[ad_1]

Một người sống vui vẻ hạnh phúc hay không có quan hệ rất lớn với cảnh giới tâm linh của người ấy. Nếu nội tâm của một người là chân thành, thiện lương và khoan dung thì xung quanh người ấy cũng tràn ngập những tín tức tốt lành, tâm thái và hoàn cảnh sống của người ấy cũng nhất định là tốt đẹp. Nếu nội tâm của một người là xấu xa, tham lam và ích kỷ thì tự nhiên các nhân tố ác tính cũng liền theo đến. Đây chính là điều mà cổ nhân gọi là “cảnh do tâm sinh”.

Tuân Tử, nhà tư tưởng nổi danh thời cổ đại từng nói: “Tâm giả, hình chi quân dã, nhi thần minh chi chủ dã”, nghĩa là tâm là vua của mọi hình tướng, là chủ của thế giới tinh thần trong con người. Câu này còn có ý tứ rằng, vạn sự vạn vật bên ngoài đều là do tâm nhận thức phản ánh ra. Cái tâm thế nào thì sẽ chiêu mời điều ấy đến, tâm thiện sẽ chiêu mời điều thiện, tâm ác sẽ chiêu mời điều ác.

Trong Phật gia cũng giảng: “Vật tùy theo tâm mà chuyển, cảnh từ tâm mà tạo ra, hết thảy phiền não đều từ tâm mà sinh”. Tướng mệnh học cũng viết: “Có tâm mà không có tướng thì tướng sẽ theo tâm mà sinh ra. Có tướng mà không có tâm thì tướng sẽ theo tâm mà biến mất.” Tướng ở đây kỳ thực không chỉ là dung mạo bên ngoài của một người mà còn là hoàn cảnh sống của người ấy.

Trong “Kinh Lễ” lại viết: “Tâm là nơi chứa đựng hàng vạn suy tư”, đó là nơi xuất phát và tồn trữ những nghĩ suy, ưu tư, lo buồn của một người. Vì vậy hết thảy phiền muộn hay hạnh phúc của một người đều do chính tâm thái của người ấy quyết định. Hết thảy những thống khổ trong cuộc sống đều là do sự không thỏa mãn trong tâm mà sinh ra. Bởi thế mới xuất hiện một số người giàu có nhưng cả ngày đều là than thở, đăm chiêu ủ dột. Nhưng lại có một số người lấy khổ làm vui, sống ở trong cảnh nghèo khó mà vẫn cảm thấy an lạc.

Cảnh vật mà mọi người nhìn thấy là tốt hay xấu đều có quan hệ mật thiết với tâm tình của người ấy. Tình cảnh một người nhìn thấy hay cảm nhận thấy là thuận lợi hay khó khăn, là ưu hay khuyết cũng hoàn toàn là do tâm cảnh của người ấy quyết định. Đối mặt với cùng một loại hoàn cảnh, mỗi người khác nhau sẽ có tâm tình và cách lý giải khác nhau. Người thất ý bi quan, sẽ phát ra sự đau khổ và cảm giác mất mát. Nhưng đối với người lạc quan, họ lại sinh ra một loại cảm giác phấn chấn, hướng về phía trước.

Có một câu chuyện xưa kể rằng, một lần, một người nông phu nhìn thấy con chim đang bay trên trời cao liền chống cái cuốc rồi thở dài nói: “Nó sống thật là khổ! Suốt ngày bay lượn khắp nơi chỉ vì để tìm một miếng ăn!” Nhưng một cô gái ngồi bên cửa sổ, nhìn thấy con chim ấy lại thốt lên rằng: “Nó thật là hạnh phúc vì có một đôi cánh thật xinh đẹp, lại được bay lượn khắp nơi!”

Để tiêu trừ sự chán nản, sa sút trong tâm, cải thiện nội tâm, thì thiện lương là phương thuốc tốt nhất. Thiện lương cũng có thể giúp một người nhìn thấy được vẻ xinh đẹp của cuộc sống, nhìn thấy ánh sáng của hy vọng. Thiện lương còn là ánh mặt trời làm tan rã sự thất ý trong tâm linh, khiến niềm tin của người ấy tăng lên gấp nhiều lần.

Một người cao thượng có thể sống một cuộc sống rất bần cùng nhưng tinh thần của người ấy lại vĩnh viễn giàu có. Đó là bởi vì thiện tâm đã khiến cho sinh mệnh của người ấy trở nên tràn đầy và sung túc. Bởi vậy, hết thảy niềm khoái hoạt và hạnh phúc chân chính trong cuộc đời đều có nguồn gốc từ thiện tâm. Nó khiến người ta rời xa hết thảy những bi thương, phiền não. Chính bởi vì thế mà cổ nhân nói: “Hành thiện là vui sướng nhất”.

Cảnh do tâm sinh, khi trong lòng một người được khỏa lấp bởi sự khoan dung và từ bi thì tâm tình của người ấy tự nhiên sẽ yên tĩnh và tường hòa. Nhân sinh tốt đẹp chính là phiêu diêu, tự tại. Muốn đạt được cuộc đời ấy, cảnh giới ấy, hãy bắt đầu từ việc tu tốt tâm tính của bản thân mình.

An Hòa

Xem thêm

[ad_2]