[ad_1]

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu dần bước ra khỏi Covid-19, tình trạng lạm phát đang được ghi nhận tại nhiều nền kinh tế lớn, buộc nhà đầu tư phải cẩn trọng hơn với dòng vốn và tìm các kênh đầu tư bảo lưu tài sản.

Sức nóng toàn cầu

Giá cả hàng hóa “nóng lên” đang tạo ra áp lực lạm phát cho nền kinh tế toàn cầu. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của Mỹ tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, nhanh nhất trong vòng 40 năm qua.

Eurostat cho biết lạm phát tháng 11 tại 19 nước sử dụng đồng euro đã chạm 4,9%, cao nhất trong vòng 24 năm.

Tại châu Á, chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp (CGPI) tại Nhật Bản trong tháng 11 đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất từ năm 1981. Trong khi đó Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố CPI tháng 11 tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2020, cao nhất trong vòng 15 tháng gần đây.

Tại Việt Nam, chỉ số CPI bình quân 11 tháng 2021 hiện là 1,84% – mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, nhiều chuyên gia cho rằng, áp lực lạm phát sẽ tăng.

“Đà tăng của giá xăng dầu cùng một số mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm có thể trở thành tác nhân đẩy lạm phát lên cao, đòi hỏi phải có các giải pháp khống chế”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Bất động sản toàn cầu: mua vượt bán

Giá nhà tại nhiều thị trường đang cho thấy xu hướng tăng, xuất phát từ tốc độ lạm phát toàn cầu, kết hợp với nhu cầu bảo vệ tài sản của các nhà đầu tư trước những diễn biến kinh tế bất ổn.

Theo Knight Frank, tính đến Q3/2021 chỉ số giá nhà tại 56 quốc gia lãnh thổ trên toàn cầu đã tăng trung bình 9.4% theo năm, trong đó 48% các quốc gia, lãnh thổ đã tăng trên 10%.

Tại Việt Nam, trước các thông tin lạm phát toàn cầu, lượng giao dịch BĐS tại thị trường thứ cấp đã tăng mạnh, minh chứng là thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản tháng 10 tăng gấp đôi tháng 9.

Song song đó, thị trường sơ cấp cũng sôi động không kém. Báo cáo Q3/2021 của CBRE cho thấy mức hấp thụ căn hộ toàn thị trường TPHCM đạt 82% – cao hơn năm 2020. Tại Hà Nội, các dự án mở bán trong quý 3 cũng đạt tỷ lệ bán trung bình cao hơn tỷ lệ mở bán trung bình trong quý đầu tiên mở bán của năm 2019 và 2020.

Các chuyên gia cho rằng xu hướng tăng giá bất động sản Việt Nam đang xuất phát từ độ lệch cung cầu: nhu cầu đầu tư và mua để ở của khách hàng đều lớn, trong khi đó nguồn cung còn hạn chế, đặc biệt tại các vị trí trung tâm, đắc địa của thành phố.

Phân khúc tiêu điểm

Dự báo về diễn biến của thị trường bất động sản Việt Nam cuối năm 2021 và trong năm 2022, các chuyên gia điểm danh một số phân khúc đáng chú ý nhất.

Tâm lý khách hàng Việt Nam vẫn sẽ hướng đến các sản phẩm bất động sản gắn liền với đất, tuy vậy nguồn cung tại trung tâm Hà Nội và TP.HCM không còn nhiều, trong khi các thị trường trẻ hơn có thể còn tiềm ẩn rủi ro.

Chung cư vẫn là kênh có sự quan tâm ổn định, ghi nhận sự phục hồi tốt cuối năm 2021 và dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2022 khi nguồn cung dần được khai thông.

Một phân khúc mới, tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cũng rất đáng chú ý là bất động sản hàng hiệu. Theo CBRE Việt Nam, hai dự án bất động sản hàng hiệu đang nắm giữ kỷ lục giá bán cao nhất tại Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại: một dự án tại trung tâm thủ đô Hà Nội có giá chào bán từ khoảng 35.000 USD/m2 và một dự án tại trung tâm TP.HCM có giá chào bán từ khoảng 16.000 USD/m2.

Cả hai dự án này đón nhận được nhiều sự quan tâm của người mua trong nước và quốc tế với các sự kiện mở bán tại Hồng Kông, TP.HCM. Thậm chí, tất cả các căn hộ của dự án tại thủ đô Hà Nội cũng đã được công bố là đặt chỗ thành công trong lần mở bán đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam.

Dự án bất động sản hàng hiệu Grand Marina, Saigon tại trung tâm quận 1, TP.HCM

Tuy còn khá mới ở Việt Nam nhưng từ lâu trên thế giới bất động sản hàng hiệu đã được coi là kênh đầu tư tích sản bền vững, hay trong ngôn ngữ chuyên ngành là “đầu tư cốt lõi”.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam nhận định bất động sản hàng hiệu sở hữu nhiều yếu tố làm nên sự gia tăng bền vững của giá trị sản phẩm, trong đó có thể kể đến các yếu tố như vị trí, hướng nhìn, chất lượng sản phẩm và đơn vị quản lý.

“Các sản phẩm hàng hiệu khi bàn giao sẽ được quản lý bởi các đơn vị quản lý khách sạn 5 sao, là những thương hiệu có rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý bất động sản. Bất động sản được sự quản lý chuyên nghiệp như vậy sẽ luôn đảm bảo giá trị của các sản phẩm không bị mai một đi mà còn ngày càng tăng theo thời gian,” bà Dung nói thêm.

Sự bùng nổ của bất động sản toàn cầu được Knight Frank dự báo sẽ tiếp diễn trong năm 2022 (phụ thuộc diễn biến các biến chủng mới của Covid-19) và đó chính là động lực thúc đẩy luồng vốn đầu tư ở thời điểm này vào bất động sản, trong đó có cả những phân khúc kén khách như bất động sản hàng hiệu.

[ad_2]