[ad_1]

Với tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán hiện nay, Bộ trưởng Tài chính yêu cầu các cơ quan quản lý có giải pháp để tránh lặp lại hiện tượng nghẽn lệnh.

Yêu cầu này được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nêu ra tại buổi Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2022, sáng 4/1.

Theo Bộ trưởng, năm qua, thị trường chứng khoán đã ghi nhận thành công lớn trong việc xử lý được hiện tượng nghẽn lệnh trên sàn HoSE. Qua 100 ngày đúng kế hoạch, vấn đề nghẽn lệnh đã được khắc phục kịp thời, triệt để. Tuy nhiên, với tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường hiện nay, Bộ trưởng lưu ý về khả năng hiện tượng này trở lại.

“Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và Sở giao dịch TP HCM cần chủ động, có giải pháp đón đầu để hệ thống giao dịch của thị trường không bị xảy ra hiện tượng nghẽn lệnh, đảm bảo các điều kiện giao dịch tốt nhất cho nhà đầu tư”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu yêu cầu.

Trước đó, sự gia tăng của lớp nhà đầu tư mới, sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán, cùng tình trạng mua bán chênh lệch giữa thị trường phái sinh và cơ sở khiến số lượng lệnh và thanh khoản thị trường tăng đột biến từ cuối năm 2020, vượt quá khả năng xử lý của hệ thống HoSE.

Đây là hệ thống đã được sử dụng từ những ngày đầu thị trường đi vào hoạt động cách đây 20 năm. Tới đầu tháng 7/2021, hệ thống giao dịch mới do Tập đoàn FPT cung cấp được vận hành, thay thế hệ thống cũ của HoSE, tình hình nghẽn lệnh mới được khắc phục.

Bộ trưởng đánh giá, 2021 là một năm nhiều thử thách do tác động từ đại dịch và sự khó khăn của nền kinh tế thế giới nhưng VN-Index vẫn tăng gần 36% so với cuối năm 2020, đạt 1.498,28 điểm khi đóng cửa phiên cuối năm. Thanh khoản trung bình gấp 2,6 lần so với năm trước đó, đạt 26.600 tỷ đồng mỗi phiên. Đặc biệt trong tháng 9, thị trường liên tục có những phiên ghi nhận thanh khoản vượt 1 tỷ USD, thậm chí có những phiên vượt 2 tỷ USD.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt hơn 7,7 triệu tỷ đồng, tăng gần 468% và đạt 123% so với GDP 2020, gần 93% so với GDP ước tính năm 2021. Số tài khoản mở mới đạt trên 1,5 triệu, bằng tổng số tài khoản mở mới 4 năm trước cộng lại.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2022. Ảnh: HNX

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tại Lễ đánh cồng khai trương phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên của năm 2022. Ảnh: HNX

Huy động vốn trên thị trường chứng khoán cũng là vấn đề được người đứng đầu ngành tài chính lưu ý.

Năm 2021, huy động vốn tăng 25%, đặc biệt phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 155.000 tỷ đồng, tăng 2,3 lần. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, đối với các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhưng không có tài sản bảo đảm vẫn đang có những lỗ hổng cần bịt lại.

“Doanh nghiệp thua lỗ, nợ xấu, tiềm lực tài chính không có mà vẫn phát hành thì không được. Do vậy, đây là yêu cầu phải hoàn thiện pháp luật”, Bộ trưởng chia sẻ thêm.

Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn gặp những thách thức đến từ đại dịch, nguy cơ lạm phát cao, nền kinh tế thế giới còn khó khăn và chịu sự biến động thất thường. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải luôn đổi mới, chủ động các giải pháp để đạt được các mục tiêu.

Bộ trưởng yêu cầu ngành chứng khoán tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, từ cập nhật các quy định mới đến chiến lược, đảm bảo cho thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, đúng đắn.

Cùng với đó, Bộ trưởng cũng chỉ đạo, trong năm nay phải tập trung xây dựng hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chuyên biệt. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm, trục lợi trên thị trường chứng khoán.

Minh Sơn

[ad_2]