[ad_1]

Theo Nguyễn Minh Cường – Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, quy mô gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế của Việt Nam hiện chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5% – 7% GDP, để đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi…

Ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn - Ảnh: Quochoi.vnÔng Nguyễn Minh Cường – Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam phát biểu tại diễn đàn – Ảnh: Quochoi.vn

Theo Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), hầu hết các nước châu Á – vốn thích ứng tốt hơn với đại dịch Covid-19 trong năm 2020 so với phương Tây – hiện đang bị chậm lại phía sau bởi dịch bệnh tái bùng phát trong khi tốc độ tiêm chủng còn chậm và buộc phải áp dụng các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động kinh tế và xã hội.

Trong bối cảnh này, các nước châu Á đều phải tiếp tục các chính sách tài khóa mở rộng để ứng phó với dịch bệnh và kích thích kinh tế. Dựa trên những kinh nghiệm từ các nước trong khu vực, ADB đã rút ra kinh nghiệm và đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam để phục hồi và phát triển kinh tế thời gian tới.

HỖ TRỢ TÀI KHÓA VÀ TIỀN TỆ TẠI CHÂU Á TRONG ĐẠI DỊCH

Trình bày tham luận của ADB tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững sáng 5/12, ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam, cho biết, hầu hết các chính phủ châu Á đã sử dụng chính tài khóa nghịch chu kỳ nhằm chống lại suy thoái kinh tế, an sinh xã hội và tạo việc làm cho người dân, nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19.

“Các nước Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan có các gói kích thích tương đối lớn, chiếm trên 15% GDP, trong khi các nước còn lại quy mô các gói kích thích khiêm tốn hơn. Việc thực hiện các gói kích thích kinh tế đã khiến các nước đối mặt với bội chi và ngân sách tăng cao, một số nước đã phải áp dụng việc nới lỏng trần nợ công để ứng phó với đại dịch, gần đây nhất là Thái Lan đã nâng trần nợ công từ 60% lên 70% GDP”, ông Cường cho biết.

Gói hỗ trợ của các nước châu Á tập trung hỗ trợ hệ thống y tế hỗ trợ ứng phó dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, mở rộng bao phủ của hệ thống bảo trợ xã hội giúp giảm tổn thất, hỗ trợ sinh kế… Cùng với đó, các nước ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động và phục hồi, trong đó ưu tiên cho các doanh nghiệp trong các ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19 như hàng không, du lịch, lữ hành, khách sạn lưu trú, ăn uống, giao thông, vận tải, dịch vụ….

Gói hỗ trợ của các nước cũng tập trung vào tăng đầu tư công nhằm hỗ trợ tổng cầu, tăng năng suất, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp, chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng truyền thống và thế hệ mới (số, xanh) để phục hồi và kích thích tăng trưởng.

Theo tổng hợp của ABD, hầu hết các nước châu Á đều vận dụng các chính sách tài khóa, tăng chi ngân sách hỗ trợ kết hợp miễn, giảm, hoãn, gia hạn nộp thuế, phí các loại. Nhiều nước cũng có hỗ trợ gián tiếp thông qua các biện pháp hỗ trợ lãi vay, thanh khoản, bảo lãnh.

“Nhìn vào gói hỗ trợ của các nước trong khu vực có thể thấy các khoản chi dành cho lĩnh vực y tế, sức khỏe và hỗ trợ thu nhập chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị của gói kích thích tài khóa”, ông Cường cho biết.

Theo phân tích ADB, hỗ trợ thu nhập trực tiếp chiếm tỷ trọng cao nhất (48,5%) trong gói hỗ trợ trị giá khoảng 3.100 tỷ USD.

Toàn cảnh diễn đàn sáng 5/12 - Ảnh: Quochoi.vnToàn cảnh diễn đàn sáng 5/12 – Ảnh: Quochoi.vn

Các nước đưa ra các chính sách hỗ trợ đa dạng cho khu vực doanh nghiệp, từ trợ cấp, hỗ trợ thanh khoản (bơm vốn, bảo lãnh tín dụng; kéo dài thời gian áp dụng bảo lãnh….); đến miễn giảm, cho phép giãn, hoãn khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuế đất, thuê đất, các khoản đóng góp an sinh xã hội; không phạt các khoản nộp trả chậm; nhiều nước giảm phí nhiên liệu bay, phí sân bay, bến cảng, nhà ga… Một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản thậm chí cho phép kéo dài chuyển lỗ.

Về thời gian và nhịp độ chính sách tài khóa, hầu hết các nước châu Á căn cứ vào tình hình thực tế để điều chỉnh theo diễn biến dịch bệnh. Một số nước đã bổ sung ngân sách nhiều lần hoặc tung ra các gói kích thích mới khi nền kinh tế vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng xấu bởi đại dịch Covid (Nhật Bản, Thái Lan, Singapore…), đồng thời các biện pháp hỗ  trợ cũng được gia hạn thêm thời gian đủ dài để có thể thực sự đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, thường là đến giữa năm 2022 hoặc hết năm 2022.

“Đáng lưu ý là năm 2021 chứng kiến sự khác biệt về nhịp độ tài khóa giữa các quốc gia trong khu vực châu Á. Tại một số nước ASEAN+3, việc triển khai mạnh chiến lược vaccine và sự phục hồi tốt của nền kinh tế đã cho các nhà hoạch định chính sách dư địa để bắt đầu giảm bớt các biện pháp hỗ trợ”, ông Cường lưu ý.

