[ad_1]

Năm 2022, lượng giao dịch chung cư tại Thừa Thiên Huế là 83 căn, 13.097 lô đất nền và 360 căn nhà ở riêng lẻ. Sở Xây dựng tỉnh này đánh giá mặc dù tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm nhưng thị trường BĐS chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao.

Theo báo cáo thông tin nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) năm 2022 từ Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế, tình hình kinh doanh bất động sản tại địa phương đầu năm qua có dấu hiệu khôi phục trở lại, nhưng đến những tháng cuối năm lại trầm lắng, lượng sản phẩm bán ra của các dự án không nhiều. 

Nhu cầu mua BĐS tại các khu đô thị trên thị trường vẫn nhiều tuy nhiên tâm lý khách hàng vẫn đang theo dõi, tìm hiểu động thái từ nhà đầu tư về giá bán, tiến độ, khuyến mại, các dịch vụ kèm theo để quyết định chọn các sản phẩm đáp ứng được tiêu chí cuả khách hàng. 

Nguyên do khiến thị trường BĐS gặp nhiều biến động là do chính sách thắt chặt tín dụng của hệ thống ngân hàng; giá vàng giảm; thị trường chứng khoán giao dịch biến động mạnh, nhiều rủi ro; lãi suất của các ngân hàng biến động lớn;… Sở Xây dựng đánh giá, đây là những biến động sẽ làm cho các nhà đầu tư chuyển hướng đầu tư sang thị trường bất động sản.

Hiện nay các nhà đầu tư và chủ đầu tư đang cố gắng huy động nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai đảm bảo đúng tiến độ cam kết. Mặt khác, các chủ đầu tư đã nỗ lực làm việc với các ngân hàng tiếp cận dễ hơn với vốn vay đầu tư, gia tăng hoạt động quảng cáo sản phẩm.

Diễn biến tình hình thị trường BĐS năm 2022 không mấy khả quan, nguồn cung có xu hướng giảm rõ rệt. Nguồn cung trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc trung, cao cấp với mức giá không phù hợp với đa số người có nhu cầu ở thực. Dòng vốn BĐS gặp khó và lãi suất tăng khiến nhiều nhà đầu tư do dự trong các quyết định đầu tư. 

Giá BĐS có dấu hiệu chững lại, một số dự án phải sử dụng chính sách bán hàng linh hoạt, chiết khấu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc, cam kết vay, mua lại,…

Mặc dù tình hình giao dịch có dấu hiệu sụt giảm nhưng thị trường BĐS chưa rơi vào suy thoái bởi sự quan tâm và nhu cầu vẫn ở mức cao. 

Hiện tượng sốt đất, bong bóng gần như không còn xuất hiện, hoạt động đầu tư giai đoạn này gần như bị triệt tiêu. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính mua BĐS để đầu tư được tính toán và cân nhắc kỹ càng hơn trước để đề phòng thị trường có những diễn biến tiêu cực.

Giao dịch đất nền chiếm chủ đạo, 528 căn tồn kho BĐS

Cũng theo Sở Xây dựng, năm 2022, Thừa Thiên Huế triển khai 8 dự án nhà ở thương mại (1.192 căn). 699 căn từ 4 dự án hình thành trong tương lai đủ điều kiện bán, ba dự án với 231 căn hoàn thành trong năm.

Các dự án nhà ở thương mại có thể kể đến là Tổ hợp nhà ở thương mại, dịch vụ và vui chơi giair trí An Đông tại TP Huế và thị xã Hương Thuỷ (162,6 ha; tổng mức đầu tư 1.616,2 tỷ đồng); Khu dân cư Đào Tân – Trần Thái Tông tại phường Trường An, TP Huế (0,64 ha; tổng mức đầu tư 52,4 tỷ đồng).

Tỉnh cấp phép một dự án nhà ở xã hội mới tại khu đô thị trong năm 2022 với 364 căn. 

Về các dự án du lịch nghỉ dưỡng, Thừa Thiên Huế triển khai 14 dự án gồm 195 căn biệt thự 2.345 phòng du lịch. 7 dự án với 98 căn biệt thự và 5.828 phòng du lịch đã hoàn thành.

Các dự án mà Sở này thống kê là Khu nghỉ dưỡng sinh thái ven biển tại xã Giang Hải, huyện Phú Lộc (75,39 ha; 2.080 tỷ đồng); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp và bến thuyền nội bộ thuộc bãi bồi Lương Quán, phường Thuỷ Biều, TP Huế (13,82 ha; 696,95 tỷ đồng).

Năm 2022, lượng giao dịch chung cư tại Thừa Thiên Huế là 83 căn, 13.097 lô đất nền và 360 căn nhà ở riêng lẻ. Tồn kho BĐS là 528 căn (đây là số lượng BĐS của dự án đủ điều kiện đưa vào giao dịch theo quy định nhưng chưa giao dịch trong kỳ báo cáo).

[ad_2]

Nguồn: https://vietnammoi.vn/83-can-chung-cu-tai-hue-giao-dich-thanh-cong-trong-nam-qua-dat-nen-gap-157-lan-2023114191449181.htm