[ad_1]

Chuyện kể lại rằng: Ở Ấn Độ thời xưa có một người đàn bà thuộc dòng dõi Bà-la-môn tên là Đề Vi. Gia đình bà xưa nay vốn rất giàu có, nô tỳ nuôi trong nhà cũng có đến cả trăm người. Nhưng từ khi chồng bà qua đời thì mức sống dần dần suy sụp…

Thật không phải dễ dàng gì cho một góa phụ mà gia cảnh đang lúc suy tàn lại phải đảm đương mọi chi phí trong nhà: nào ăn nào mặc, rồi tiền nuôi gia nhân, tiền sửa sang nhà lớn, vườn tược, chuồng trại… ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác. Vì thế Đề Vi vô cùng buồn khổ vì cái họa khó khăn túng bấn luôn luôn đe dọa.

Thực ra, để giảm bớt gánh nặng tiền bạc, bà có thể giải tán một phần gia nhân đông đảo và giữ lại một số ít người để làm việc trong nhà, nhưng bà quả phụ này cho rằng danh dự là điều quan trọng nhất, thể diện là cần thiết nhất, vì thế bà không chịu giải quyết vấn đề bằng cách ấy. Mà còn cách nào khác nữa đâu? Bà nghĩ thà chết chứ không thể mất mặt, nhưng nếu đã chọn cái chết thì cũng phải chết thế nào cho có ý nghĩa.

Lúc ấy ở Ấn Độ có một trường phái ngoại đạo cực đoan tuyên truyền rằng muốn được sung sướng thì phải trả giá bằng sự đau khổ, kiếp này càng đau khổ thì kiếp sau càng hạnh phúc. Đề Vi nghe được thuyết giáo cực đoan nọ liền mù quáng tin tưởng theo ngay. Bà thầm nghĩ: không có cái đau đớn nào đối với thân thể con người cho bằng cái đau của sự chết cháy, nên bà quyết định tự thiêu.

Đề Vi toan tính rằng làm như thế bà sẽ có ba điều thuận lợi: thứ nhất là bà đánh đổi cái đau đớn ấy để lấy một kiếp sau sung sướng; thứ hai là một khi chết rồi bà sẽ không cần phải mệt mỏi đối phó với chuyện kiếm tiền lo chi phí trong nhà nữa; và thứ ba là chết để cầu đạo là một cái chết rất vinh dự, thể diện của bà cũng sẽ giữ được vẹn toàn.

Ấy là quả phụ Đề Vi tính toán như thế, tuy bà rất kín đáo không nói cho ai hay, nhưng một đệ tử của Đức Phật là Tôn giả Biện Tài lại đoán biết được tất cả những gì bà nghĩ trong đầu, nên ngài đích thân đến nhà bà để giáo hóa. Tôn giả nói với Đề Vi rằng:

– Bà không đảm nhiệm nổi mọi chi phí trong nhà nên mới muốn tự thiêu tìm cái chết, có phải vậy không? Nhưng làm như thế bà cũng không thoát được trách nhiệm, trái lại càng làm cho nghiệp chướng tăng trưởng. Ác nghiệp của kiếp trước chưa trả xong mà đã chết đi, thì kiếp sau cũng sẽ phải trả một lần nữa. Đồng thời, tự đốt cháy thân cũng là tạo tội. Bà phải biết tự thiêu là một hành động tự sát, và tự sát chính là đại tội.

Các tội nhân trong địa ngục A Tỳ đêm ngày bị đốt cháy, suốt một ngày trời chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần, cứ thế mà bị thiêu đốt mấy chục ngàn năm mới có thể trừ tội. Còn bà bây giờ chỉ tự đốt có một lần mà mong trừ tội thì làm sao được?

