[ad_1]

Nằm tại ranh giới quận Cầu Giấy và quận Tây Hồ (Hà Nội), dự án Lilaha từng được mua lại bởi nhóm Hưng Ngân Group vào năm 2016. Đến năm 2018, Cenland chính thức sở hữu dự án này thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phần tại Lilaha.

Được xây tổ hợp văn phòng, khách sạn, nhà ở cao 36 tầng

 Dự án Lilaha nằm ở ranh giới quận Cầu Giấy và quận Tây Hồ. (Ảnh: Hoàng Huy).

Nằm ở chân cầu vượt Nguyễn Văn Huyên – Hoàng Quốc Việt, thuộc địa bàn phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội có một khu đất liên quan đến dự án do CTCP Đầu tư Lilaha làm chủ đầu tư, thời gian gần đây đang nhận được nhiều sự chú ý của dư luận.

Theo kế hoạch sử dụng đất hàng năm quận Tây Hồ, khu đất nói trên có diện tích 8.156 m2, chức năng là đất thương mại dịch vụ, được bố trí cho dự án Tổ hợp Văn phòng, Khách sạn, Trung tâm thương mại và Dịch vụ tại khu Cày Máy phường Xuân La, quận Tây Hồ và phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy.

Mặt tiền dự án tiếp giáp đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài ở phía tây; phía bắc giáp ranh giới Khu đô thị Tây Hồ Tây; phía nam giáp địa phận phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) và phía đông giáp khu dân cư hiện hữu. 

Dự án của Lilaha được UBND TP Hà Nội chấp thuận địa điểm nghiên cứu vào tháng 9/2010; điều chỉnh quy hoạch vào tháng 9/2017 và chấp thuận bản vẽ tổng mặt bằng kiến trúc 1/500 vào tháng 1/2018.

Theo quy hoạch, khu đất của Lilaha có ký hiệu D3-CCDT10 thuộc ô quy hoạch D3 trong quy hoạch phân khu đô thị H2-1. Trong đợt điều chỉnh quy hoạch tháng 9/2017, khu đất này có mật độ xây dựng tối đa 40%, tầng cao công trình 36 tầng (và 1 tầng mái), dân số tối đa 1.870 người, được phép xây băn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại dịch vụ và nhà ở.

Thông tin thêm về dự án, CTCP Đầu tư và Tư vấn Công nghệ Xây dựng Archivina (đơn vị tư vấn thiết kế xây dựng dự án Lilaha) cho biết, dự án Lilaha có tổng diện tích sàn 144.030 m2, gồm 33 tầng nổi và 4 tầng hầm. Tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng.

Từng thuộc sở hữu của Hưng Ngân Group

Về chủ đầu tư dự án, Lilaha được thành lập vào tháng 9/2007, hiện có trụ sở tại 19 Trúc Khê, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. Trước đây, Lilaha có ba cổ đông được công bố là bà Lê Thị Thanh Bình, ông Nguyễn Hữu Giáp và Chủ tịch HĐQT Lưu Hoàng Lan.

Đến tháng 9/2016, bà Lê Thị Thanh Bình và ông Nguyễn Hữu Giáp đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp và rút khỏi Lilaha. Trong khi đó, bà Lưu Hoàng Lan vẫn nắm giữ 20% cổ phần. Vốn điều lệ của Lilaha lúc này là 42 tỷ đồng.

Dù bên nhận chuyển nhượng vốn góp của bà Bình và ông Giáp không được công bố, song vị trí Chủ tịch HĐQT đã được chuyển giao từ bà Lan sang cho ông Nguyễn Đắc Điềm – người đồng thời là Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu tư Nhà và Thương mại Hưng Ngân (Hưng Ngân Group).

Cùng với đó, trụ sở Lilaha cũng được chuyển về 130 Tôn Đức Thắng, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội, trùng với trụ sở của Hưng Ngân Group. Đến tháng 5/2017, sự hiện diện của nhóm Hưng Ngân Group tại Lilaha lại càng rõ nét hơn, khi ông Nguyễn Đắc Hưng (Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc Hưng Ngân Group) trở thành Tổng Giám đốc tại Lilaha.

 Hưng Ngân Group được thành lập năm 2007, vốn điều lệ tính đến tháng 5/2018 hơn 1.476 tỷ đồng, trong đó ông Nguyễn Đắc Điềm nắm 96,82% và ông Nguyễn Đắc Hưng nắm 1,59%.

Theo giới thiệu, Hưng Ngân Group là chủ sở hữu Khu du lịch sinh thái Cửa Cạn (Phú Quốc, Kiên Giang), dự án Hưng Ngân Garden (quận 12, TP HCM) và KĐT dịch vụ phía Tây thị trấn Chờ (Bắc Ninh).

Tháng 11/2017, dàn lãnh đạo của Lilaha có thêm sự xuất hiện của ông Phạm Ngọc Quốc Cường với cương vị Tổng Giám đốc. 

