[ad_1]

Sau gần 6 năm thực thi Luật Kế toán 2015, Bộ Tài chính nhìn nhận số lượng doanh nghiệp dịch vụ kế toán đăng ký hoạt động kinh doanh có quy mô nhỏ và phát sinh nhiều sai phạm như không tuân thủ quy định về quản lý tài chính, kế toán, “xào nấu” báo cáo tài chính để che giấu tình hình tài chính ở nhiều đơn vị…

Tính đến hết năm 2021 có 153 doanh nghiệp dịch vụ kế toán đăng ký hoạt động kinh doanh, tăng 3% so với năm 2020. 
Tính đến hết năm 2021 có 153 doanh nghiệp dịch vụ kế toán đăng ký hoạt động kinh doanh, tăng 3% so với năm 2020. 

Trong dự thảo báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Kế toán 2015 từ năm 2017 đến nay, Bộ Tài chính, đánh giá việc ban hành Luật Kế toán 2015 và các văn bản hướng dẫn trong gần 6 năm qua đã tạo cơ sở pháp lý để kế toán thực hiện vai trò là công cụ quản lý kinh tế quan trọng và chức năng tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế – tài chính – ngân sách phục vụ cho việc điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp.

Từ đó, góp phần thực hiện thành công các giải pháp chủ yếu về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội theo Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và các Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Với mục tiêu hội nhập kinh tế nói chung và lĩnh vực kế toán nói riêng, quy định của Luật Kế toán 2015 về cơ bản được quy định tương đối đầy đủ, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành và phát triển các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán.

Kể từ khi triển khai Luật Kế toán, thị trường dịch vụ kế toán Việt Nam đạt những kết quả đáng ghi nhận, từng bước đáp ứng yêu cầu thực tiễn của nền kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, theo bộ này, do mới bắt đầu thực hiện nên số lượng doanh nghiệp dịch vụ kế toán đăng ký hoạt động kinh doanh còn hạn chế về nghiệp vụ và quy mô còn khá nhỏ. Năm 2018 có 91 doanh nghiệp tăng 12,8% so với năm 2017; năm 2021 có 153 doanh nghiệp, tăng 3% so với năm 2020. 

Mặc dù doanh nghiệp thành lập mới tăng qua từng năm nhưng số lượng khách hàng mới chỉ đạt con số 10.970 khách hàng trong năm 2020, tăng 48% so với năm 2019.

Về nguồn nhân lực kế toán, Bộ Tài chính nhìn nhận đội ngũ kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề có trình độ chuyên môn, có đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp tốt.

Đối với nhân lực kế toán trong khu vực nhà nước, ngoài việc đáp ứng các tiêu chí chung trong lĩnh vực kế toán còn phải nắm vững các quy định về cơ chế tài chính đặc thù trong lĩnh vực tài chính công, các quy định về quản lý ngân sách nhà nước trong nước, các nguồn vốn cho vay, viện trợ, đầu tư công….

Số lượng người có chứng chỉ kế toán viên cho đến thời điểm tháng 12/2021 là 1.091 người, trong đó, có 419 người đang làm việc trong các doanh nghiệp dịch vụ kế toán, chiếm 38% số người có chứng chỉ kế toán viên.

 

“Một số đơn vị kế toán muốn có báo cáo tài chính “đẹp” để thực hiện các mục đích khác nhau. Do đó, không ít đơn vị đã cố tình vi phạm các quy định của chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán khi lập và trình bày báo cáo tài chính, dẫn đến báo cáo tài chính không phản ánh đúng tình hình tài chính của đơn vị, với thông tin không trung thực hoặc bị che giấu”

Báo cáo của Bộ Tài chính

Tuy nhiên, Bộ Tài chính chỉ rõ ý thức trách nhiệm, ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị, của thủ trưởng các đơn vị kế toán, những người làm công tác kế toán ở các đơn vị chưa nghiêm, dẫn đến các hành vi không tuân thủ quy định về quản lý tài chính, kế toán, xảy ra các sai phạm cần phải xử lý.

“Các sai sót có thể phát sinh từ những nguyên nhân chủ quan, khách quan, việc thể hiện trách nhiệm đối với công tác kế toán dẫn đến chất lượng báo cáo tài chính chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí có những sai sót từ các lý do chủ quan của bản thân đơn vị kế toán và người đứng đầu đơn vị kế toán”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Trong bối cảnh các quy định pháp luật có liên quan thay đổi và phát sinh hàng loạt vướng mắc khác khi thực thi Luật Kế toán 2015, Bộ Tài chính cho rằng cần rà soát, nghiên cứu luật này, để đảm bảo quy định thống nhất, đồng bộ về giấy phép hành nghề, kinh doanh dịch vụ kế toán theo hướng đảm bảo sự tương đồng về yêu cầu, thủ tục, nghĩa vụ… của đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán…

Theo đó, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế phù hợp với đặc thù của lĩnh vực hoạt động nhằm tăng cường năng lực hoạt động của cơ quan quản lý, giám sát về kế toán. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát hoạt động kế toán tại các doanh nghiệp, đơn vị kế toán và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán.

Cùng với đó, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý phù hợp, đảm bảo việc tuân thủ pháp luật của các đơn vị kế toán và các đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán nhằm nâng cao chất lượng báo cáo tài chính và dịch vụ kế toán…

Nguồn: https://vneconomy.vn/bo-tai-chinh-chuan-bi-manh-tay-quan-chat-hoat-dong-ke-toan-manh-tay-voi-chieu-tro-xao-nau-bao-cao-tai-chinh.htm

[ad_2]