Đề Vi nghe Tôn giả nói như thế thấy rất có lý, như người đang ngủ mê chợt bừng tỉnh, định thưa hỏi Tôn giả một câu, thì dường như Tôn giả đọc được điều bà đang nghĩ, ngài nói tiếp:

– Bà muốn diệt tội cũng không phải là chuyện khó. Tất cả mọi việc thiện ác đều do tâm sinh khởi, nếu tâm của bà chất chứa những niệm ác thì cũng giống như ánh sáng của mặt trăng bị mây đen che mờ, không thể chiếu ra ngoài được. Chỉ có cách là một lòng làm việc thiện, không giữ niệm ác nào trong tâm, lúc ấy chẳng khác nào một cơn gió mát thổi bạt mây đen đi, mặt trăng sẽ lập tức chiếu soi ánh sáng đầy khắp. Làm như thế không những có thể diệt trừ nghiệp chướng, mà kiếp sau cũng sẽ được lợi ích lớn!

Đề Vi nghe xong rất vui mừng, liền triệu tập tất cả quyến thuộc nô tỳ trong nhà, thỉnh giáo Tôn giả:

– Bạch Tôn giả, được ngài khai thị và giáo hóa, chúng con rất cảm kích. Kính xin Tôn giả dạy cho chúng con làm cách nào để tiêu trừ nghiệp lực và được giải thoát.

Tôn giả Biện Tài nói:

– Nếu muốn diệt tội, thì trước hết phải tìm căn nguyên của tội lỗi. Tất cả các tội lỗi đều do: danh, lợi và tình tạo ra. Vì thế, bây giờ bà phải tu dứt những chấp trước vào danh, lợi, tình.

Rồi Tôn giả liền giảng cho bà Đề Vi cùng mọi người nghe ý nghĩa của việc tu luyện, và dạy cho họ phải làm sao để buông bỏ những chấp trước của mình, hóa giải nghiệp lực của những kiếp trước, làm sao để tạo nghiệp thiện, tích đại đức, làm sao để phát tâm từ bi…

Bà Đề Vi nhận lãnh sự chỉ giáo của Tôn giả Biện Tài một cách vui mừng. Từ ngày hôm đó về sau, bà chăm chỉ phụng hành theo lời dạy của Phật Pháp, phát nguyện tu dứt danh – lợi – tình, giải thoát tự thân và cứu chúng sinh ra khỏi khổ đau, vì vậy mà về sau bà chứng đắc được quả vị Thánh.

Cái tâm ham danh xưa nay quả là đáng sợ, nó có thể khiến con người ta từ chỗ tỉnh táo minh triết trở thành kẻ tham vọng, bon chen và hồ đồ chỉ trong nháy mắt. Danh lợi cũng như ngọn đuốc đang giần giật cháy, kẻ hám danh thì tựa như con thiêu thân, vì khát khao tỏa sáng mà bất chấp cả sinh mệnh để lao vào chẳng chút đắn đo suy nghĩ. Kết cục của những “con thiêu thân” nọ ra làm sao, trong tình huống này thiết nghĩ cũng không cần phải bàn thêm nữa!

Giống như bà góa phụ Đề Vi trong câu chuyện, chỉ vì cái danh hão mà tính đánh đổi cả sinh mệnh, mù quáng u mê coi mất thành được, lấy sinh đổi tử mà vẫn còn cho rằng mình an bài hợp lý. Cũng may bà ta còn nhận được sự điểm hóa từ Tôn giả Biện Tài mà thoát khỏi nguy nan từ trong gang tấc.

Không phải ngẫu nhiên mà dân gian thường gọi danh lợi là “bả”, cái bả danh lợi kia quả là có sức mê hoặc ghê gớm lắm thay, không có sức mê hoặc thì sao mà gọi là “bả” cho được. Nhưng nguy hại của nó đâu chỉ là có vậy, đã là “bả” thì ngoài cuốn hút mê hoặc ra nó còn có thể độc hại chết người nữa, và nạn nhân của nó hẳn là không ít. Hỏi nhân gian có mấy ai đủ tỉnh táo mà nhận ra mối nguy hại của loại “bả” này?

Xem thêm

[ad_2]