Nợ xấu nội bảng tăng và thu nhập lãi thuần khó cải thiện là các yếu tố khiến việc đạt kế hoạch năm 2022 của các ngân hàng gặp thách thức….

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong báo cáo vừa phát hành về ngàng ngân hàng, FiinGroup cho biết, trong quý 1/2022, lợi nhuận sau thuế của 27 ngân hàng niêm yết tăng 51% so với quý trước và 31% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh so với mức tăng tổng thu nhập hoạt động do chi phí dự phòng rủi ro giảm 26% và chi phí hoạt động giảm 8,1% so với quý 4/2021. Tuy nhiên, nếu loại trừ khoản 5.558 tỷ đồng của VPB, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng trưởng 35,7% so với quý trước và 17,7% so với cùng kỳ.

Cụ thể về các chỉ tiêu, kết thúc quý 1/2022, tín dụng của 27 ngân hàng niêm yết tăng 6,6%, cao gấp đôi tốc độ tăng trưởng của cùng kỳ năm trước, trong đó cho vay khách hàng tăng trưởng 6,4% và trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng 13,8%. Nguyên nhân là do nhiều ngân hàng lớn đã gần chạm room tín dụng.

Tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại phụ thuộc vào mức độ nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước cần cân đối tăng trưởng tín dụng với kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng trong các quý còn lại khó có thể đạt tốc độ cao như quý 1/2022.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,42% (chưa bao gồm các khoản nợ tái cơ cấu do Covid-19). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể tiếp tục tăng lên khi các ngân hàng chuyển dần các khoản nợ tái cơ cấu về đúng nhóm nợ, đặc biệt khi thời hạn tái cơ cấu nợ của Thông tư số 14/2021/TT-NHNN là 30/6/2022 đang tới gần. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2021, trong trường hợp đánh giá một cách thận trọng, tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC và các khoản nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, nợ tái cơ cấu do Covid-19) ở mức cao là 6,31%.

Tỷ lệ dự phòng nợ xấu tiếp tục tăng so với quý 4/2021 và ở mức cao kỷ lục 150%, phần nào cho thấy mức độ số liệu nợ xấu nội bảng chưa phản ánh chất lượng nợ.

Trong thời kỳ trước Covid-19, tỷ lệ dự phòng nợ xấu trung bình chỉ luôn ở mức trên 80%. Áp lực nợ xấu tăng lên không đáng lo ngại với những ngân hàng đã chủ động trích lập dự phòng với dự phòng rủi ro cao, và các ngân hàng đã trích lập 100% nợ tái cơ cấu sẽ còn có cơ hội hoàn nhập dự phòng. Tuy nhiên, với những ngân hàng có dự phòng rủi ro thấp và chưa trích lập đủ, đây sẽ là áp lực.

Kết quả kinh doanh của các ngân hàng niêm yết
Kết quả kinh doanh của các ngân hàng niêm yết

Hiện tại theo thống kê của FiinGroup, 26/27 ngân hàng niêm yết đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 33% trong năm 2022. Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ gặp nhiều thách thức để đạt được mục tiêu này bởi 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, thu nhập lãi thuần khó tăng mạnh khi yếu tố hỗ trợ tăng NIM (cắt giảm hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, điều chỉnh lãi vay) sẽ cân bằng với việc tăng COF (các yếu tố hỗ trợ giảm COF khác đã không còn nhiều dư địa cải thiện, tăng lãi suất huy động để đáp ứng nhu cầu tín dụng cùng xu hướng tăng theo FED và các ngân hàng trung ương), trong khi tín dụng các quý sau khó có thể giữ mức cao như quý 1 do khả năng hạn chế room tín dụng. Mặt khác, thu nhập phí khó tăng trưởng đủ cao để bù đắp cho tăng trưởng thu nhập lãi thuần.

Thứ hai, nợ xấu nội bảng sẽ tiếp tục tăng lên khi hết thời hạn cơ cấu nợ vào 30/6/2022 theo Thông tư số 14/2021/TT-NHNN. Ngoài các ngân hàng đã trích lập sớm, áp lực trích lập sẽ tăng lên với các ngân hàng còn lại. Hơn nữa, những rủi ro tiềm ẩn với nợ xấu khi thị trường trái phiếu gặp khó khăn cũng là yếu tố cần theo dõi do khả năng vỡ nợ chéo.

Thứ ba, một yếu tố khác cần theo dõi là sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản. Theo phân tích của FiinGroup, ngành bất động sản đang gặp nhiều trở ngại trong hiện tại và tương lai, điều này sẽ tạo thêm thách thức với tăng trưởng lợi nhuận và chất lượng nợ của các ngân hàng.

Trên thị trường chứng khoán, mặc dù mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 2022  thách thức nhưng sau đợt điều chỉnh mạnh, FiinGroup cho rằng, định giá ngành ngân hàng đã trở nên hấp dẫn hơn (1,7x), thấp hơn mức trung bình 5 năm (2x).

Một số ngân hàng đáng chú ý với kế hoạch tăng trưởng cao có định giá hiện tại đã về xấp xỉ giá trị sổ sách (STB, LPB, SHB), trong đó STB và LPB có tỷ lệ dự phòng rủi ro tương đối cao, giúp các ngân hàng hạn chế việc tăng chi phí dự phòng trong năm nay. Tuy nhiên, cần lưu ý là các ngân hàng này mức độ rủi ro cao hơn và chất lượng tài sản thấp hơn so với một số ngân hàng như ACB, MBB, TCB.

Nguồn: https://vneconomy.vn/cac-ngan-hang-dang-gap-nhieu-thach-thuc-de-hoan-thanh-ke-hoach-nam-2022.htm



Dự án xem nhiều:

Có thể bạn sẽ quan tâm: