp sẽ thành khu đô thị thì giá đất quanh khu vực này đã tăng thêm lên từ 200% đến 300%

Nguồn: https://cafeland.vn/tin-tuc/chan-tin-don-thoi-co-quy-hoach-de-nang-gia-dat-bat-luong-109069.html

[ad_2]