[ad_1]

Nếu cuộc đời này là biển cả, thế thì khát vọng của ta tựa như thủy triều…

Người sống ở đời không thể không có khát vọng, cũng như biển cả không thể không có thủy triều, ấy là quy luật tự nhiên. Giả dụ người ta sống mà không có khát vọng nữa thì với sự tình gì cũng đều sẽ không còn cảm thấy hứng thú. Người ta cũng sẽ không còn đam mê, hy vọng gì với cuộc sống này, thiếu đi nhiệt tình công việc. Cuộc đời mà không có khát vọng thì bức tranh của nhân sinh sẽ trở nên ảm đạm thiếu sức sống vô cùng.

Vấn đề then chốt chính là ở chỗ ta nắm chắc được mức độ dục vọng của bản thân ra sao. Nước triều cũng có lúc lên lúc xuống, đừng để cơn thủy triều của dục vọng tràn khỏi bờ đê.

Truy cầu giàu sang tiền tài vốn không có gì là sai. Nhưng giàu sang đến mức nào mới được xem là giàu có, tiền tài bao nhiêu mới được xem là đầy đủ? Điều này vốn không có tiêu chuẩn cố định. Đời người muốn được thản đãng, ung dung thì cần phải nắm chắc được hai đường “ngang” và “dọc” của dục vọng.

Cái gọi là đường “ngang” là lấy tiêu chuẩn giàu có của bản thân làm khởi điểm, rồi vẽ ra một đường thẳng nằm ngang, bạn dễ dàng thấy được rằng những người thấp hơn đường thẳng nằm ngang đó có rất nhiều. Và đương nhiên số người cao hơn cũng không phải ít. So với mức trên thì không sánh được nhưng so với mức dưới thì có lẽ ta vẫn còn hơn rất nhiều. Tính ra đó cũng là một vị trị khá tốt rồi. Đời người cũng như biển cả, sóng cao sóng thấp đều thuộc về tự nhiên, cũng như tiêu chuẩn giàu có mỗi người đều không thể ở cùng một đường thẳng như nhau.

Cái gọi là đường “dọc” chính là lấy điểm thấp nhất trong cuộc sống trước đây của mình làm khởi điểm mà vẽ ra một đường dọc. Thuận theo đường dọc này không ngừng lên cao, bạn có thể thấy được mức sống của mình cũng dần thăng lên một cách rõ ràng. Bởi vậy ta nên cảm thấy hài lòng vì điều này, hài lòng và biết trân quý. So với ngày hôm qua, ta đã hơn một chút, hơn một chút.

Thế nhưng, trong cuộc sống, rất nhiều người lại không thể làm như vậy. Họ trước giờ không quay đầu lại, không thử đối chiếu với bản thân mình trước đây, mà cứ luôn thích so sánh với bản thân của hiện tại với người khác. Thế là, nước triều dục vọng của họ chỉ có dâng cao chứ không hạ xuống, hơn nữa sóng sau cao hơn sóng trước. Để rồi vì sự giàu có và hưởng lạc của bản thân mà họ chán nản bất lực trước cuộc sống, không từ thủ đoạn mà tranh đoạt lợi ích cho bản thân. Để rồi khiến cho nước triều của dục vọng tràn khỏi con đập của lý trí, nguy hại cho xã hội, làm hại người khác, cũng hại chính mình.

Thật ra, vạn vật nơi thế gian đều có quy luật của tự thân nó, ví như mùa xuân ra hoa, mùa thu kết quả, không dễ mà làm trái được. Người khôn khéo với giàu có thì thuận theo tự nhiên, có thể khiến cho nước triều của dục vọng có lên có xuống, không bao giờ để nó vượt quá giới hạn. Trái lại, người ngu muội thì đối với giàu có mang theo dã tâm rất mạnh, luôn muốn khiến cho nước triều của dục vọng chỉ có lên mà không có xuống, trước sau không tỉnh ngộ.

Người ôm giữ hai loại tâm thái này đều mong sẽ thu hái quả chín của cây đại thụ nhân sinh. Người chừng mực có thể nếm được nhiều vị ngọt của thành công hơn, còn kẻ vượt quyền thì chỉ nếm được những vị đắng chát thật khó nuốt. Từ xưa đến nay, không phải đều như vậy cả hay sao?

Dục vọng thích hợp thì mang lại lợi ích, dục vọng quá trớn thì nguy hại bản thân. Người sống ở đời, chớ nên để cho nước triều của dục vọng xung phá bờ đê của lý trí, có vậy, ta mới có thể bớt đi đường vòng, giảm thiếu những giọt nước mắt hối hận về sau. Khoan khoái điềm nhiên, mỉm cười đối diện với đời, cũng là hạnh phúc nhẹ nhàng, bình dị của nhân sinh.

Xem thêm

[ad_2]