[ad_1]

(TN&MT) – Trước tình trạng mua bán, sang nhượng đất ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước diễn ra phức tạp trong thời gian qua. Đáng chú ý, xuất hiện tình trạng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đồng bào dân tộc thiểu số để lừa đảo mua bán, sang nhượng đất ở, đất sản xuất.

Điều này, đã ảnh hưởng rất lớn tình hình an ninh trật tự cũng như công tác quản lý đất đai của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các sở ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận

Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Phước, việc mua bán sang nhượng đất đai trong vùng đồng bào thiểu số thời gian qua đã gây nên nhiều hệ luỵ đối với công tác quản lý đất đai cũng như tác động không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Trước tình hình trên, ngày 21/7/2022, UBND tỉnh đã ban hành công văn số 1858/UBND-KGVX về việc tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý đất đai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, UBND tỉnh Bình Phước giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng vay lãi nặng, lừa đảo cầm cố đất, bán đất vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

1.jpg
Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước trao đổi và tuyên truyền cho người dân tộc thiểu số không nên bán đất sản xuất.

Ngoài ra, các đơn vị triển khai, thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ được giao trong chương trình hành động số 275/CTr-UBND ngày 11/11/2020 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 01/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu chỉ đạo, có giải pháp phù hợp, khả thi để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các đối tượng được giao đất, cho thuê đất do Nhà nước hỗ trợ từ các chương trình, chính sách những năm trước và đất sau quy hoạch 3 loại rừng.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước, cùng với việc thực hiện đồng bộ các giải phải siết chặt theo quy định của pháp luật trong công tác quản lý nhà nước đối với đất đai vùng đồng bào thiểu số thì việc tuyên truyền cho người đồng bào cũng hết sức quan trọng. Hiện tại, giao cho Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các địa phương cùng phối hợp với các già làng, người có uy tín trong đồng bào cần được phát huy để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, nắm rõ quy định, góp phần giảm thiểu tình trạng người dân tộc thiểu số bị lừa đảo trong lĩnh vực đất đai. UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các đơn vị, địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai. Đồng thời thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình mua bán, sang nhượng đất ở, đất sản xuất liên quan đến người dân tộc thiểu số vùng dân tộc thiểu số.

Công khai quy hoạch sử dụng đất

Nhằm giúp người dân nắm bắt được kế hoạch triển khai các dự án hoặc biết rõ hơn về kế hoạch sử dụng đất tại nơi họ sống. UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu các địa phương cần công bố công khai quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch sử dụng đất hàng năm để nhân dân biết và thực hiện; tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của UBND cấp xã và người sử dụng đất; tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai.

2.jpg

Nhiều khu vực tại tỉnh Bình Phước xuất hiện tình trạng mở đường chia tách thửa đất nông nghiệp bán tại một số khu vực có người dân tộc thiểu số sinh sống

Trước đó, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã ban hành Công văn số 2001 ngày 28/6/2021 về việc tiếp tục thực hiện biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng vay lãi nặng, lừa đảo cầm cố đất, bán đất vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.Tỉnh này yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục quán triệt, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nội dung trong công văn trên và Chương trình hành động số 275 ngày 11/11/2020 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 22 ngày 1/3/2020 của Chính phủ về ổn định dân di cư tự do và quản lý sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Ngoài ra, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quá trình giải quyết thủ tục, hồ sơ; xử lý nghiêm cán bộ có hành vi vi phạm trong thực hiện giải quyết thủ tục hành chính về đất đai.

Theo ông Lý Trọng Nhân – Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Phước, toàn tỉnh có đến 40 DTTS, bằng 19,67% dân số của tỉnh. Sự đa dạng này cũng tạo ra những thách thức lớn trong thực hiện chính sách dân tộc, để bảo đảm tất cả các dân tộc đều phát triển. Trong giai đoạn 2016 – 2020, từ nguồn lực của Trung ương và địa phương, Bình Phước đã đầu tư hơn 600 tỷ đồng phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS. Sự đầu tư này đến nay đã mang lại hiệu quả rõ rệt, từng bước làm thay đổi không chỉ diện mạo của những vùng đồng bào DTTS mà còn làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của bà con. Riêng đối với với công tác quản lý đất đai cũng gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, với quyết tâm của tỉnh cùng sự đồng lòng hưởng ứng của bà con nên mọi vấn đề đang dần được giải quyết và đi theo hướng ổn định.

Tại Công văn số 307 ban hành ngày 3/8 vừa qua, thực hiện nhiệm vụ được UBND tỉnh giao tại các văn bản nêu trên, Ban Dân Tộc tỉnh Bình Phước đã đề nghị các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố định kỳ báo cáo kết quả triển khai, thực hiện mỗi 6 tháng (trước ngày 20/6 và 20/12 hàng năm) theo biểu mẫu để Ban Dân tộc tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh. Theo đó, định kỳ sở TN&MT báo cáo số lượng giao dịch, mua bán, sang nhượng đất ở, đất sản xuất có liên quan đến người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh về Ban Dân tộc.

[ad_2]