Trong đó, lập trường chính sách tài khóa của Trung Quốc đã chuyển sang thu hẹp hơn trong năm tài khóa 2021, Nhật Bản cũng được đánh giá là ít mở rộng hơn so với một năm trước, trong khi Hàn Quốc có tăng lãi suất chính sách nhưng vẫn giữ chính sách tài khóa mở rộng để tiếp tục cung cấp hỗ trợ các lĩnh vực khó khăn của nền kinh tế.

Còn các nền kinh tế ASEAN đang có mức tăng trưởng yếu hơn dự kiến do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã phải duy trì lập trường mở rộng tài khóa như Philippines, Thái Lan… Tính chung cả khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hỗ trợ của Chính phủ giảm từ mức trung bình 7,7% GDP vào năm 2020 xuống còn khoảng 4,9% vào năm 2021.

Cùng với chính sách tài khóa, các nước đều kết hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để ứng phó với những tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19. Để tạo nguồn tài chính rẻ hơn cho các biện pháp cứu trợ Covid-19 của Chính phủ, một số nước như Hàn Quốc, Indonesia, Philippines cho phép Ngân hàng Trung ương mua trái phiếu Chính phủ từ thị trường sơ cấp/thứ cấp. Ở chiều ngược lại, một số nước thông qua ngân hàng trung ương hỗ trợ nguồn tài chính với lãi suất ưu đãi cho các tổ chức tín dụng để thực hiện công cụ tài chính chuyển nhượng và thỏa thuận mua lại tài sản.

VIỆT NAM CÓ THỂ NÂNG QUY MÔ HỖ TRỢ 5-7% GDP

Từ kinh nghiệm của các nước châu Á nêu trên, ADB rút ra một số bài học và hàm ý chính sách cho việt Nam.

Cụ thể, chuyên gia ADB lưu ý rằng do khủng hoảng kinh tế – xã hội lần này xuất phát từ dịch bệnh Covid-19 mà không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế – tài chính nên về phương diện lý luận cũng như thực tiễn thì để xử lý triệt để thì các giải pháp chuyên môn về y tế vẫn mang tính chất quyết định và chủ yếu, còn chính sách kinh tế vĩ mô là các công cụ mang tính hỗ trợ.

“Chính sách tài khóa đóng vai trò chủ đạo song vẫn cần có sự kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, để tạo ra các nguồn lực tốt nhất hỗ trợ nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn, sớm hồi phục và phát triển”, nhà kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Cường cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; dư địa tài khóa được củng cố trong các năm gần đây, an toàn nợ công vẫn được đảm bảo, trong ngắn hạn Việt Nam có thể chấp nhận mức bội cao hơn và nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023 để hỗ trợ nền kinh tế.

“Tuy nhiên, trong dài hạn, khi nền kinh tế đã dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa cũng giảm dần, cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu và cải thiện hiệu quả chi ngân sách nhà nước để thiết lập lại kỷ luật tài khóa trong vòng 3-5 năm sau, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính quốc gia trong giai đoạn 2021-2025”, ông Cường lưu ý.

ADB cũng khuyến nghị Việt Nam cần xác định mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ với quy mô đủ lớn.

“Gói ngân sách hỗ trợ cho nền kinh tế hiện mới chưa đến 3% GDP nên có thể nâng lên khoảng 5% – 7% GDP, để đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như mong đợi”, ông Cường cho biết.

Theo ông, trong ngắn hạn, mục tiêu của gói hỗ trợ tài khóa là kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế nên sẽ cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội đối với người dân và người lao động, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp trong những ngành lan tỏa, có khả năng phục hồi.

Còn về dài hạn, với mục tiêu hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các biện pháp tài khóa trong giai đoạn này cần chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp sang hỗ trợ gián tiếp, từ hỗ trợ về tài chính sang hỗ trợ về cơ chế, từ  hỗ trợ số nhiều sang số ít các đối tượng còn chịu ảnh hưởng lâu dài của đại dịch, hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng trưởng xanh, bền vững.

Cùng với đó, ADB đặc biệt lưu ý tới đầu tư công, xem đây tiếp tục là trụ đỡ của phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo. Ngoài ra, trong việc triển khai giải pháp về y tế và kinh tế, cần có sự phối hợp, hợp tác và hỗ trợ quốc tế, giữa các nước, các khu vực với nhau cũng như các tổ chức quốc tế, đặc biệt là khi chuyển sang giai đoạn bình thường mới.

“Việc phân hóa về quy mô của các gói hỗ trợ càng cho thấy nhu cầu về nâng cao hợp tác và đoàn kết trong khu vực để thúc đẩy sự phục hồi mạnh mẽ trên toàn bộ châu Á”, chuyên gia ADB nêu rõ.

 

Diễn dàn ”Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững” diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 57 điểm cầu trong nước và quốc tế. Sự kiện do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban kinh tế Trung ương và Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức.

Tại diễn đàn, các diễn giả, chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ kinh nhiệm quốc tế về phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế, gợi ý chính sách đánh giá thực trạng nền kinh tế Việt Nam đồng thời kiến nghị đề xuất các chính sách tài khóa tiền tệ cùng các chính sách khác cho chương trình phục hồi kinh tế xã hội của Việt Nam thời gian tới.

#box1638674730870{background-color:#b1dd8b}

[ad_2]