[ad_1]

“Tàu buýt container với bến đỗ là Cảng quốc tế Long An” là mô hình mới được xây dựng đề án với hy vọng đưa Long An trở thành trung tâm logistics quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cảng quốc tế Long An hiện đã khai thác thành công trong việc đón các tàu chở thiết bị siêu trường, siêu trọng – Ảnh: VĨNH HẢO

Những ngày giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, Cảng quốc tế Long An ở xã Tân Tập (huyện Cần Giuộc, Long An) vẫn khẩn trương vừa xây dựng vừa khai thác để đáp ứng kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo là tiếp nhận tàu tải trọng lên đến 70.000 DWT.

Tổng số vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng

Theo ông Võ Quốc Thắng – chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group, cảng hiện nay đang tập trung triển khai xây dựng và chuẩn bị cho kế hoạch lắp đặt các thiết bị cẩu hiện đại, tiên tiến nhất nhập khẩu từ Nhật Bản, mục tiêu là sẽ hoàn thành vào năm 2023.

“Năm 2021, dù dịch bệnh phức tạp nhưng cảng vẫn hoạt động thông suốt, liên tục 24/24, đảm bảo không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Song song đó, chúng tôi thực hiện các thủ tục cho giai đoạn tiếp theo, quy hoạch mở rộng thành 8 bến cầu cảng và 1 cầu cảng chuyên dụng phục vụ khai thác hàng lỏng cùng với 3 bến phao neo đậu tàu”, ông Thắng chia sẻ.

Vị trí của cảng nằm trên sông Soài Rạp, ngay gần khu vực cửa các con sông Rạch Cát (còn gọi là sông Cần Giuộc) đi sâu vào phía nam Sài Gòn và cửa sông Vàm Cỏ. Từ thế kỷ 18, nhà Nguyễn đã xem đây là vị trí chiến lược tối quan trọng trong việc bảo vệ cả vùng đất Nam Bộ. Sự quan trọng về mặt địa lý sau đó được tiếp nối qua thế kỷ 20.

“Khi được nhiều chuyên gia tư vấn về vị trí thuận lợi này, hơn nữa là người con quê hương Cần Giuộc, tôi rất tâm huyết với dự án. Bên cạnh các bến cầu cảng còn có 4 bến sà lan, hệ thống nhà kho, kho ngoại quan, hệ thống bãi container… với tổng số vốn đầu tư hơn 10.000 tỉ đồng”, ông Thắng nói thêm.

Giảm tải nhiều cho giao thông đường bộ

Theo đề án này, các cảng sông nội địa trong khu vực sẽ trở thành các trạm “tàu buýt”, là “nhà chờ các tàu chở container” một cách đúng giờ, trật tự, kết nối liền lạc với nhau để vận chuyển hàng hóa trong các container tập trung về bến cuối là Cảng quốc tế Long An và từ đó tiếp tục lưu thông với quốc tế.

“Như chúng ta đi xe buýt vậy, chi phí cho các doanh nghiệp khi tham gia vào dịch vụ chung này sẽ giảm đi rất nhiều so với đường bộ. Bên cạnh đó còn có thể vận chuyển được các mặt hàng siêu trường, siêu trọng, quá khổ… mà đường bộ khó đáp ứng.

Nếu có khoảng 50 đến 100 bến tàu buýt container, giá trị về kinh tế và kích thích lưu thông hàng hóa ở cả miền Tây sẽ rất lớn, chưa kể còn giảm tải được rất nhiều áp lực cho giao thông đường bộ”, ông Thắng nói thêm về mô hình mới đang được thiết kế.

Ông Nguyễn Thành Thanh (trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An):

“Tàu buýt container” giúp nâng tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp

Cảng quốc tế Long An có sự đầu tư bài bản, đủ kích thước, đủ trang thiết bị hiện đại… Từ khi đi vào hoạt động đến nay đã đóng một vai trò hình ảnh rất lớn với diện mạo logistics chung của tỉnh Long An.

Các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, quốc lộ, đường cao tốc trên địa bàn tỉnh hiện đều có thể nối kết giao thông đến cảng một cách thuận lợi, từ đó các doanh nghiệp cũng hứng thú và dễ dàng chọn lựa hơn trong việc đầu tư vào tỉnh.

Trong tương lai, nếu đề án “tàu buýt container” đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ rất hữu ích, đóng góp lớn đến công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh, sớm nâng tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp.

[ad_2]