[ad_1]

Cần cái đầu lạnh khi thị trường nóng

Hiện tượng thiếu công nhân đã từng được dự báo khi hàng trăm ngàn người rời bỏ các khu công nghiệp, các thành phố lớn để về quê lánh dịch nay đã trở nên gay gắt. Báo chí đưa tin nhiều doanh nghiệp vì không đủ nhân lực nên đành tạm ngưng sản xuất, cho người đi lùng sục, tuyển dụng một đợt công nhân mới; nhiều doanh nghiệp khác giảm công suất vì thiếu chừng 30% nhân sự so với trước.

Mặc dù Nhà nước đã cố gắng hỗ trợ hết mình giúp người lao động trụ lại qua giai đoạn khó khăn nhưng người có thu nhập thấp không khỏi có những so sánh. Giả dụ có hai gia đình ở gần nhau, một bên mất việc làm nên nhận được trợ cấp 1 triệu đồng; bên kia vẫn duy trì được công việc ổn định thu nhập cao. Giả định tiếp nhà thứ nhì bỏ tiền ra mua ô tô sản xuất trong nước, ngay lập tức họ được hưởng chế độ giảm 50% thuế trước bạ, tính ra được lợi đến 50 triệu đồng. Chúng ta có thể thấy ngay nhà thứ nhất chỉ được trợ cấp bằng một phần mười thu nhập còn nhà thứ nhì hưởng mức ưu đãi có thể gấp đôi thu nhập.

Chính vì những so sánh như thế, nhiều công nhân hay nói chung người có thu nhập ở mức trung bình từ đồng lương hàng tháng không mặn mà làm việc, mà dễ bị lôi cuốn vào các “kế hoạch” làm giàu nhanh chóng. Từ việc tập tễnh chơi chứng khoán đến bị dụ dỗ vào các sàn mua bán ngoại tệ, tiền mã hóa, cá cược mượn danh đầu tư tài chính… Tạm thời không đề cập đến thị trường tiền mã hóa mà khảo sát nước ngoài nói Việt Nam đứng đầu về tỷ lệ người tham gia, chỉ nói riêng về thị trường chứng khoán, số lượng người mở tài khoản mới tăng vọt, chứng tỏ ngày càng có nhiều người xem đây là nơi để đầu tư làm giàu. Mười tháng đầu năm có hơn 1 triệu tài khoản chứng khoán cá nhân mới được mở, cao hơn cả bốn năm trước cộng lại.

Một mặt việc mở tài khoản trực tuyến dễ dàng, mua bán nhanh chóng qua ứng dụng trên điện thoại di động là một cách “dân chủ hóa” thị trường tài chính để ai cũng có quyền tham gia như nhau. Mặt khác, khi thị trường không được quản lý chặt chẽ; khi không có những kênh thông tin cảnh báo các rủi ro; khi nhà đầu tư nhỏ lẻ không được trang bị những kiến thức căn bản để cân nhắc giữa lợi nhuận và rủi ro, rất có thể những người có thu nhập bình thường, mới tham gia thị trường lại gánh chịu nhiều rủi ro hơn cả.

Một khi tiền từ các nhà đầu tư mới đổ dồn vào thị trường chắc chắn giá chứng khoán sẽ tăng, mức tăng sẽ không tương ứng với sức khỏe tài chính thật sự của doanh nghiệp. Hiện nay, vẫn có doanh nghiệp dù lỗ nhưng giá cổ phiếu liên tục tăng kịch trần; nhiều doanh nghiệp kinh doanh đình trệ vì dịch nhưng vẫn có lãi nhờ hoạt động đầu tư tài chính. Không thể nào lý giải hiện tượng giá cổ phiếu trong một thời gian ngắn lại tăng gấp 10-20 lần!

Tiền rót vào ắt hẳn đẩy thị trường vào chỗ hình thành các bong bóng về giá. Lúc đó rủi ro không còn là tiềm ẩn nữa; chỉ còn ai là nhà đầu tư vào sau cùng ôm lấy hậu quả khi bong bóng nổ. Những cảnh báo về các hiện tượng tăng giá bất thường, những xu hướng lôi kéo nhau thành nhóm để thổi giá, đánh giá xuống… vì thế là những cảnh báo rất cần thiết để làm nguội các đầu nóng trên thị trường hiện nay. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước trong bối cảnh này phải lấy tiêu chí bảo vệ nhà đầu tư làm ưu tiên hàng đầu nhưng cũng nhờ đó mà ngăn chặn rủi ro tách biệt nền kinh tế thật với giá cả chứng khoán.

Kinh tế Sài Gòn

[ad_2]