[ad_1]

Qua đó tăng cường công tác quản lý đất đai và xử lý nghiêm các dự án vi phạm. Đồng thời giải quyết dứt điểm những điểm nghẽn để đưa đất vào sử dụng, phát huy tối đa nguồn lực của tài nguyên này trong việc phục vụ phát triển kinh tế – xã hội…

Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Bộ Tài nguyên & Môi trường vừa có công văn số 7352 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc xử lý các dự án, công trình sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai.

Theo đó, thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý các dự án vi phạm pháp luật đất đai; các dự án không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa gây lãng phí đất đai, bức xúc trong dư luận xã hội, nhằm giải quyết dứt điểm những trường hợp vướng mắc để đưa đất vào sử dụng, phát huy nguồn lực đất đai phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Tài nguyên & Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo một số nội dung liên quan.

Cụ thể, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố báo cáo danh sách các dự án, công trình vi phạm pháp luật đất đai còn vướng mắc, chưa xử lý; các dự án, công trình không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, gây lãng phí đất đai trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, báo cáo danh sách các dự án, công trình có kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kết luận của cơ quan kiểm tra Đảng đến nay còn vướng mắc, khó khăn chưa giải quyết để đưa đất vào sử dụng.

Bên cạnh đó, tổng hợp, phân tích, phân loại các vi phạm, đánh giá cụ thể từng trường hợp vi phạm (loại vi phạm, hình thức vi phạm), vướng mắc khó khăn trong thực hiện, nguyên nhân và kiến nghị những giải pháp cần tháo gỡ đối với các dự án, công trình nêu trên.

Được biết từ 2013 đến năm 2020, toàn ngành Thanh tra đã thực hiện 6.028 cuộc, qua thanh tra phát hiện vi phạm 2.127,6 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 67.011,5 ha đất. Riêng Thanh tra Chính phủ thực hiện 46 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm 79.968,84 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi 25.351,6 ha đất.

Qua thanh tra cho thấy, công tác quản lý đất đai còn buông lỏng để xảy ra nhiều thiếu sót, vi phạm như: quy hoạch sử dụng đất thiếu tính khả thi, không đồng bộ; việc giao, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; lấn chiếm đất công để sử dụng; chuyển nhượng trái phép; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu tiền sử dụng đất không đúng quy định.

Tình hình đơn thư khiếu nại, tố cáo, tranh chấp, vi phạm pháp luật về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ cao trên 60% trong tổng số đơn khiếu nại, tố cáo nói chung, chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế xã hội, xây dựng chợ, trung tâm thương mại; đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai…

Các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài vẫn còn diễn biến phức tạp, tồn đọng nhiều vụ việc chưa được giải quyết hoặc đã giải quyết nhưng chưa dứt điểm. Nội dung chủ yếu khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; khiếu nại đòi lại đất cũ đã qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn…

Ngoài ra, những năm gần đây xuất hiện một số lĩnh vực mới phát sinh khiếu nại liên quan đến đất đai như: cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi tài sản công, cải tạo chung cư cũ, quy hoạch đất ở nhưng không thành đơn vị ở…

[ad_2]