[ad_1]

Bảo kiếm sắc là nhờ được mài ra, hoa mai thơm là nhờ thống khổ trong buốt giá
Ảnh: wh.cnki.net

Đời người tuy rằng ngắn ngủi nhưng trong khoảng thời gian chỉ vẻn vẹn mấy chục năm ấy, bất kể ai đến với thế gian này cũng đều phải chịu đựng khổ nạn ở các mức độ khác nhau, và đều phải trải qua sinh lão bệnh tử. Dẫu rằng ý nghĩa của đời người không hoàn toàn nằm ở việc nhẫn chịu khổ nạn, nhưng vượt qua khổ nạn lại là con đường dẫn đến thành công mà rất nhiều người ắt phải trải qua.

Vào tháng 1 năm 1982, tầng tầng tuyết rơi bao phủ lấy vùng đồng bằng Trung tâm miền bắc Trung Quốc. Năm ấy tôi là một sinh viên 20 tuổi mới tốt nghiệp, vừa từ biệt cha mẹ ở Sơn Đông, trong gió rét thấu xương, với hành lý hết sức đơn sơ và tâm trạng vô cùng ủ rũ, tôi lên tàu lửa đến thành phố cao nguyên Thanh Hải.

Trong suốt 4 năm đại học, tôi không biết mình đã xúc phạm đến vị lãnh đạo nào ở trường đại học, mà họ lại phân công tôi đến một nơi xa lạ tứ cố vô thân như Thanh Hải, hơn nữa mặc dù kết quả học tập đã đạt, tôi lại bị tước mất bằng cử nhân một cách vô lý. Trước những bất công dưới chế độ chính trị cường quyền, trong lòng tôi trào dâng một cảm giác muốn khóc mà không thể khóc được.

Bởi vì thành phố núi Thanh Hải nằm trên cao nguyên phía Tây Bắc, nơi đây quanh năm không có mưa, khí hậu khắc nghiệt, việc uống nước cả ngày cũng không thể ngăn được cổ họng khô rát và chảy máu cam, cộng thêm tâm trạng bên mình không ai thân thích, không có hy vọng trở về quê, chán nản, bi quan lên đến cực điểm, không lâu sau tôi đã đổ bệnh.

Từ đó tôi bắt đầu suy nghĩ về sinh mệnh và ý nghĩa của nhân sinh. Trong u minh câu nói của cổ nhân đâu đó văng vẳng bên tai tôi: “Khi trời giao sứ mạng trọng đại cho người nào, nhất định trước hết phải làm cho ý chí của họ được trui rèn, khiến cho họ nhọc cái gân cốt…”.

Sau đó, tôi đọc được đoạn giải thích sâu sắc của Thái Sử Công về khổ nạn và thành công trong một cuốn sách cổ: “Xưa Tây Bá bị tù ở Dũ Lý nên diễn giải Chu Dịch; Khổng Tử gặp nạn ở đất Trần, đất Thái nên viết Xuân Thu; Khuất Nguyên bị đuổi nên viết Ly Tao; Tả Khâu Minh bị mù rồi mới viết ra Quốc Ngữ… Các tác phẩm đó phần lớn đều do thánh hiền sau khi hạ quyết tâm mà làm ra”.

Điều này khiến tôi nhận ra rằng, sự hưởng thụ lợi ích vật chất đối với con người mà nói là việc khi sinh không mang theo đến, khi tử không mang theo đi, tựa hồ mây khói thoảng qua và sẽ tan biến bất cứ lúc nào. Còn những thành tựu và uy đức mà một người kiến lập dựa trên trải nghiệm vượt qua khổ nạn và ý chí kiên cường không gì lay chuyển được sẽ để lại tiếng thơm muôn thuở, thành công của họ sẽ không vì năm tháng trôi đi mà tiêu mất.

Vậy là tôi quyết tâm sẽ học thuộc hết bộ giáo trình tiếng Nhật của khoa tiếng Nhật chuyên nghiệp thuộc Học viện ngoại ngữ Thượng Hải trong ba tháng. Trong ba tháng này tôi thậm chí còn không có thời gian cắt tóc, nhưng cuối cùng tôi đã có thành tích tối ưu để ứng tuyển học bổng du học tiến sĩ của Bộ Giáo dục Nhật Bản, và được tham dự vào chương trình đào tạo tiến sĩ tại Đại học Tokyo danh tiếng.

Đôi khi nhìn lại chặng đường đã qua, tôi không thể ngăn được trong tâm niềm xúc động vô hạn. Bây giờ tôi đã là một người tu luyện rồi và tôi cũng không còn ôm giữ tâm oán hận với những người hẹp hòi ích kỷ đã làm hại tôi nữa. Tôi vẫn thường nghĩ rằng: nếu không có những người năm xưa đã tạo cho tôi một hoàn cảnh khắc nghiệt và tồi tệ đến như vậy, thì tôi đã không có cơ hội để chịu đựng khổ nạn!

Vậy thì cũng sẽ không có những thành tựu như ngày hôm nay, và tôi thực sự nên cảm ơn họ! Tất nhiên, không cách nào tôi quên được những đồng nghiệp và bạn bè đã chân thành giúp đỡ tôi vượt qua gian khổ, niềm tin vào Chân – Thiện – Nhẫn khiến tôi luôn cảm thấy biết ơn tất cả những người hữu duyên với mình trong cuộc đời.

Cổ ngữ có câu rằng: “Bảo kiếm phong tòng ma lệ xuất, mai hoa hương tự cổ hàn lai”, ý là bảo kiếm sắc là nhờ được mài ra, hoa mai thơm là nhờ thống khổ trong buốt giá. Mặc dù con người của xã hội ngày nay không muốn bản thân gặp phải những ma nạn và gian khổ trong cuộc sống, nhưng đời người nếu không trải qua khổ nạn thì thường khó tạo ra được thành quả khiến người khác nể phục.

Con người chỉ có thể sử dụng những của cải vật chất hữu hình trong thời gian ngắn, còn những kinh nghiệm tích lũy được từ trong gian khổ chính là loại tài phú vô hình, mà loại tài phú này lại thời thời khắc khắc không ngừng khích lệ lòng người [biết vươn lên]. Những thành tựu của con người thế gian và uy đức của người tu luyện đều đến từ khổ nạn, vậy thì những trải nghiệm trong khổ nạn chẳng phải là một kiểu tài phú của đời người hay sao?

Tác giả: Quán Minh – Chanhkien

Xem thêm

[ad_2]