[ad_1]

Lạm phát cao kết hợp với lãi suất tăng có thể khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt giảm…

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Getty/CNBC.
Chủ tịch Fed Jerome Powell – Ảnh: Getty/CNBC.

Triển vọng để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất sau tháng 3 có thể trở nên mờ mịt nếu căng thẳng Nga-Ukraine không lắng dịu – hãng tin CNBC nhận định.

Đó là bởi căng thẳng này đang đẩy giá xăng dầu và nhiều mặt hàng khác tăng chóng mặt ở Mỹ, trong khi người tiêu dùng là lực lượng đóng góp 70% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này. Lạm phát cao kết hợp với lãi suất tăng có thể khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới sụt giảm.

Giá dầu và nhiều hàng hoá cơ bản khác đã leo thang mạnh trong thời gian gần đây, khi Nga tập trung một lực lượng lớn ở khu vực gần biên giới với Ukraine, khiến phương Tây cho rằng Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng hạ lệnh tấn công nước láng giềng. Nga là một nước xuất khẩu dầu lửa và khí đốt lớn, đồng thời cũng xuất khẩu nhiều bột mỳ, palladium, nickel, nhôm và các kim loại khác. Giá tất cả các mặt hàng này đều bị đẩy lên khi mối quan hệ giữa Nga với phương Tây xấu đi.

THẾ KHÓ CỦA FED KHI BƯỚC VÀO THẮT CHẶT

“Quan trọng nhất vẫn là dầu, chứ không phải là bột mỳ, palladium hay nickel”, chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody’s Analytics phát biểu. “Giá dầu có thể tăng thêm 10-15 USD/thùng vì xung đột này. Giá xăng không chì bán lẻ ở Mỹ vì thế có thể tăng thêm 30-40 cent/gallon, và lạm phát tiêu dùng ở Mỹ sẽ tăng thêm nửa điểm phần trăm trong vòng 1 năm. Mà chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 đã tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước rồi. Tôi có cảm giác việc này sẽ làm khó cho Fed trong nỗ lực vừa kiểm soát lạm phát vừa đạt trạng thái toàn dụng trên thị trường lao động”.

Người tiêu dùng ở Mỹ phải mua xăng không chì với giá bình quân 3,53 USD/gallon vào thời điểm ngày 22/2, tăng 90 cent/gallon so với cách đây 1 năm và tăng 21 cent/gallon chỉ trong vòng 1 tháng qua – theo dữ liệu từ AAA. Trong vòng 1 năm, giá dầu thô đã tăng khoảng 50%.

Nhiều chuyên gia kinh tế nói rằng chính giá dầu sẽ là nhân tố quan trọng nhất quyết định chính sách của Fed. Giá dầu tăng kéo lạm phát tăng mạnh theo. Đến một mức độ nào đó, giá dầu tăng cao kéo dài sẽ gây tổn hại cho tăng trưởng kinh tế. Khi đó, việc nâng lãi suất để chống lạm phát sẽ chẳng khác gì “con dao hai lưỡi”. Theo giới phân tích, nếu Nga mở một cuộc tấn công quân sự quy mô lớn nhằm vào Ukraine, giá dầu có thể tăng cao hơn nhiều.

“Mọi chuyện đã trở nên phức tạp hơn nhiều”, chuyên gia kinh tế trưởng Bruce Kasman của JPMorgan Chase phát biểu. “Có một kịch bản mà ở đó ảnh hưởng đến tăng trưởng trở nên lớn hơn. Cũng có những kịch bản mà sự tăng giá không tác động nhiều lắm đến tăng trưởng mà chủ yếu gây tăng lạm phát”.

Ông Kasman dự báo Fed sẽ nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, và nếu tình hình Ukraine dịu đi, Fed có thể nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong lần họp này. Ông dự báo Fed sẽ có thêm 6 lần nâng lãi suất nữa trong thời gian từ sau tháng 3 đến hết năm.

