[ad_1]

Nhà sáng lập của các công ty công nghệ hàng đầu như Twitter, Amazon, Microsoft… đang dần rút lui, nhường chỗ cho thế hệ trẻ hơn.

Chỉ riêng tuần này, người đồng sáng lập Twitter Jack Dorsey đã từ chức CEO và chuyển giao trọng trách cho nhân vật trẻ hơn là Parag Agrawal. Marc Benioff, đồng sáng lập kiêm CEO của Salesforce – một trong những công ty phần mềm lớn nhất thế giới – cũng chia sẻ quyền lực khi bổ nhiệm Bret Taylor ngang cấp với mình.

Jack Dorsey. Ảnh: AP

Jack Dorsey. Ảnh: AP

Trong một thập kỷ gần đây, làn sóng từ chức của những người sáng lập trong các công ty công nghệ diễn ra ngày một nhiều.

Từ tháng 7, Jeff Bezos chính thức trao vị trí CEO Amazon cho Andy Jassy để tập trung cho các sứ mệnh khác, gồm công ty hàng không vũ trụ Blue Origin và các công việc từ thiện.

“Ông lớn” công nghệ Trung Quốc ByteDance – công ty mẹ của TikTok – cũng chia tay người sáng lập. Trong thông báo vào tháng 5, Zhang Yiming cho biết đã từ chức CEO với lý do “lo lắng về việc công ty phụ thuộc quá nhiều vào những ý tưởng có từ khi thành lập”. Đầu tháng 11, Bloomberg đưa tin Yiming cũng đã rời ghế chủ tịch và người thay ông là Liang Rubo cùng đội ngũ quản trị mới với 5 thành viên.

Trong khi đó, tỷ phú Bill Gates đã giữ vai trò CEO từ khi thành lập Microsoft năm 1975 và từ chức vào năm 2000. Tuy nhiên, ông vẫn đóng vai trò quan trọng tại công ty trong suốt nhiều năm, trước khi chính thức rời khỏi hội đồng quản trị vào tháng 3/2020. Hiện tại, Microsoft được điều hành bởi Satya Nadella với vai trò Chủ tịch kiêm CEO.

Tương tự, Jack Ma, người tạo ra Alibaba vào năm 2013, thôi chức Giám đốc điều hành vào năm 2019. Lúc đó, ông vẫn nắm quyền lực đáng kể trong công ty. Dù vậy, khi Ant Group không thể IPO do bất đồng với chính phủ Trung Quốc, ông chọn cách rút lui.

Trước đó, vào tháng 9/2018, hai nhà đồng sáng lập Instagram là Kevin Systrom và Mike Krieger thông báo từ chức và rời công ty. Hành động này được cho là xảy ra sau những bất đồng lớn của cả hai với Facebook và Mark Zuckerberg.

Kevin Systrom (phải) và Mike Krieger. Ảnh: Reuters

Kevin Systrom (phải) và Mike Krieger. Ảnh: Reuters

Tháng 8/2015, Larry Page và Sergey Brin, cùng sáng lập Google, chuyển sang vai trò giám sát tập đoàn Alphabet. Người được chọn cho vị trí CEO Google là Sundar Pichai. Đến năm 2019, Pichai cũng tiếp quản vị trí CEO Alphabet.

Riêng Apple là một trường hợp đặc biệt. Năm 2009, Steve Jobs, đồng sáng lập Apple, rời vị trí lãnh đạo để đi chữa bệnh và quay lại vào 2011. Cùng năm này, ông mất và người kế nhiệm là Tim Cook. Gần đây, Cook cũng chia sẻ ý định rút khỏi vai trò điều hành Apple trong một thập kỷ nữa.

Ngược lại, Mark Zuckerberg, đồng sáng lập Facebook, hiện vẫn kiểm soát hoàn toàn công ty Meta và chưa có ý định chuyển giao bớt quyền lực. Ngoài ra, một số nhà sáng lập khác cũng vẫn điều hành công ty là Jensen Huang của Nvidia, Ma Huateng của Tencent hay Evan Spiegel của Snapchat.

“Rõ ràng, các công ty công nghệ vẫn tồn tại và phát triển mạnh mà không cần đến người sáng lập. Microsoft và Apple – hai công ty đại chúng có giá trị nhất trên thế giới – là minh chứng”, The Verge bình luận.

Bảo Lâm (theo The Verge)

[ad_2]