[ad_1]

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 219/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng…

Ảnh minh hoạ Ảnh minh hoạ

Theo đó, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch tỉnh Bắc Giang bao gồm toàn tỉnh này với diện tích tự nhiên 389.589 ha, phía Bắc giáp Lạng Sơn và một phần tỉnh Thái Nguyên, phía Nam giáp tỉnh Bắc Ninh, Hải Dương và tỉnh Quảng Ninh, phía Tây giáp với Thái Nguyên và thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp với tỉnh Lạng Sơn và Quảng Ninh.

Mục tiêu đến năm 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Bắc Giang trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng; dịch vụ đa dạng, có bước đột phá; nông nghiệp phát triển ổn định, theo hướng an toàn, chất lượng và hiệu quả. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Khoa học, công nghệ, kinh tế tri thức được phát huy, trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp cho nâng cao chất lượng tăng trưởng; phát triển mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội được phát triển toàn diện và thuộc nhóm tiên tiến của cả nước; đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của nhân dân được nâng lên; mở rộng hợp tác, hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới…

Đến 2030, Bắc Giang trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là một trong 15 tỉnh, thành phố có quy mô GRDP đứng đầu cả nước. Bắc Giang đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 – 2030 đạt khoảng 15 – 16%, trong đó công nghiệp – xây dựng tăng 17 – 18%/năm; dịch vụ tăng 10 – 11%/năm; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2 – 3%/năm. Cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp – xây dựng chiếm khoảng 66 – 67% (công nghiệp chiếm 60%); ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 6 – 7%; ngành dịch vụ chiếm 24 – 25% và thuế sản phẩm 2 – 3%. GRDP bình quân đầu người năm 2030 đạt khoảng 9.800 USD.

Về không gian và kết cấu hạ tầng, tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 55 – 60%; Xây dựng, mở rộng thành phố Bắc Giang theo hướng thông minh, đạt đô thị loại 1 là trung tâm kinh tế, chính trị, dịch vụ của tỉnh. Huyện Việt Yên, Hiệp Hòa trở thành thị xã; thị trấn Chũ mở rộng trở thành thị xã, thị trấn Vôi đạt đô thị loại IV. Có 8/9 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới; Hạ tầng đầu tư phát triển cơ bản theo hướng đồng bộ, hiện đại; Hạ tầng giao vận tải thông suốt, an toàn; hạ tầng xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển…

Phấn đấu đến năm 2050, Bắc Giang là tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển toàn diện, bền vững. Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sinh thái, tổ chức sản xuất với các khu, cụm công nghiệp tập trung, chuyên nghiệp; dịch vụ đa dạng, hiện đại, tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế; nông nghiệp sạch, chất lượng, hiệu quả. Đồng thời có hệ thống đô thị hiện đại, thông minh; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; tạo dựng cho người dân có cuộc sống tốt, mức sống cao…

[ad_2]