Theo Kinh tế Đô thị, ông Cường được mời góp vốn vào Lilaha và cùng Hưng Ngân Group tham gia thực hiện dự án tại Xuân La. Các bên đã thống nhất chọn CTCP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận ủy thác quản lý cổ đông.

Tháng 3/2018, ông Cường trở thành Chủ tịch HĐQT Lilaha. Sau đó không lâu, vị trí Chủ tịch HĐQT Lilaha tiếp tục có sự thay đổi.

Về tay nhóm Cenland từ năm 2018

 Khu đất dự án Lilaha nhìn từ đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài. (Ảnh: Hoàng Huy).

Tháng 4/2018, ông Vương Văn Tường trở thành Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc, Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật của Lilaha. Trụ sở chính cũng được chuyển sang 19 Trúc Khê như hiện nay.

Những sự kiện này đã đánh dấu sự xuất hiện của một doanh nghiệp mới tại dự án Lilaha, đó là CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland, mã chứng khoán: CRE).

Đôi nét về ông Vương Văn Tường, ông sinh năm 1977, từng có thời gian lãnh đạo của CTCP Mai Linh Đông Đô, Tập đoàn Đầu tư IPA, CTCP Chứng khoán VNDirect, CTCP Đầu tư Thành Công. Giai đoạn 2016 đến nay, ông là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Đầu Tư Và Phát Triển Bất Động Sản Thế Kỷ (Cen Invest – thành viên Cen Group).

Ngoài ra, hiện ông Tường còn là Thành viên HĐQT CTCP Phát triển Nhà Bình Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Công. Tháng 3/2021, ông được bầu vào HĐQT của Cenland nhiệm kỳ 2018 – 2023.

Trở lại với Lilaha, vào tháng 11/2018, Cenland thông qua nhận chuyển nhượng cổ phần và sở hữu tối thiểu 50% vốn điều lệ của Lilaha. Báo cáo thường niên năm 2018 của Cenland cũng công bố việc nhận chuyển nhượng cổ phần tại Lilaha.

Ngày 17/12/2020, Cenland đã vay ngắn hạn 35 tỷ đồng từ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), lãi suất 5,1%/năm. Tài sản bảo đảm cho khoản vay này là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại khu đất dự án Lilaha. Khoản vay này đã được thể hiện trong báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020 của Cenland.

Đến ngày 28/12/2020, Công ty Chứng khoán SHS tuyên bố thanh lý hợp đồng ủy thác quản lý cổ đông mà ông Phạm Ngọc Quốc Cường và nhóm Hưng Ngân Group từng ký kết vào năm 2018.

Vài ngày sau, 31/12, Cenland đã công bố phát hành thành công lô trái phiếu 450 tỷ đồng với kỳ hạn 3 năm, lãi suất năm đầu là 10,5%/năm, các năm tiếp theo thả nổi không thấp hơn 10,5%/năm. Trong danh sách tài sản bảo đảm có cổ phần tại Công ty Lilaha. 

Ở một diễn biến khác, theo Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, bản thân Lilaha cũng đang thế chấp khu đất dự án cho khoản vay tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) từ tháng 1/2017.

Dự án có thể được triển khai năm nay, giúp Cenland mở rộng gấp đôi danh mục thứ cấp 

Khi sự hiện diện của Cenland tại dự án Lilaha đã rõ nét, các công ty chứng khoán cũng bắt đầu đưa ra những dự báo về tiềm năng của dự án này.

Cụ thể, trong một báo cáo hồi tháng 4/2021, Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết, Cenland đang theo đuổi 2 dự án lớn tiềm năng ở Hà Nội là dự án Lilaha và Tiến Bộ Plaza (quận Ba Đình), với tổng quy mô lần lượt là 0,9 ha và 3,2 ha.

Mặc dù tổng vốn đầu tư không được Cenland công bố cụ thể, song VNDirect ước tính 2 dự án này sẽ cần khoảng 8.000 – 10.000 tỷ đồng để đầu tư. Nếu chính thức được thêm vào kế hoạch kinh doanh, Cenland có thể sẽ nâng tổng mức đầu tư tại danh mục đầu tư thứ cấp tăng 210 – 240%.

Về phía Công ty Chứng khoán Agribank, đơn vị này cho biết dự án Lilaha cùng với Tiến Bộ Plaza là 2 dự án gối đầu của Cenland, dự kiến triển khai vào năm 2022. 

Theo ghi nhận của người viết, phần lớn diện tích khu đất dự án Lilaha hiện nay là đất trống đã giải phóng mặt bằng, chưa triển khai xây dựng. Trong khi đó, dự án Tiến Bộ Plaza đang được thi công.

[ad_2]

Nguồn: https://vietnammoi.vn/cenland-co-the-sap-trien-khai-du-an-2600-ty-canh-kdt-tay-ho-tay-sau-gan-4-nam-tang-gap-doi-danh-muc-thu-cap-202251016721645.htm