[ad_1]

Thời gian qua, nhờ nguồn tín dụng từ các tổ chức tín dụng, nhiều doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình tại Thanh Hoá đã có thể vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19…

Các ngân hàng cam kết cấp khoản tín dụng 21.055 tỷ đồng cho doanh nghiệp tại Thanh Hoá

Ngày 1/4/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng trên địa bàn phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tại hội nghị, các ngân hàng cam đã kết cấp tín dụng lên tới 21.055 tỷ đồng cho các dự án của doanh nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa. Qua đó khẳng định các tổ chức tín dụng luôn ưu tiên nguồn vốn cho các chương trình dự án kinh tế trọng điểm của địa phương này.

Trước đó, theo số liệu được ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng tại Thanh Hoá luôn đạt mức tăng trưởng tốt, bình quân tăng trưởng giai đoạn 2016-2020 đạt 16,31% và năm 2021 tăng 16,45% (cao hơn mức tăng chung của toàn quốc là 13,61%).

Ngoài ra, tín dụng chính sách trên địa bàn cũng đạt 10.790 tỷ đồng, chiếm 6,83% dư nợ tín dụng, quy mô đứng thứ 2 trong hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bên cạnh đó, tính đến 28/2/2022, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 3.118 khách hàng với giá trị nợ được cơ cấu là 4.378 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 288.329 khách hàng với giá trị nợ được miễn, giảm lãi vay là 87.478 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn cho khách hàng là 388 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5-2,5%/năm).

Cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi cho 9.149 khách hàng, với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến ngày 28/02/2022 là 68.082 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã cho 696 lao động vay vốn với số tiền trên 52 tỷ đồng và giải ngân cho người sử dụng lao động vay trên 5,5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Nhờ các nguồn tín dụng trên, nhiều doanh nghiệp cũng như các hộ gia đình đã có thể tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn sau dịch bệnh Covid-19.

Điển hình, bà Lương Thị Tuyết, một hộ kinh doanh cá thể tại Thanh Hóa, cho biết là hộ nuôi tôm, nuôi ngao, hiện bà đang vay Agribank 17 tỷ đồng và được ngân hàng hỗ trợ hồ sơ, tư vấn phương án kinh doanh nên doanh thu đạt 47 tỷ đồng/năm và lợi nhuận 2,5 tỷ đồng trở lên.

“Tôi được Agribank giảm lãi suất, vay mới lãi suất ưu đãi nên hiện tại việc kinh doanh của gia đình đã trở lại ổn định”, bà Tuyết nói.

Tương tự, đại diện Hợp tác xã Trung Nghĩa, Hà Trung, ông Hoàng Kim Chung, Giám đốc cho biết, hợp tác xã nhiều năm nay được vay vốn nhanh chóng, thuận lợi mang lại doanh thu 50 tỷ đồng/năm. Theo đó, kiến nghị các tổ chức tín dụng tiếp tục cho hợp tác xã tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để sản xuất kinh doanh sau dịch và Ngân hàng Nhà nước có cơ chế đặc thù cho các hợp tác xã.

Còn ông Cao Việt Tâm, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp Sầm Sơn, cho biết thời gian qua gần như 100% doanh nghiệp không có doanh thu, đặc biệt, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ vô cùng khó khăn. Nhiều ngân hàng đã triển khai sớm nhất các chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng các doanh nghiệp mong muốn các ngân duy trì hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục các chính sách thiết thực như khoanh nợ, giãn nợ, giảm bớt thủ tục cho vay.

“Để hỗ trợ phát triển lâu dài đề nghị sớm ban hành các chính sách theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội: Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội”, ông Tâm nói.

Đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt, triển khai sớm các giải pháp đồng bộ của ngành ngân hàng đã trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Đỗ Trọng Hưng, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hoá đồng nhận định thêm, việc thực hiện các chính sách khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đã hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp.

Theo đó, ông Hưng cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước một số nội dung về việc ban hành Luật xử lý nợ xấu, điều chỉnh sửa đổi một số Thông tư trong lĩnh vực ngân hàng cho phù hợp với tình hình thực tế. Cho phép kéo dài thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi, phí cho khách hàng tại Thông tư số 14/2021/TT-NHNN đến ngày 30/6/2023 để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, đã có trao đổi, chia sẻ về kết quả, khó khăn của các đơn vị và các ý kiến đề xuất, kiến nghị đã được giải đáp. Đối với những kiến nghị vượt thẩm quyền được Ngân hàng Nhà nước ghi nhận để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý.

Đồng thời, để góp phần thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, sớm đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, Thống đốc cũng trực tiếp giao nhiệm vụ cho các tổ chức tín dụng và chi nhánh các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cũng như các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn: https://vneconomy.vn/cac-ngan-hang-cam-ket-cap-khoan-tin-dung-21-055-ty-dong-cho-doanh-nghiep-tai-thanh-hoa.htm

[ad_2]