[ad_1]

Việc chỉ định thầu với 12 dự án cao tốc Bắc – Nam có quy mô lớn, vốn đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng cần bổ sung hàng loạt tiêu chí để đảm bảo trách nhiệm giải trình của các bên.

Chưa có tiền lệ

Trong nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Chính phủ cho phép Bộ trưởng GTVT và người có thẩm quyền được áp dụng hình thức chỉ định thầu.

Hình thức này được áp dụng trong hai năm 2022 và 2023 đối với các gói thầu tư vấn, di dời hạ tầng kỹ thuật, đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Quyết định chỉ định thầu dựa trên cơ sở đề xuất của Bộ trưởng GTVT và kết quả thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông có tổng mức đầu tư 146.990 tỉ đồng, dài 729km, chia thành 12 dự án thành phần trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) – Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau. Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư hồi đầu tháng 11/2021.

Bộ GTVT cho rằng, chỉ định thầu sẽ rút ngắn thời gian triển khai được 3-4 tháng để hoàn thành dự án đúng tiến độ trong giai đoạn 2021-2025.

Năm 2025, cơ bản hoàn thành cao tốc Bắc – Nam phía Đông

Đấu thầu là quá trình lựa chọn nhà thầu để ký kết và thực hiện hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp trên cơ sở bảo đảm tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế theo luật Đấu thầu 2013.

Như vậy, bản chất đấu thầu được thừa nhận như một sự cạnh tranh lành mạnh để chọn thực hiện dự án, công việc hay yêu cầu nào đó. Các thành phần tham dự sẽ tính toán kỹ lưỡng và tận dụng những lợi thế sẵn có như tổ chức quản lý sao cho hiệu quả, công nghệ, thiết bị, nhân công rồi đưa ra giá dự thầu thích hợp nhằm có cơ hội trúng thầu.

Ngoài ra, có thể đưa ra thêm các tiêu chí để được ưu tiên hơn như ngoài giá thành, đảm bảo chất lượng còn tăng thời gian bảo hành công trình, cam kết thi công vượt tiến độ.

Trong khi đó, chỉ định thầu là hình thức lựa chọn trực tiếp nhà thầu, về lý thuyết cũng đáp ứng yêu cầu của gói thầu để thương thảo và ký kết hợp đồng nhưng hầu như không có sự cạnh tranh, nguy cơ có thể dẫn đến mức giá không hợp lý. Điều rất dễ thấy trong các giao dịch hay đầu tư, kinh doanh, mua bán sẽ không bao giờ có giá thị trường trong bất cứ trường hợp chỉ định thầu nào mà chỉ có duy nhất 1 đơn vị, doanh nghiệp được tham gia.

Luật Đấu thầu 2013 (điểm a, khoản 1, điều 22) cũng quy định chỉ định thầu trong trường hợp “cấp bách” có nêu cụ thể mục đích nội dung cũng như tình huống áp dụng là: (1) Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; (2) Gói thầu cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; (3) Gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách…

Như vậy, lấy lý do “cấp bách” để chỉ định thầu 12 dự án cao tốc Bắc – Nam cho thấy quyết tâm rất lớn là phải hoàn thành công trình này trong thời gian thực hiện dự án mà Quốc hội đã giao trong nghị quyết 44/2022/QH15.

Tuy nhiên, cần lưu ý việc chỉ định thầu về lý thuyết rút ngắn thời gian thực hiện dự án nhưng xem ra không đáng kể so với những rủi ro, thiệt hại nếu chọn phải nhà thầu yếu kém. Đối với dự án còn vướng giải phóng mặt bằng, dù có nhà thầu vẫn chưa thể triển khai thi công ngay.

Minh bạch, sàng lọc nhà thầu yếu kém

Theo dự thảo nghị quyết, Bộ GTVT bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng cho các địa phương, cơ bản hoàn thành trước ngày 30/6. Đây mới chỉ là công tác bắt đầu giải tỏa, trải qua nhiều công đoạn, phức tạp, mất thời gian khá lâu.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội xin ý kiến về dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, Kiểm toán Nhà nước cho biết theo tờ trình của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án quy mô 4 làn xe là 146.990 tỉ đồng cho 729km – bình quân 175,4 tỉ đồng/km, không tính chi phí giải phóng mặt bằng.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, qua xem xét suất đầu tư các dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 2021-2025 là 130.605 tỉ đồng – giảm hơn 16.330 tỉ so với tờ trình của Chính phủ, tức bình quân 152,9 tỉ/km, không bao gồm giải phóng mặt bằng.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và các cơ quan liên quan rà soát kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư, tính khả thi của các dự án này.

Vì vậy, việc chỉ định thầu với 12 dự án cao tốc Bắc – Nam có quy mô lớn, vốn đầu tư hàng trăm ngàn tỉ đồng cần bổ sung hàng loạt tiêu chí để đảm bảo công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên.

Dư luận thường lo ngại, các dự án được chỉ định thầu dễ dẫn đến cơ chế xin – cho, khó chọn được đối tác có năng lực tốt nhất nên đi kèm với nhiều bất cập, rủi ro khá cao. Dự án càng lớn, nhiều bộ ngành và thành phần cùng tham gia đánh giá chỉ định thầu nhưng khi xảy ra vấn đề thì thường quy trách nhiệm tập thể, khó cho công tác giám sát và hậu kiểm.

Để đảm bảo cạnh tranh, công bằng, minh bạch, giá cả hợp lý… cơ quan quản lý cần đưa ra tiêu chí chỉ định cụ thể, công khai để người dân, các doanh nghiệp khác giám sát để sàng lọc nhà thầu yếu kém, thiếu năng lực. Công khai, minh bạch mới là cách lựa chọn nhà thầu có năng lực tốt nhất để đảm bảo tiến độ cũng như hiệu quả đầu tư, thành công cho dự án.

Cần xây dựng tiêu chí rõ ràng, tăng thời gian bảo hành sản phẩm, cụ thể hóa trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân có liên quan. Chế tài nghiêm các vi phạm, tuyệt đối không tạo điều kiện phát sinh đội vốn dự án bất hợp lý.

Hãy tạo thuận lợi bằng cơ chế cho dự án có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, quy trình cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu như đá, đất, cát phục vụ dự án. Cần một “nhạc trưởng” quản lý điều hành, phân công nhiệm vụ rõ ràng, khi xảy ra sự cố hay chậm trễ ở khâu nào, liền có người chịu trách nhiệm và phối hợp giải quyết.

[ad_2]