[ad_1]

Các vấn đề đáng chú ý năm 2022

Không ai biết đại dịch sẽ diễn ra như thế nào và liệu những đợt tăng giá gần đây có phải chỉ là tạm thời hay không. Điều này có nghĩa là dự báo kinh tế thậm chí còn trở nên ít tin cậy hơn lúc bình thường. Tuy nhiên, một số xu hướng nhất định nên được theo dõi chặt chẽ hơn và một số chính sách cần có sự thay đổi bất kể điều gì xảy ra.

* Bài viết thể hiện quan điểm của JIM O’NEILL

Diễn biến khó lường của kinh tế toàn cầu

LONDON – Khi năm 2021 sắp kết thúc, trò chơi thường niên mang tên “dự đoán” rằng điều gì sẽ xảy ra trong 12 tháng tới sẽ lại bắt đầu. Tuy nhiên, khi nói đến năm 2022 (và tương lai xa hơn nữa), tôi không chắc liệu có nên giả vờ rằng tôi sẽ biết điều gì sẽ xảy ra hay không. Tôi không thể nhớ lại khoảng thời gian nào trong quá khứ mà lại nhận được nhiều câu hỏi về những vấn đề then chốt của nền kinh tế như hiện tại.

Sự bất ổn này, trong khi đó, lại đặc biệt hấp dẫn đối với thị trường tài chính. Tuy nhiên, nếu bất kỳ diễn biến nào trong một số vấn đề cần theo dõi có dấu hiệu đảo chiều tiêu cực, tác động đối với thị trường đã trải qua đợt tăng nóng vừa qua, có thể rất nghiêm trọng.

Trong số các vấn đề cấp bách và mang tính thời sự, ngoài nội dung về COVID-19, thì chủ đề đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng là lạm phát. Sự tăng giá của năm nay chỉ mang tính chất tạm thời hay chúng đại diện cho điều gì đó đáng lo ngại hơn? Câu trả lời của tôi là, “Tôi không biết”. Mặc dù tôi đã đề xuất vào thời điểm này vào năm ngoái rằng lạm phát sẽ trở thành một vấn đề đáng lo hơn là mức tăng trưởng GDP chậm lại, nhưng bây giờ, khi nhìn về năm 2022, tôi thực sự không chắc chắn lắm là điều gì có thể sẽ xảy ra.

Phần lớn áp lực lạm phát ngày nay vẫn có mối liên hệ đến tốc độ phục hồi ở nhiều nền kinh tế, và tất nhiên, phần nhiều trong đó còn do sự gián đoạn nguồn cung ứng kéo dài. Nhưng bản thân sự thiếu hụt nguồn cung có thể là bắt nguồn từ một vấn đề lớn hơn, chẳng hạn như kích thích kinh tế quá mức, chính sách tiền tệ không hiệu quả hoặc tăng trưởng năng suất chưa đạt yêu cầu. Các tác động từ những thay đổi trên đối với thị trường tài chính sẽ khá khác nhau, tùy thuộc yếu tố nào đang có tầm ảnh hưởng lớn và mức độ cụ thể như thế nào.

Nhiều câu hỏi quan trọng khác cho năm 2022 cũng liên quan đến lạm phát. Mục đích của chính sách tiền tệ trong nền kinh tế ngày nay là gì? Liệu chúng ta có nên lo lắng về mức nợ của Chính phủ, hay chúng ta đã phát hiện ra (bằng một cách thần kỳ nào đó) rằng chúng ta không bao giờ cần phải lo lắng về điều này? Tôi nói chung là người cởi mở, nhưng tôi hiện nay có một số lo ngại nhất định về những diễn biến gần đây.

Tác động từ các chính sách vĩ mô

Về chính sách tài khóa và ý tưởng rằng nỗi lo về nợ Chính phủ có thể sẽ dần trở thành hiện thực trong tương lai. Các sự kiện diễn ra trong giai đoạn 2020-2021 đã chứng minh rằng phần lớn lối suy nghĩ truyền thống đã sai. Quan trọng hơn cả là cách Chính phủ sử dụng khoản nợ đó dùng để làm gì. Nợ phát sinh để ngăn chặn sự sụp đổ trong hoạt động kinh tế hoàn toàn khác với nợ phát sinh chỉ để tài trợ cho chương trình nghị sự quá tham vọng của Chính phủ.

Về chính sách tiền tệ, rõ ràng ngay cả trước khi xảy ra đại dịch bùng phát, sự hào phóng quá mức của ngân hàng Trung ương sau sự kiện năm 2008 đã cho thấy sự thiếu hiệu quả của nó. Chúng ta đáng lẽ ra phải tự đứng trên đôi chân của mình, nghĩa là tỷ lệ lạm phát đã điều chỉnh lãi suất phải có sự liên quan nhất định tới tăng trưởng GDP tiềm năng.

Mặc dù trong ngắn hạn, chúng ta có thể đổ lỗi cho cú sốc mang tên COVID-19, sự kéo dài dai dẳng của chính sách tiền tệ siêu nới lỏng có vẻ đã bị lạm dụng. Theo quan điểm của Milton Fredman, những chính sách nới lỏng như thế này là yếu tố chính dẫn đến lạm phát tăng mạnh. Có một sự trùng hợp nhất định, sau khoảng thời gian dài phải vật lộn để đẩy tỷ lệ lạm phát ở mức cao hơn mục tiêu, thì thời gian qua các ngân hàng Trung ương đã đánh giá rằng lạm phát chỉ là tạm thời.

