[ad_1]

Phiên họp đặc biệt sẽ thảo luận về một hiệp ước chung trong đó đề ra cách xử lý cuộc khủng hoảng y tế tiếp theo – điều mà giới chuyên gia lo ngại chỉ là vấn đề thời gian.

Các nước mở cuộc họp đặc biệt tìm kiếm hiệp ước về đại dịch

Một Vệ binh Quốc gia Mỹ đang dựng lều cho bệnh nhân COVID-19 ở bên ngoài một bệnh viện ở Kentucky hồi tháng 10. Ảnh: AFP

Phiên họp đặc biệt kéo dài 3 ngày (29/11 – 1/12) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva diễn ra trong bối cảnh thế giới vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, sau gần hai năm phát hiện các ca mắc đầu tiên.

Trước tình hình COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 5 triệu người và khiến nền kinh tế – xã hội toàn cầu rơi vào cảnh hỗn loạn, giới chuyên môn kêu gọi thiết lập các hệ thống phòng thủ quốc tế mới đủ mạnh để ngăn chặn thảm họa lặp lại.

“Chúng ta sẽ chứng kiến thêm đại dịch trong tương lai. Chỉ còn là vấn đề thời gian”, ông Jaouad Mahjour, trợ lý phụ trách công tác chuẩn bị khẩn cấp của Tổng Giám đốc WHO, phát biểu với phóng viên.

Đại hội đồng Y tế Thế giới – cơ quan nắm quyền ra quyết định của WHO bao gồm tất cả 194 quốc gia thành viên – đang tổ chức một phiên họp đặc biệt chưa từng có để xem xét việc xây dựng một hiệp định mới về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.

Theo hãng thông tấn AFP, cuộc họp này nên kết thúc bằng một nghị quyết định hình cho chặng đường phía trước. Kết quả mong muốn – cho dù là một hiệp ước hay một hình thực khác – sẽ đi vào chiều sâu sau này, có khả năng hiệu quả đến năm 2024.

Tuy vậy, các quốc gia đã chuẩn bị đến đâu trong việc đồng ý các điều khoản ràng buộc chuẩn bị sẵn sàng cho đợt bùng phát tiếp theo, trong khi những hệ thống hiệu quả để dập tắt nó vẫn là điều chưa chắc chắn.

Trông chờ sự đổi mới

Ông Jaouad Mahjour cho biết các Quy định Y tế Quốc tế hiện tại không được thiết kế để xử lý những đại dịch ở quy mô lớn như COVID-19, hay đảm bảo sự công bằng và tính sẵn sàng. Thật vậy, cụm từ “đại dịch” thậm chí không xuất hiện trong các văn bản hiện nay.

Mặc dù có hiệu lực nhanh hơn, phạm vi những điều có thể được thực hiện thông qua các quy định lại hẹp hơn nhiều so với một hiệp ước.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus muốn đạt được một hiệp ước cụ thể để không phải lặp lại chu kỳ “lơ là và hoảng sợ” đáng tiếc như từng thấy tại nhiều quốc gia như thời điểm virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện.

Các nước mở cuộc họp đặc biệt tìm kiếm hiệp ước về đại dịch

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP

“Sự hỗn loạn liên quan đến COVID-19 đang diễn ra nhấn mạnh lý do tại sao thế giới cần một thỏa thuận toàn cầu vững chắc để thiết lập các quy tắc chống đại dịch”, ông Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh ngày 24/11.

Trong đó, Mỹ được cho là ít quan tâm đến hiệp ước chống dịch, thay vào đó là tập trung vào việc thống nhất các quy định có tác động nhanh chóng.

Tuy nhiên, hơn 70 quốc gia cho đến nay đang ủng hộ theo đuổi một hiệp ước. Bộ trưởng Y tế của 32 nước trong số đó – trong đó có Anh, Chile, Đức, Italy, Kenya, Hàn Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ – đã khẳng định sự nhất trí trong một bài báo chung. Họ cho rằng hiệp ước chính là đề xuất quan trọng duy nhất có thể đảm bảo về cách ứng phó toàn cầu chung, nhanh chóng, hiệu quả và công bằng đối với các đợt bùng phát trong tương lai. “Chúng ta không thể chờ cuộc khủng hoảng tiếp theo xảy đến rồi mới hành động”, họ viết.

Đảm bảo quyền tiếp cận công bằng với vaccine phòng ngừa, xét nghiệm và phương pháp điều trị là một vấn đề quan trọng của phiên họp đặc biệt đối với nhiều quốc gia châu Phi đang thiếu vũ khí chống dịch.

Một nhà ngoại giao châu Âu nói: “Dù làm gì đi nữa, chúng tôi cần một cam kết ở cấp chính trị cao nhất trong tương lai. Chúng tôi cần một công cụ ràng buộc pháp lý để cấu trúc điều này. Nó quá quan trọng”.

Ông Steve Solomon, Giám đốc pháp lý của WHO, khẳng định có lý do chính đáng để tin rằng họ có thể tìm thấy một lối đi chung phía trước.

Các nước mở cuộc họp đặc biệt tìm kiếm hiệp ước về đại dịch

Tiếp cận công bằng với vaccine là một vấn đề then chốt đối với nhiều quốc gia châu Phi để chống lại đại dịch hiện nay. Ảnh: AFP

“Hãy triển khai nhanh chóng”

Ủy ban Độc lập về Chuẩn bị và Ứng phó với Đại dịch, được triệu tập để đánh giá những thất bại trong khi ứng phó với COVID-19, đã công bố những phát hiện và đưa ra khuyến nghị hồi tháng 5. Cơ quan này đề xuất thiết lập một công ước khung của WHO. Theo định dạng đó, phần lớn hiệp ước có thể được thỏa thuận nhanh chóng và các yếu tố sau đó có thể được thêm vào theo thời gian.

Đồng Chủ tịch Ủy ban trên, bà Helen Clark, cựu Thủ tướng New Zealand, khẳng định vấn đề này không cần thiết phải bàn tính lâu dài, thay vào đó hãy nhanh chóng triển khai nó.

Sau phiên họp Hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 74 vào tháng 5, một nhóm làm việc đã được thành lập để tìm kiếm những điểm chung trước phiên họp đặc biệt. Nhóm này đang chạy đua để hoàn thành một dự thảo nghị quyết để đem ra tranh luận tại phiên họp vào tuần tới.

Ông Jaouad Mahjour cho biết các khuyến nghị đưa ra cho cuộc tranh luận thường chia thành bốn loại: công bằng; quản trị và lãnh đạo; tài trợ ở cấp quốc gia và quốc tế; và những hệ thống và công cụ để ứng phó với các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Ông nói: “Chúng ta đang ở trong tình huống cấp bách bởi vì thế giới không thể để xảy ra một đại dịch khác mà không được chuẩn bị sẵn sàng”.

[ad_2]