[ad_1]

Theo báo cáo của một cơ quan truyền thông, giới hạn cho vay được chính quyền Bắc Kinh gọi là “ba lằn ranh đỏ” đã kéo nhiều công ty bất động sản đến bờ vực phá sản, gần đây đã được nới lỏng.

Bắc Kinh nới lỏng chính sách “ba lằn ranh đỏ”

Báo cáo này cho biết đây là nguyên nhân giúp giá cổ phiếu các công ty bất động sản Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong tăng giá trong phiên giao dịch thứ 6 tuần trước. Tuy nhiên, các nhà phân tích không kỳ vọng việc nới lỏng sẽ có tác động ngay lập tức đến thị trường.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có kế hoạch loại trừ khoản nợ do một công ty bất động sản huy động để mua lại tài sản của một đơn vị khác khi tính toán việc tuân thủ “ba lằn ranh đỏ”, tờ Cailianshe đưa tin hôm thứ 5 tuần trước.

“Ba lằn ranh đỏ” xác định các ngưỡng cho vay, được chính phủ trung ương Trung Quốc vạch ra vào tháng 8/2020. Đó là tỷ lệ nợ phải trả trên tài sản không bao gồm các khoản thu trước dưới 70%, tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu nhỏ hơn 100% và tỷ lệ tiền mặt trên nợ ngắn hạn bằng một.

Theo quy định mới, các công ty sẽ được phép vay nhiều hơn từ các ngân hàng và tăng hạn mức nợ của họ lên 5% hàng năm, với mức tăng nợ hàng năm tối đa là 15%.

Tuy nhiên, giám đốc điều hành cấp cao của hai công ty bất động sản có tiếng tại Trung Quốc cho biết họ vẫn chưa nhận được bất kỳ thông báo nào liên quan đến việc thay đổi quy tắc, theo South China Morning Post.

Trong đó, một người cho biết sự thay đổi quy tắc sẽ được hoan nghênh vì nó sẽ giúp mọi thứ dễ dàng hơn cho các nhà phát triển bất động sản trong việc mua một số dự án giá rẻ mà không phải lo lắng về việc tăng thêm áp lực cho các khoản nợ.

Giá cổ phiếu của các công ty bất động sản tăng lên sau tin tức này. Chỉ số Hang Seng Mainland Properties Index đã tăng 4,6% vào thứ 6. Cụ thể, giá cổ phiếu Country Garden Holdings tăng 3,7%, trong khi China Evergrande Group tăng 4,9%.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng những hệ quả mà lĩnh vực bất động sản phải gánh chịu còn lâu mới kết thúc và động thái này không thể hiện bất kỳ sự thay đổi cơ bản nào trong lập trường cứng rắn của chính phủ Trung Quốc đối với lĩnh vực này.

Raymond Cheng, nhà phân tích bất động sản tại CGS-CIMB cho biết: “Tin tức, nếu đúng, sẽ khuyến khích nhiều thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) hơn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, động thái này sẽ không giải quyết được các vấn đề thanh khoản của nhiều nhà phát triển hạng hai, những người vẫn cần tái cấp vốn kịp thời để trả nợ trong tương lai gần.”

Ông nói thêm rằng các nhà phát triển vững mạnh về tài chính đã miễn cưỡng tiến hành M&A vì họ có thể không đáp ứng được các yêu cầu được đưa ra trong chinhs sách “ba lằn ranh đỏ”.

Ví dụ, Evergrande và Kaisa Group Holdings đã đưa nhiều tài sản cốt lõi của họ ra thị trường. Evergrande, đang vật lộn với khoản nợ hơn 305 tỷ USD, vẫn chưa tìm được người mua cho trụ sở chính ở Hong Kong, Evergrande Tower. Trong khi đó, Kaisa Group đã đặt 18 dự án với tổng diện tích 1,45 triệu m2 ở Thâm Quyến lên sàn nhưng cũng chưa tìm thấy người mua.

Yan Yuejin, Giám đốc E-house Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải cho biết: “Sự nới lỏng sẽ đẩy nhanh quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng nợ hiện tại, vì ngày càng có nhiều công ty lớn sẵn sàng đứng ra giúp đỡ các công ty khác”.

Ngay cả khi điều đó là đúng, việc nới lỏng không nên được coi là dấu hiệu cho thấy một giọng điệu nhẹ nhàng hơn từ chính quyền Bắc Kinh. Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm chặt chẽ đối với lĩnh vực bất động sản.

[ad_2]