[ad_1]

(TN&MT) – Mới đây, chính quyền địa phương nơi tôi sinh sống đã cấp phép cho một doanh nghiệp thăm dò, khai thác khoáng sản tại địa phương.

Tuy nhiên, đơn vị này đang cắm mốc và thăm dò lấn vào đất trồng rừng sản xuất của gia đình tôi. Xin hỏi, gia đình tôi có thể trình báo việc này tới cơ quan nào? Doanh nghiệp trên có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có, họ sẽ bị xử phạt ra sao?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo quy định của Luật Khoáng sản 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành, tổ chức, cá nhân chỉ được thăm dò, khai thác khoáng sản khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Và việc thăm dò, khai thác phải tuân thủ đúng giấy phép được cấp.

Cắm mốc, thăm dò khoáng sản lấn chiếm đất rừng bị phạt như thế nào?

Ảnh minh họa

Việc doanh nghiệp được cấp phép thăm dò khai thác khoáng sản cắm mốc thăm dò lấn chiếm vào đất trồng rừng sản xuất của gia đình là hành vi trái pháp luật và sẽ bị xử lý theo đúng quy định tại Điều 32, Nghị định số 36/2020/NĐ-CP, cụ thể:

-Hành vi cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép thăm dò khoáng sản nhưng không đúng quy cách theo quy định hoặc đã cắm mốc nhưng không đầy đủ số lượng mốc các điểm khép góc khu vực được phép thăm dò khoáng sản sẽ bị phạt cảnh cáo.

– Hành vi không thực hiện việc cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh sẽ bị phạt từ 5 đến 10 triệu. Mức phạt đối với hành vi này sẽ tăng 20 hoặc 30 triệu đồng đối với giấy phép thăm dò do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp hoặc do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.

– Hành vi thăm dò khoáng sản ra ngoài ranh giới khu vực được phép thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh sẽ bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng. Mức phạt sẽ tang lên đên 150 triệu hoặc 300 triệu đối với trường hợp vi phạm giấy phép thăm dò do UBND tỉnh cấp hoặc Bộ Tài nguyên & Môi trường cấp.

Xin lưu ý, ngoài những mức phạt trên, tuỳ thuộc vào mức độ vi phạm và hậu quả gây ra, doanh nghiệp, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả như: Đình chỉ hoạt động thăm dò; Tịch thu mẫu vật là khoáng sản; Buộc san lấp các công trình thăm dò, phục hồi môi trường trong diện tích khu vực đã thăm dò vượt ra ngoài diện tích được phép thăm dò.

Ngoài ra, hành vi lấn chiếm đất rừng sản xuất để cắm mốc, thăm dò hoặc tiến hành thăm dò khoáng sản của doanh nghiệp trên còn bị xử lý theo đúng quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị định số 91/2019 với mức phạt từ 3 đến 150 triệu đồng nếu hành vi lấn chiếm từ 1ha rừng trở lên.

Cụ thể, quy định đó như sau: “Trường hợp lấn, chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn, thì hình thức và mức xử phạt như sau:

-Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,02 héc ta

– Phạt tiền từ 5 đến 7 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

– Phạt tiền từ 7 đến 15 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

– Phạt tiền từ 15 đến 40 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

– Phạt tiền từ 40 đến 60 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

-Phạt tiền từ 60 đến 150 triệu đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 1 héc ta trở lên”.

Để bảo vệ quyền lợi của gia đình mình, bạn có thể làm đơn tố cáo hành vi vi phạm của doanh nghiệp trên, sau đó, đơn tố cáo sẽ được gửi đến UBND cấp xã/huyện nơi có đất rừng bị lấn chiếm. Hoặc bạn có thể liên hệ với các đơn vị trên để được hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục tố cáo hành vi vi phạm.

Báo Tài nguyên & Môi trường

[ad_2]