Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả phát triển kinh tế – xã hội trong 8 tháng năm 2021, đối với Vùng Đồng bằng sông Hồng, tổng thu ngân sách đạt gần 356.000 tỷ đồng, chiếm 33,5% cả nước; kim ngạch xuất khẩu đạt 72 tỷ USD; tổng vốn đầu tư FDI đạt gần 5,8 tỷ USD với 436 dự án; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 53%…

Về một số chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội năm 2022, Vùng Đồng bằng sông Hồng phấn đấu tốc độ tăng GRDP 7,9%, GRDP bình quân đầu người 109,9 triệu  đồng, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 518.000 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 1,2 triệu tỷ đồng. Vùng Trung du, miền núi phía Bắc phấn đấu tốc độ tăng GRDP 8%, thu ngân sách nhà nước đạt hơn 68.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư toàn xã hội hơn 338.000 tỷ đồng.

Tại tỉnh Bắc Ninh, tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2021 ước tăng 6,45% so với năm 2020; dư nợ tín dụng tăng 8%; Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,51%. Đến ngày 2-8, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh đạt 53,11%.

Báo cáo kinh tế Bắc Ninh 8 tháng đầu năm 2021

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, các địa phương phải có giải pháp, kế hoạch phục hồi kinh tế nhanh, bắt kịp xu hướng của thế giới. Đẩy mạnh công cuộc đổi mới và cải cách, cơ cấu lại nhanh nền kinh tế, thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược.

Tập trung tạo môi trường đầu tư thuận lợi, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp với tinh thần cao nhất. Đồng thời dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế và đầu tư công phù hợp với điều kiện thực tiễn tại địa phương và kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan để làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hương Giang đề nghị các đại biểu quán triệt ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng; yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tham mưu UBND tỉnh đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; xây dựng kế hoạch và đầu tư công năm 2022 theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 phải đánh giá được bối cảnh, dự báo tình hình, cơ hội, thách thức, thuận lợi, khó khăn trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; xây dựng mục tiêu cụ thể, sát thực, khả thi, phù hợp với tình hình thực tế gắn với khả năng cân đối, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đề ra các giải pháp cụ thể có tính chiến lược lâu dài nhưng phải giải quyết các nhiệm vụ trước mắt năm 2022.

Chú trọng các vấn đề: thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất; hỗ trợ người lao động; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp; quy hoạch tỉnh; quy hoạch; chương trình phát triển đô thị; việc thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; công tác an sinh xã hội; công tác bảo vệ môi trường.

Chú ý tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án; sớm điều chuyển nguồn vốn đối với các dự án chậm tiến độ. Sở KH&ĐT rà soát báo cáo UBND tỉnh các dự án, chủ đầu tư ko giải ngân được nguồn vốn; gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác quản lý đầu tư công…