[ad_1]

Sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới có tên Omicron vừa đe doạ tăng trưởng kinh tế, vừa có thể làm gia tăng áp lực lạm phát, qua đó đặt ra thách thức mới cho các ngân hàng trung ương…

Chủ tịch Fed Jerome Powell - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell – Ảnh: Bloomberg.

Theo đánh giá ban đầu của giới chuyên gia kinh tế, biến chủng Omicron có thể khiến các quốc gia phải tái áp hạn chế đối với các hoạt động kinh tế và thay đổi kế hoạch về rút bớt hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ. Vì lý do này, những mất cân đối khiến giá cả leo thang trên toàn cầu trong thời gian gần đây có thể trở nên trầm trọng hơn.

Biến chủng mới được phát hiện đúng vào thời điểm chỉ vài tuần trước khi các ngân hàng trung ương lớn của thế giới đưa ra những quyết định quan trọng. Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tuyên bố đẩy nhanh việc cắt giảm chương trình mua tài sản, Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) có thể nâng lãi suất, và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thể cũng thu hẹp quy mô của chương trình mua tài sản đã triển khai để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua sóng gió đại dịch.

Trong tài liệu chuẩn bị trước cho phiên điều trần ngày 30/11 trước Uỷ ban Ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã đề cập đến hai thách thức mà biến chủng Omicron đặt ra cho kinh tế Mỹ. Ông nhận định rằng Omicron gây “rủi ro suy giảm” đối với thị trường lao động và tăng trưởng kinh tế, đồng thời làm gia tăng sức ép lạm phát.

Thực tế này “có thể khiến các ngân hàng trung ương đặt ra câu hỏi về thời gian và tốc độ của việc nâng lãi suất – điều mà thị trường cho là sẽ diễn ra vào năm tới. Vấn đề ở đây là biến chủng mới sẽ cản trở sự phục hồi của các nền kinh tế như thế nào”, chiến lược gia Alex Brazier của BlackRock Investment Institute nhận định.

Làm khó cho việc ra quyết định của các ngân hàng trung ương là khả năng Omicron dẫn tới một đợt hạn chế mới ở các trung tâm sản xuất của thế giới như Trung Quốc, làm nghiêm trọng thêm các vấn đề hiện có của chuỗi cung ứng, đồng thời làm gia tăng tình trạng thiếu lao động ở một số quốc gia vì mối lo sức khỏe khiến không ít người ngại đi làm trở lại.

Những yếu tố như vậy có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn, giữa lúc lạm phát đã tăng tốc ở nhiều nền kinh tế do nhu cầu mua sắm mạnh trong mùa nghỉ lễ cuối năm và nhờ lượng tiền tiết kiệm tích trữ trong thời gian phong toả.

Tuy nhiên, mối lo về biến chủng mới đã gây ra một phiên bán tháo trên thị trường dầu thô vào hôm thứ Sáu tuần trước, với giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York sụt 13%, mức giảm mạnh nhất trong một phiên kể từ tháng 4/2020. Dầu sụt giá làm giảm bớt sức ép lạm phát trên toàn cầu.

“Tăng trưởng sẽ hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu phong toả trở lại, nhưng lạm phát thì chưa rõ thế nào”, chiến lược gia Jordan Rochester thuộc Nomura International nhận định. “Trong trung hạn, chưa rõ lạm phát có giảm hay không, xét đến việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng có thể kéo dài hơn trong khi nhu cầu tiêu dùng vẫn mạnh và tình hình tài chính của hộ gia đình ở nhiều quốc gia đang tốt hơn so với thời điểm năm 2019”.

Bức tranh lạm phát toàn cầu tiếp tục xấu đi vào ngày thứ Hai. Thống kê từ Đức cho thấy giá cả tăng mạnh hơn dự báo trong tháng 11 và dữ liệu của Tây Ban Nha cho thấy chi phí sinh hoạt tăng mạnh nhất khoảng 3 thập kỷ.

Trước khi biến chủng mới xuất hiện, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hà Lan Klaas Knot đã nói bóng gió đến áp lực giá cả tăng cao hơn. Nhận định này được ông Knot khi đề cập đến ảnh hưởng tiềm tàng của việc áp lệnh phong toả nhằm kiềm chế sự gia tăng của số ca nhiễm mới.

Các biện pháp như vậy “chắc chắn sẽ có ảnh hưởng khiêm tốn đến các hoạt động kinh tế, nhưng ảnh hưởng đối với lạm phát sẽ khó xác định hơn, vì sẽ làm gia tăng những lo ngại mà chúng tôi đang phải đối mặt về gián đoạn nguồn cung”, ông Knot – một trong những quan chức có lập trường chính sách tiền tệ cứng rắn nhất trong ECB  – nói với Bloomberg.

Tuy nhiên, khi đánh giá về triển vọng kinh tế sau khi Omicron xuất hiện, cũng cómột số quan chức ngân hàng trung ương tỏ ra không mấy căng thẳng. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda nói rằng biến chủng mới không làm thay đổi kỳ vọng của ông về việc nền kinh tế Nhật Bản sẽ sớm tăng trưởng trở lại. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau nói sự xuất hiện của Omicron “sẽ không làm thay đổi triển vọng kinh tế quá nhiều”.

Dù vậy, chuyên gia kinh tế trưởng Neil Shearing của Capital Economics cho rằng biến chủng Omicron có vẻ sẽ là một cú sốc đại dịch khác với những gì mà các ngân hàng trung ương đã từng trải qua kể từ khi Covid xuất hiện. “Những làn sóng trước của virus về cơ bản khiến lạm phát giảm xuống, nhưng một làn sóng lây nhiễm mới trong tương lai có thể khiến lạm phát tăng mạnh”, ông Shearing nói.

[ad_2]