Nỗi lo về tăng trưởng kinh tế có thể khiến Fed phải hãm tốc độ tăng lãi suất. Nhưng mặt khác, nếu lạm phát tăng mạnh hơn, Fed có thể tăng lãi suất quyết liệt hơn.

“Giá dầu hiện nay đang cao hơn khoảng 30% so với mức trung bình của quý 4/2021. Nếu giá tăng 75%-100%, tức là tăng đến 120-150 USD/thùng, thì ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đủ lớn”, ông Kasman nói.

Theo ông Zandi, trọng tâm hiện nay của Fed là chống lạm phát, vì lạm phát đang nóng hơn và kéo dài hơn dự kiến. Ông cho rằng giá dầu ít có khả năng tăng lên mức 150 USD/thùng, và đó sẽ là một “kịch bản đen tối”, nhưng giá xăng dầu tăng vẫn là một vấn đề mà Fed quan tâm đặc biệt.

“Tôi nghĩ rằng diễn biến giá dầu sẽ củng cố quyết tâm hiện nay của Fed về nhanh chóng bình thường hoá chính sách tiền tệ, vì Fed đang tập trung nhiều hơn vào hiệu ứng lạm phát hơn là hiệu ứng tăng trưởng”, ông Zandi nói. “Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc về nguồn cung, và thêm vào đó là một cú sốc về giá dầu. Chúng ta có hai cú sốc nguồn cung nghiêm trọng này xảy đến cùng một lúc. Đó là lý do vì sao Fed đang ở vào một thời điểm khó khăn”.

ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA SAU THÁNG 3?

Theo ông Kasman, Fed sẽ không thay đổi quyết tâm bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất từ tháng 3 vì Fed tin rằng họ đang chậm so với lạm phát. “Nhưng lãi suất sẽ diễn biến như thế nào trong 3-4 tháng tới đây sẽ tuỳ thuộc nhiều vào việc liệu giá cả có tiếp tục tăng hay không và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế”, ông Kasman nói. Vị chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ đạt 3,6% trong năm nay, so với mức tăng 5,7% đạt được trong năm ngoái.

Ông Kasman cũng chỉ ra rằng Fed không quen với việc tăng lãi suất trong những giai đoạn giá dầu đang leo thang.

“Việc đó thực sự gia tăng sức ép lên nền kinh tế. Ở cấp độ chưa ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng, thì lạm phát tăng lên cũng đã tự nó trở thành một vấn đề lớn hơn trong trung hạn rồi”, ông Kasman nói. “Mặt khác, việc Fed chuẩn bị thắt chặt, cộng thêm cú sốc thiếu cung, tất cả sẽ cộng hưởng thành một cú sốc lớn, tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế. Về cơ bản, chúng ta chưa từng chứng kiến tình trạng như vậy kể từ thời Paul Volcker”.

Ông Volcker, cựu Chủ tịch Fed, được biết đến nhiều về cuộc chiến mạnh tay chống lạm phát, tăng lãi suất lên đỉnh 20% vào năm 1981. Hiện nay, Fed thời Chủ tịch Jerome Powell đang chuẩn bị tăng lãi suất từ khoảng 0-0,25%.

“Từ góc nhìn về chức năng phản ứng của Fed, thì khi giá dầu tăng mạnh, các Chủ tịch gần đây của Fed là Alan Greenspan, Ben Bernanke, và Janet Yellen đều hoặc đã hoàn thành xong việc thắt chặt, hoặc việc tăng giá dầu đó ngăn họ khỏi hành động thắt chặt”, ông Kasman phát biểu.

Ông Zandi nói rằng năng lượng chiếm khoảng 4,3% chi tiêu của người Mỹ, trong đó xăng xe chiếm 2,7%. Năng lượng chiếm gần 10% tiêu dùng của người Mỹ, một mức cao chưa từng có, vào tháng 6/1982, khi ông Volcker đang là Chủ tịch Fed. Mức thấp kỷ lục được ghi nhận vào tháng 11/2020, khi nhóm mặt hàng này chỉ chiếm 3,3% tổng chi tiêu của người Mỹ.

[ad_2]