Trên thực tế, các nhà điều hành ngân hàng Trung ương cũng không biết rõ, giống như suy nghĩ của chính các bạn độc giả hoặc là tôi, về việc liệu lạm phát có kéo dài hay không. Nhưng ngay cả khi nó chỉ là nhất thời, thì lời biện minh cho một chính sách tiền tệ nới rộng ngày một thiếu tính thuyết phục. Rốt cuộc, bằng cách nới lỏng, các ngân hàng Trung ương đang góp phần làm gia tăng sự nghi ngờ rằng người hưởng lợi nhất trong nền kinh tế này chủ yếu dành cho những người có sở hữu tài sản.

Một yếu tố cốt lõi trong cuộc tranh luận hiện nay là các câu hỏi xoay quanh vấn đề tăng trưởng năng suất. Đây là nỗi thất vọng lớn của hầu hết các nền kinh tế phát triển trong suốt nhiều năm. Liệu rằng động lực tạo ra từ đại dịch có thể thay đổi hành vi và khuyến khích đổi mới, qua đó giúp cải thiện mức tăng trưởng năng suất như mong muốn? Tôi khá lạc quan về quan điểm trên, do vậy tôi không ủng hộ tiếp tục kích thích nền kinh tế qua chính sách tiền tệ nới lỏng. Nhưng, nếu xét đến yếu tố mức tăng trưởng năng suất đã không cho thấy sự cải thiện gì trong cả thập kỷ vừa qua, không thể nói là tôi tự tin hoàn toàn vào hướng đi đó. Cũng như mọi khi, nhà hoạch định chính sách vẫn luôn mong muốn gia tăng năng suất của nền kinh tế. Chúng ta cùng hy vọng rằng bây giờ họ sẽ tiếp cận với một thái độ nghiêm túc hơn so với những gì đã làm trong quá khứ.

Như thể những thách thức và ẩn số này chưa đủ phức tạp, thì cũng có một danh sách dài các vấn đề vĩ mô cần xem xét. Liệu nền kinh tế ngày càng đóng vai trò quan trọng của Trung Quốc có thể hội nhập tốt hơn vào nền kinh tế toàn cầu hay không, vẫn còn cần phải quan sát thêm. Sau cùng, chúng ta sẽ phải phụ thuộc vào cách đại dịch sẽ biến đổi theo chiều hướng nào vào những năm tiếp theo. Omicron sẽ nhanh chóng trở thành biến thể thống trị trên thế giới hay nó sẽ bị thay thế bởi một biến thể khác?

Các vấn đề xã hội khác cũng không kém phần quan trọng

Ngoài ra, những mối đe dọa lớn khác như đại dịch tiềm tàng đến từ sự kháng thuốc kháng sinh hay những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu thì sao? Có thể thấy rằng, các cử tri lớn tuổi và có thu nhập hạn chế sẽ không thể chịu được diễn biến giá năng lượng liên tục tăng cao, ngay cả khi những thay đổi đó là cần thiết để chuyển sang năng lượng xanh. Cũng giống như những đề nghị của tôi trước đó, nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải có những suy nghĩ có tính sáng tạo về cách đương đầu với những vấn đề trên.

Không dừng lại ở đó, một vấn đề lớn khác là tình trạng nghèo đói trên toàn cầu. Tình trạng này đã gia tăng mạnh mẽ trở lại trong hai năm qua. Loại bỏ tai họa này có khi còn khó khăn hơn nhiều so với việc chuyển đổi sang năng lượng thay thế.

Sự không chắc chắn về tương lai đang hiện diện trên khía cạnh thương mại thế giới. Không giống như giai đoạn 2008-2010, khi nhóm G20 tỏ ra rất hiệu quả. Gần đây, gần như không có tiến triển nào đáng kể đối với lĩnh vực hợp tác kinh tế toàn cầu trong giai đoạn 2020-2021. Chúng ta hãy hy vọng rằng năm 2022 sẽ mang đến một sự cải tiến lớn trên mặt trận này.

Giới thiệu tác giả JIM O’NEILL

Jim O’neill có bằng Cử nhân và Thạc sĩ kinh tế tại Đại học Sheffield và bằng Tiến sĩ tại Đại học Surrey. Ông cũng có bằng danh dự của Đại học London, cho hoạt động từ thiện giáo dục của mình và Đại học Sheffield để ghi nhận những đóng góp của ông trong lĩnh vực kinh tế quốc tế.

Từ năm 1995 đến năm 2013, Jim O’Neill làm việc cho Goldman Sachs với chức vụ Kinh tế trưởng. Ông chủ trì Ủy ban Tăng trưởng Thành phố ở Vương quốc Anh cho đến tháng 10/2014. Ông cũng từng đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ tài chính của Vương quốc Anh.

Jim là Chủ tịch danh dự ngành Kinh tế tại Đại học Manchester. Ông là một trong những nhà sáng lập của Tổ chức từ thiện giáo dục Vương Quốc Anh, SHINE và nằm trong hội đồng quản trị của “Teach for All” và một số tổ chức từ thiện khác chuyên về giáo dục.

Nguồn: Project Syndicate

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

[ad_2]